Gỡ khó giúp nữ start-up tìm đầu ra cho sản phẩm

Kết nối, hỗ trợ quảng bá và tìm đầu ra cho sản phẩm bằng nhiều cách là cách các cấp Hội phụ nữ, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp đang triển khai để cùng các nữ start-up vượt qua thời điểm khó khăn hiện tại.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Hà Giang

"Công ty chúng tôi chuyên cung cấp các sản phẩm túi xách thời trang, phụ kiện, quà tặng cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trước dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất của công ty luôn ổn định với đơn đặt hàng và tái sản xuất cao. Chúng tôi không chỉ có doanh thu từ các đơn hàng doanh nghiệp mà khách hàng cá nhân cũng có nhu cầu mua sắm thường xuyên. Đặc biệt vào các dịp lễ, tết, tri ân họ sẵn sàng lựa chọn quà tặng mà không quá đắn đo về chi phí, giá cả. Nhân sự và các hoạt động doanh nghiệp vì thế ổn định.

Thế rồi dịch bệnh xảy ra và qua đi, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, chúng tôi phải đối mặt với vô vàn áp lực phát sinh từ doanh thu giảm do sức mua giảm. Ảnh hưởng nhìn thấy rõ nét nhất là số lượng các đơn hàng giảm mạnh và thời gian tái đơn lâu cũng như công nợ kéo dài hơn", chị Đinh Thị Phượng, Giám đốc công ty TNHH Thương mại sản xuất Hasamia tâm sự.

Chị Đinh Thị Phượng, Giám đốc công ty TNHH Thương mại sản xuất Hasamia nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm

Chị Đinh Thị Phượng, Giám đốc công ty TNHH Thương mại sản xuất Hasamia nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm

Với thế mạnh của mình là sản xuất và xuất khẩu đồ thủ công mỹ nghệ từ mây, tre, bèo cói của các làng nghề truyền thống tại Kim Sơn (Ninh Bình) hay Phú Vinh, Đông Phương Yên, Chương Mỹ (Hà Nội)… sang Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu… chị Nguyễn Thị Bích Nga (Giám đốc công ty TNHH Ngọc Sơn Handicraft) cho biết: Trong thời điểm kinh tế khó khăn, sức mua giảm cả trên thị trường trong nước và quốc tế như hiện tại, Công ty luôn nỗ lực để tiếp cận khách hàng qua các nền tảng công nghệ, online, để duy trì công việc cho người dân địa phương tại các làng nghề. Tuy nhiên, câu chuyện tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm làng nghề luôn là bài toán khó đối với doanh nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Bích Nga (Giám đốc công ty TNHH Ngọc Sơn Handicraft) tăng cường tiếp cận khách hàng trên các nền tảng công nghệ

Chị Nguyễn Thị Bích Nga (Giám đốc công ty TNHH Ngọc Sơn Handicraft) tăng cường tiếp cận khách hàng trên các nền tảng công nghệ

Trò chuyện với các chị em đang khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể nhận thấy, thời điểm hiện tại, tìm kiếm thị trường là ưu tiên hàng đầu của nhiều nữ doanh nhân. Nguyên nhân là do những cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt nặng nề tại nhiều quốc gia ở châu Âu và Mỹ đã khiến sức mua của người tiêu dùng toàn cầu sụt giảm, trong đó có Việt Nam.

Đây là thời điểm các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải đối diện với khó khăn , nhất là sức mua chậm. Cùng với đó là nguồn cung ứng nguyên vật liệu thị trường trong nước hạn chế, việc nhập khẩu cũng như giao thương các nước còn hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn còn.

"Phá băng", mở rộng kết nối thị trường

Doanh nhân Đinh Thị Phượng cho biết, để tìm đầu ra cho sản phẩm, doanh nghiệp của chị đã chuyển đổi các hình thức kinh doanh, marketing phù hợp; tối ưu hóa các chi phí, tái cơ cấu doanh nghiệp; tập trung vào đào tạo nhận sự và cải tiến sản phẩm, tập trung thế mạnh và nguồn khách hàng phù hợp với doanh nghiệp. Tuy nhiên, chị luôn mong muốn được hỗ trợ tham gia các cơ hội giao thương xúc tiến thương mại, hội chợ theo nhóm ngành nghề để mở rộng tệp khách hàng của mình.

