Gỡ khó khi trùng tu di tích

Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) là một công trình có giá trị đặc biệt, là biểu tượng đặc trưng của đô thị Hội An (tỉnh Quảng Nam). Chùa Cầu được thương nhân Nhật Bản xây dựng từ cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Công trình bắc qua con lạch trong phố cổ Hội An.

Sau hơn 400 năm, Chùa Cầu đã trải qua 7 lần trùng tu. Đến năm 2010, móng cầu bị lún, nứt; chùa và cầu tách rời; kèo cột mối mọt, mục nát có nguy cơ đổ sập. Cuối tháng 12/2022, Chùa Cầu được hạ giải (tháo dỡ toàn bộ). Sau hơn 19 tháng trùng tu theo hình thức hạ giải để xử lý rốt ráo những hư hỏng nghiêm trọng của Chùa Cầu, nhằm tránh nguy cơ sụp đổ, Chùa Cầu đã được khánh thành vào chiều ngày 3/8. Tuy nhiên, trước đó, dư luận đã bày tỏ nhiều ý kiến trái chiều về việc trùng tu Chùa Cầu…

Những ngày trước khi khánh thành, đội ngũ những người thực hiện dự án trùng tu Chùa Cầu đứng trước những luồng ý kiến trái chiều tương đối gay gắt. Một số người khi lần đầu nhìn thấy màu sắc tươi mới của Chùa Cầu sau thời gian “kín cổng cao tường” để trùng tu, nhiều ý kiến bày tỏ sự không đồng tình. Gay gắt hơn, có ý kiến cho rằng, đội ngũ trùng tu đã hô biến ngôi chùa cổ nổi tiếng hơn 400 tuổi thành ngôi chùa 1 tuổi.

Chùa Cầu (Hội An) vừa được khánh thành sau hơn 19 tháng trùng tu

Chùa Cầu (Hội An) vừa được khánh thành sau hơn 19 tháng trùng tu

Trước dư luận trái chiều, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, việc trùng tu được giám sát chặt chẽ từ các bộ ngành văn hóa, cơ quan Trung ương và có chuyên gia tư vấn Nhật Bản tham gia, trên nguyên tắc công khai, minh bạch. Ông Sơn cũng cho rằng, Chùa Cầu được trùng tu đảm bảo tiệm cận với tính nguyên gốc, nguyên bản.

Thế nhưng có vẻ như những khái niệm, nguyên tắc, và phương án trùng tu của từng dự án ít được người ta để ý, mà chỉ qua vài ba bức ảnh, thấy màu sơn mới, có vẻ hơi chói, là lập tức bày tỏ ý kiến.

Dư luận có ý kiến cũng là điều bình thường, và cũng hợp lẽ. Bởi Chùa Cầu là công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa đặc biệt, là di tích thành phần đặc biệt trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Đô thị cổ Hội An - vừa là Di sản Văn hóa thế giới. Chính vì vậy, việc trùng tu Chùa Cầu đã được tính toán cẩn thận, cân nhắc nhiều phương án, và riêng lựa chọn phương án cuối cùng đã phải trải qua nhiều hội thảo và kéo dài cả chục năm. Sau đó, việc trùng tu phải tuân theo Luật Di sản văn hóa và Thông tư 15 năm 2019 của Bộ VHTTDL quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Đây không phải lần đầu tiên một dự án trùng tu di tích nhận được sự quan tâm, phản biện của dư luận. Trước đó, trường hợp trùng tu Ô Quan Chưởng tại Hà Nội năm 2010 cũng có những ý kiến trái chiều. Khi đó, dự án có kinh phí 70.000 USD, do Viện Bảo tồn di tích - đơn vị có uy tín cao của Bộ VHTTDL về trùng tu di tích - đảm nhiệm. Sau khi hoàn thành, được nghiệm thu và đánh giá là thành công nhưng Ô Quan Chưởng vẫn không tránh khỏi những ý kiến bài bác, cho rằng màu sắc "quá mới", mất đi vẻ rêu phong xưa cũ của công trình. Tương tự, các dự án trùng tu Nhà thờ Lớn hay biệt thự Pháp cổ trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội), cầu ngói Thanh Toàn hay Ngọ Môn ở Huế cũng từng bị chê là mới, màu sắc xa lạ với công trình trước khi trùng tu.

