Gỡ khó giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh đường sắt đô thị
Thay vì chờ đến khi có quyết định phê duyệt, để dự án không bị vỡ tiến độ, bị nhà thầu nước ngoài phạt vi phạm hợp đồng, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, các dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) phải được giải phóng mặt bằng (GPMB) khi có chủ trương đầu tư và tách ra gói riêng.
Ngày 18/1, hội thảo tháo gỡ vướng mắc cho phát triển các dự án ĐSĐT do UBND thành phố Hà Nội và TPHCM đồng tổ chức đã tập trung vào nội dung tháo gỡ vướng mắc trong công tác GPMB và huy động vốn cho xây dựng, phát triển ĐSĐT.
Nêu thực tế công tác GPMB để thực hiện các dự án ĐSĐT tại Hà Nội hiện nay, GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT, cho biết, hầu hết bị chậm và không đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là các hạng mục thi công bị chậm bàn giao mặt bằng nhiều năm, dẫn đến nhà thầu, trong đó có nhà thầu nước ngoài huy động nhân công, máy móc đến rồi phải “nằm” chờ. Theo GS Võ, lâu nay công tác GPMB các dự án lớn vẫn làm theo quy trình “5 bước” (trong đó có lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai đầu tư, GPMB…), dự án lớn, trọng điểm nhưng chưa có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ. “Trong số này có các dự án ĐSĐT đang được UBND thành phố Hà Nội triển khai. Cũng do chậm giao mặt bằng theo hợp đồng vừa qua một dự án ĐSĐT tại Hà Nội đã bị nhà thầu nước ngoài phạt tiến độ, thậm chí phạt nặng đến 2 lần là rất đáng tiếc”, ông Võ nói.
Một số chuyên gia quy hoạch đánh giá, kinh phí đầu tư cho các dự án ĐSĐT rất lớn và đều phải vay ODA, tuy nhiên do chậm trễ trong công tác GPMB nên ngoài bị chậm tiến độ, vỡ kế hoạch vận hành, các dự án ĐSĐT Hà Nội hiện nay còn đội vốn từ 50 - 80%, gây thiệt hại lớn cho ngân sách và hạ tầng giao thông. Luật sư Lê Nết, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) nêu ý kiến, việc giảm thiểu rủi ro trong quá trình quản lý GPMB của dự án ĐSĐT đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp quản lý, đặc biệt là giữa Ban QLDA và chính quyền địa phương. Cùng với đó là sự chỉ đạo sâu sát kịp thời của chính quyền thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông thẳng thắn nhìn nhận, công tác GPMB, thu hồi đất là khâu quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị thành phố… Thực hiện tốt công tác GPMB là góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng.
Ông Đỗ Đình Phan, Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, nói, khác với các dự án thi công trước đây, hạng mục GPMB tại đường Vành đai 4 được tách làm dự án riêng và giao cho từng quận, huyện quản lý nên đã thúc đẩy được tiến độ. “Cùng với đó, hợp phần dự án GPMB được giao cho các quận, huyện thực hiện ngay từ khi dự án đường Vành đai 4 mới được phê duyệt chủ trương nên công tác GPMB được triển khai sớm 1 năm trước khi có quyết định đầu tư”, ông nói. Do có mặt bằng sớm nên tiến độ đường đô thị song hành của dự án không những được thi công đảm bảo tiến độ mà chủ đầu tư và các nhà thầu đang phấn đấu đẩy nhanh thi công hoàn thành trong năm 2025 (trước 1 năm so với tiến độ yêu cầu đặt ra là năm 2026).
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phan cho rằng, quy định của luật đầu tư công hiện nay cho phép các dự án nhóm A (dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư) được tách công tác GPMB để thực hiện riêng; riêng với Hà Nội, Luật Thủ đô còn cho phép cả dự án nhóm B (dự án Chủ tịch UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư) cũng được tách riêng công tác GPMB. Theo ông Phan, từ quy định này, các dự án đầu tư dự án hạ tầng giao thông, trong đó có ĐSĐT chủ đầu tư cần chủ động xây dựng, đề xuất cơ chế, giải pháp GPMB để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Hà Nội sẽ xây cầu Tứ Liên, tuyến đường sắt đô thị số 5
Theo Biên bản ghi nhớ được ký ngày 18/1, Sở GTVT Hà Nội và 2 đơn vị sẽ hợp tác nghiên cứu đầu tư xây dựng một số dự án hạ tầng trọng điểm, gồm cầu Tứ Liên và tuyến đường sắt đô thị số 5.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có tổng chiều dài tuyến khoảng 11,5km, bắt đầu từ nút giao Nghi Tàm đến nút giao Vành đai 3 (cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên). Dự án sẽ triển khai xây dựng với chiều dài 2,9km, trong đó riêng cầu chính dài 1km. Quy mô mặt cắt ngang theo quy hoạch bảo đảm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn đi bộ. Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 20.000 tỷ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 5, đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc, có quy mô tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa với chiều dài 38,43km, bao gồm 6,5km đi ngầm, 2km đi cao và 29,93km đi trên mặt đất với 21 ga và 2 khu depot. Tổng mức đầu tư khoảng 65.000 tỷ đồng.