Gỡ khó để HTX nuôi trồng thủy sản bám biển
Do chưa thực hiện quy hoạch vùng nuôi và chưa giao diện tích mặt nước biển cho người dân, HTX để phát triển nuôi trồng thủy sản nên dù đã có ý thức đầu tư nhưng người dân, HTX vẫn gặp khó khăn trong xin xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản và chưa yên tâm mở rộng quy mô cũng như tiếp cận chính sách hỗ trợ.
Nhiều HTX "bám biển" để phát triển thủy hải sản cho rằng nếu Nhà nước không thực hiện giao khu vực biển cho người dân thì người dân còn “vừa làm vừa run”.
Khó khăn dây chuyền
Vì khi không biết mình được sử dụng cụ thể bao nhiêu diện tích mặt nước biển, trong thời gian cụ thể ra sao việc bỏ vốn đầu tư làm kinh tế là rất khó. Trong khi nghề nuôi thủy hải sản trên biển cần sự đầu tư rất lớn, đi liền với đó là rủi ro về thiên tai, bão lũ có khi dẫn đến mất trắng và nợ chồng chất.
Bà Đinh Thị Minh Hằng, Phó Giám đốc HTX Vạn chài Hạ Long (Quảng Ninh), cho biết hiện các hộ nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trong HTX đang không biết sẽ phát triển nuôi trồng thủy hải sản như thế nào vì cơ quan quản lý địa phương chưa có quy hoạch cụ thể về vùng nuôi thủy hải sản trên biển.
Tương tự, tại HTX Nuôi trồng thủy sản du lịch Vân Phong (Khánh Hòa), các thành viên HTX cũng chỉ nuôi trồng thủy hải sản theo quyết định quy hoạch vùng biển tạm thời của địa phương nên chưa hộ nào được giao khu vực biển cụ thể.
Vì chưa được giao diện tích mặt nước biển cụ thể nên theo các HTX, việc mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư nuôi trồng thủy sản luôn vào thế bị động. Theo các HTX, nếu đầu tư nhưng sau này không thuộc vùng biển được giao thì HTX bị thu hồi, gây thiệt hại về kinh tế.
Bên cạnh đó, vì chưa được giao khu vực biển nên các HTX cũng không thể đăng ký nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp trên biển. Bởi, Điều 38 Luật Thủy sản 2017 quy định, khi nuôi trồng thủy sản, chủ mô hình phải đáp ứng các điều kiện về địa điểm xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản, tức là phải tuân thủ quy định về sử dụng đất, khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay ở các địa phương đều chưa có quy hoạch rõ ràng nên chưa có căn cứ giao khu vực biển cho người dân nuôi trồng thủy sản.
Rào cản quản lý
Thực tế, Luật Thủy sản 2017 đã có những quy định về giao khu vực biển để nuôi trồng thủy hải sản cho cá nhân, tổ chức trong thời gian không quá 30 năm. Tuy nhiên, từ khi luật này đi vào thực tiễn đến nay, chưa có địa phương nào có kế hoạch cụ thể trong việc giao khu vực biển cho cá nhân, tổ chức. Trong khi nuôi trồng thủy hải sản trên biển được đánh giá là có tiềm năng. Dự báo của Bộ NN&PTNT, đến năm 2025, diện tích nuôi biển ở Việt Nam đạt 280 nghìn ha, sản lượng khoảng 850 nghìn tấn, xuất khẩu đạt 1 tỷ USD.
Theo đánh giá của ngành chức năng, để giao được khu vực biển cho cá nhân, tổ chức, các địa phương phải có quy hoạch không gian biển, quy hoạch tổng thể khai thác và sử dụng tài nguyên vùng bờ biển, quy hoạch phát triển ngành thủy sản của tỉnh-thành và phương án sử dụng không gian biển. Những quy hoạch này đều nằm trong quy hoạch của tỉnh-thành nhưng đến nay nhiều tỉnh, thành chưa hoàn thiện quy hoạch của địa phương mình.
Đi liền với đó, các quy hoạch liên quan đến biển của các địa phương cũng phụ thuộc vào quy hoạch không gian biển quốc gia. Nhưng quy hoạch không gian biển quốc gia hiện mới trong quá trình xây dựng nên các địa phương cũng không có căn cứ để thực hiện và không thể giao khu vực biển, cho thuê khu vực biển phát triển sản xuất thủy hải sản vì chưa có căn cứ cụ thể.
Ngoài ra, theo quy hoạch giao khu vực biển tại Luật Thủy sản 2017: phạm vi mặt nước 3 hải lý tính từ đường triều kiệt ra biển sẽ do UBND cấp huyện thực hiện giao, cho thuê; phạm vi 3 - 6 hải lý do UBND tỉnh thực hiện; phạm vi ngoài 6 hải lý do cấp trung ương quản lý.
Vậy nhưng hiện nay, các quy định về đường triều kiệt tại Quyết định số 1790/QĐ-BTNMT đang có những khó khăn trong áp dụng vào thực tiễn nên khó phân định rõ về cấp thẩm quyền quản lý, thực hiện giao, cho thuê mặt nước để nuôi trồng thủy hải sản.
Cùng với đó, một số địa phương như Quảng Ninh, Khánh Hòa… tuy đã có văn bản pháp luật thực hiện quy hoạch biển để phần nào tháo gỡ khó khăn cho người dân, HTX trong phát triển nuôi trồng thủy hải sản nhưng đây mới chỉ là quy hoạch tạm, việc quy hoạch chỉ diễn ra ở một số xã, huyện và trong một thời gian ngắn nên chưa giúp người dân, HTX yên tâm sản xuất, đầu tư.
Ông Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch HĐQT HTX Nuôi trồng thủy sản du lịch Vân Phong cho biết do các cấp chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt trong việc xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch để giao biển cho người dân khiến người dân, HTX rơi vào khó khăn, kìm hãm sự phát triển. Do đó, ông Sang cho rằng các cơ quan quản lý cần nhanh chóng vào cuộc, sớm giao khu vực biển để bà con yên tâm nuôi trồng thủy sản, đầu tư công nghệ thích ứng thiên tai theo đúng quy định của Luật Thủy sản 2017.
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, muốn phát triển nuôi trồng thủy hải sản trên biển theo hướng hàng hóa, người nuôi cần có diện tích mặt nước biển đủ lớn để bảo đảm mật độ nuôi cũng như đảm bảo các công tác hậu cần nhằm hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Chính vì vậy, việc giao khu vực biển hay cho thuê khu vực biển khi thực hiện đúng sẽ giúp HTX, doanh nghiệp đầu tư có cơ sở phát triển. Cụ thể là họ sẽ có giấy tờ đầy đủ để có thể tiếp cận các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ. Đi liền với đó là HTX, doanh nghiệp đảm bảo được các điều kiện để sản phẩm được truy xuất nguồn gốc, từ đó nâng cao giá trị hàng hóa.
Đồng thời, việc giao khu vực biển cũng sẽ hạn chế xung đột, tranh chấp vùng nuôi, từ đó bảo đảm các giá trị bền vững trong chuỗi nuôi biển.