Quan sát sự phản ứng của dư luận về các dự án trùng tu, cho thấy người dân nói chung, các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu… dành sự quan tâm khá lớn và gửi gắm những kỳ vọng nhất định. Tuy nhiên, từ đây cũng cho thấy, sự quan tâm mang tính phổ quát, vẫn chỉ tập trung vào hình thức công trình sau trùng tu. Đó có lẽ là cái dễ “nhìn” nhất, dễ so sánh nhất, và vì thế dễ nói nhất. Những ý kiến mang tính phản biện như vậy, không hoàn toàn vô ích. Nó góp phần để các đơn vị trùng tu di tích, công trình văn hóa phải cẩn thận hơn, chuẩn bị tốt hơn hồ sơ cũng như các lập luận để bảo vệ công việc của mình.

Trở lại với Chùa Cầu ở Hội An, sau khi dư luận, nhất là cộng đồng mạng xã hội lên tiếng, đơn vị trùng tu Chùa Cầu đã có sự trao đổi đồng thời có những tiếp thu nhất định. Theo đó, một phần Chùa Cầu đã được quét thêm nước vôi cho sậm hơn. Còn các chi tiết khác thì đội ngũ trùng tu giữ nguyên, vì nguyên tắc được thống nhất khi bắt tay thực hiện dự án này là “không làm giả”.

Công nghệ ngày nay có thể giúp cho các đơn vị trùng tu di sản, công trình văn hóa “hô biến” một công trình mới thành công trình cũ kỹ, rêu phong “chỉ trong vài nốt nhạc”. Tuy nhiên, nguyên tắc “không làm giả” được nêu ra và thực thi nghiêm túc. Nếu chỉ quan tâm đến hình thức bên ngoài, cụ thể là lớp sơn quét công trình, thì chỉ sau vài ba mùa mưa nắng công trình sẽ “trầm lại”, rồi trở nên “cổ kính”, hợp mắt với nhiều người.

Theo KTS Trần Huy Ánh, “những màu sắc có vẻ mới của Chùa Cầu sau khi trùng tu sẽ “trầm lại” chỉ sau vài mùa mưa nắng. Điều quan trọng là những giá trị cốt lõi của Chùa Cầu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cùng các giá trị tình cảm và giá trị sử dụng lâu dài vẫn tồn tại với cộng đồng, quốc gia và nhân loại, không mất đi đâu cả”.

KTS Lê Thành Vinh cũng từng bày tỏ khi dư luận phản ứng về màu sắc của Ô Quan Chưởng ở Hà Nội sau trùng tu: “Giá trị đích thực của di tích kiến trúc không phải là những lớp rêu phong sống ký gửi và ngày ngày âm thầm làm hại di tích. Cần phải phân biệt "màu thời gian" của công trình kiến trúc được tạo ra bởi năm tháng - cái cần phải bảo tồn - với lớp rêu phủ hay cây cỏ dại xuất hiện trên bề mặt công trình - cái cần phải loại bỏ...".

Có lẽ, câu chuyện trùng tu Chùa Cầu và một số di tích, công trình văn hóa khác sẽ không trở nên ồn ào thái quá, nếu quá trình trùng tu được thông tin một cách thường xuyên hơn. Theo dõi sự phản ứng của dư luận những ngảy vừa qua, trong đó có cả một số văn nghệ sĩ, trí thức, nổi lên một điều, đa số nói theo cảm tính, mà chưa tìm hiểu kỹ về các nguyên tắc trùng tu di tích nói chung, và việc trùng tu Chùa Cầu nói riêng được lựa chọn theo phương thức nào. Mỗi lựa chọn, mỗi mục tiêu sẽ cho ra các kết quả khác nhau sau khi trùng tu di tích, công trình văn hóa. Vấn đề xứng đáng quan tâm hơn, là di tích đó, công trình đó đã được thực hiện trùng tu có bài bản, khoa học, tuân thủ đúng các quy định hay không.

Truyền thông từ sớm, từ xa và ngay trong quá trình trùng tu di tích, công trình văn hóa không chỉ giúp những đơn vị trùng tu chia sẻ những thông tin và quan điểm làm nghề của mình, mà còn giúp cho thông tin được thẩm thấu cho người dân, du khách.

Hà Thư

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/go-kho-khi-trung-tu-di-tich-154383.html