Nắm bắt được nhu cầu đó của các nữ doanh nhân, phụ nữ khởi nghiệp, ngay từ đầu năm 2023, nhiều chương trình đồng hành, hỗ trợ chị em tìm kiếm thị trường, quảng bá và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đã được Hội LHPN các cấp thực hiện. Đây cũng là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" đang được triển khai hiệu quả tại các cấp Hội.

Tại cấp cơ sở, có thể kể đến Hội LHPN quận Lê Chân, Hải Phòng, với hoạt động kết nối với các doanh nghiệp, các làng nghề truyền thống trên địa bàn quận để giới thiệu, trưng bày, quảng bá các sản phẩm do chính cán bộ, hội viên, phụ nữ của quận sản xuất, kinh doanh. Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 được tổ chức với các gian hàng của Hội LHPN phường và một số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu trong các lĩnh vực như: Chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm, đồ gia dụng, đặc biệt là các sản phẩm nghề truyền thống, sản phẩm OCOP của mỗi địa phương… nhận được nhiều sự tham gia, hưởng ứng từ các chi hội phụ nữ các tổ dân phố trên địa bàn phường.

Tại cấp tỉnh, Hội LHPN tỉnh Hà Giang đã tổ chức "Ngày hội hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp" năm 2023, tổ chức gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống của mỗi địa phương do các tổ hợp tác, hợp tác xã, hoặc phụ nữ tham gia quản lý, sản xuất. Đây là dịp để phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm thị trường, đưa các sản phẩm của chị em kết nối trực tiếp với thị trường. Chị Vàng Thị Hờ (huyện Đồng Văn) cho biết: Được tham gia gian hàng, bán các mặt hàng nông sản địa phương như rau, củ, sâm khoai… chị phấn khởi lắm. Số lượng bán ra tăng hơn nhiều lần so với ngày thường. Chị mong muốn có nhiều chương trình kết nối, giới thiệu sản phẩm được tổ chức trong tỉnh và ngoài tỉnh để bán được nhiều hàng hơn.

Các cấp Hội hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Các cấp Hội hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp

Tại nhiều tỉnh khác như Quảng Ngãi, Khánh Hòa… các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp cũng được tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp năm 2023. Chương trình không chỉ mang đến cơ hội kết nối quảng bá, trưng bày các sản phẩm do phụ nữ khởi nghiệp, sản phẩm OCOP mà còn khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng tại quê hương cho các hội viên, phụ nữ.

Hướng tới những mô hình kinh doanh theo hướng bền vững

Quan tâm, đồng hành, hỗ trợ các nữ doanh nhân, phụ nữ khởi nghiệp không chỉ được triển khai, thực hiện tại các cấp Hội phụ nữ; mà đây còn là vấn đề được Chính phủ và các Ban, Bộ, Ngành quan tâm. Tiêu biểu trong đó phải kể đến "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025" được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 167/QĐ-TTg.

Bà Trịnh Thị Hương, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết: Đây là một trong những chương trình đầu tiên của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững với kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển bền vững trong khu vực tư nhân, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường; huy động nguồn lực của khu vực tư nhân góp phần hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030. Chương trình quy định nhiều nội dung hỗ trợ mang tính toàn diện về tạo dựng hệ sinh thái (nâng cao nhận thức toàn xã hội, phát triển công cụ đo lường đánh giá, mạng lưới tư vấn viên…) và các hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cho doanh nghiệp (tư vấn, đào tạo, công nghệ, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kết nối tài chính…) từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn huy động ngoài xã hội.

Những sự quan tâm, hỗ trợ này cùng với sự nỗ lực của bản thân mỗi nữ doanh nhân, phụ nữ khởi nghiệp sẽ sớm tìm được bài toán cho đầu ra của sản phẩm.

Lê Hoa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/go-kho-giup-nu-start-up-tim-dau-ra-cho-san-pham-20230530184822201.htm