Gỡ khó, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh
Trong năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp (DN) kỳ vọng chính sách về môi trường kinh doanh được thuận lợi, an toàn để phục hồi niềm tin, khí thế kinh doanh, thúc đẩy tăng năng lực cạnh tranh và phát triển.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Năm 2023 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức khi nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối diện với khủng hoảng về tài chính và chuỗi cung ứng. Hơn nữa, tiềm lực và “thể trạng” của hầu hết các DN đều chưa hoàn toàn phục hồi sau biến cố của đại dịch Covid-19. Vì vậy, ngoài sự kỳ vọng các chính sách được linh hoạt, kịp thời và hiệu quả từ phía Chính phủ, cộng đồng DN còn mong đợi địa phương hỗ trợ thật sát sườn và hiệu quả
Ông Nagato Takahiko, Chi hội trưởng Chi hội DN Nhật Bản tại Bình Dương, cho biết thời gian qua địa phương đã nỗ lực để đầu tư hạ tầng, công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, tuy vậy đến nay hiện tượng ùn tắc, kẹt xe trong giờ cao điểm vẫn còn. “Chúng tôi rất mong tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng, từ đó góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế trên địa bàn”, ông Nagato Takahiko cho biết thêm. Bên cạnh đó, DN cũng kỳ vọng tỉnh tiếp tục cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính. Ông Trần Thủy Thạch, Hội trưởng Chi hội Thương gia Đài Loan tại Bình Dương cũng cho biết các DN mong muốn tỉnh tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, giải quyết nhanh các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính để nhà đầu tư tiếp tục yên tâm đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Với các DN trong nước, hiện khó khăn lớn nhất là nguồn lực tài chính để sản xuất, kinh doanh (SXKD). Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh, cho biết hiện lãi suất cho vay neo ở mức cao đang khiến hoạt động SXKD của cộng đồng DN gặp nhiều khó khăn, không ít DN buộc phải co hẹp sản xuất hoặc phải kinh doanh cầm chừng. “Các DN kinh doanh xuất khẩu hiện nay rất mong muốn được giảm lãi suất. Bởi lẽ, các DN đang phải cạnh tranh khá gay gắt. Họ buộc phải nhận đơn hàng với giá thấp để tạo việc làm cho người lao động. Do đó, nhu cầu vay vốn của DN rất ít, chỉ mong được giảm lãi vay.”
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh cho rằng với lãi suất như hiện nay, việc tổ chức SXKD là rất khó khăn. Hiện nhiều DN ngành gỗ đang hoạt động cầm chừng để duy trì sản xuất, giữ chân công nhân lao động. Tuy nhiên, với lãi suất hiện nay rất khó cho DN để tồn tại.
Hỗ trợ thiết thực, cụ thể
Trên thực tế vấn đề lãi suất, dòng tiền cho DN phụ thuộc vào chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Xung quanh vấn đề này, theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, đây là bài toán đầy thách thức, lãi suất cao thì DN không “sống” được, nhiều điều kiện khách quan và chủ quan khiến các ngân hàng không thể hạ lãi suất. Do đó, cần có cách tiếp cận cơ bản cho hệ thống thị trường tài chính cũng như cần giải pháp từ thể chế để cân bằng lại các thị trường. Chính sách hỗ trợ cần được thay đổi theo hướng dễ tiếp cận hơn nhằm trợ lực cho SXKD, không để DN mất động lực.
Để tiếp tục hỗ trợ cộng đồng DN, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định năm 2023 tiếp tục tập trung cải cách hành chính, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Song song đó, tỉnh cũng chú trọng đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên nguồn lực thích hợp cho các lĩnh vực như giao thông, chỉnh trang đô thị, cấp thoát nước công cộng, giáo dục, y tế; tập trung đẩy nhanh đầu tư hạ tầng theo hướng mở rộng kết nối theo hướng liên vùng, đa phương thức vận tải, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Bình Dương kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.
Bình Dương với mục tiêu chuyển đổi số lấy người dân và DN làm trung tâm, hướng đến lợi ích của người dân, DN; ưu tiên chọn thực hiện việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu phục vụ người dân và DN. Nền tảng ứng dụng Bình Dương số được hoàn thành từ quyết tâm của các cấp, các ngành của tỉnh trong nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và thành phố thông minh Bình Dương. Ứng dụng Bình Dương số được kỳ vọng sẽ hình thành kênh giao tiếp tổng hợp giữa người dân, DN với chính quyền tỉnh, tạo sự thuận lợi cho người dân, DN trong việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết ngành công thương đang quyết liệt tập trung hỗ trợ phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp chủ lực, trọng điểm, công nghiệp hỗ trợ, phát triển các sản phẩm công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao…; thực hiện chương trình kích cầu đầu tư để hỗ trợ cho DN đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Về lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, phối hợp với các DN để có biện pháp điều tiết kịp thời; bảo đảm cân đối cung - cầu, lưu thông hàng hóa qua việc triển khai các chương trình bình ổn thị trường hàng năm... Đồng thời, ngành công thương sẽ thúc đẩy phát triển thương mại theo hướng hiện đại gắn với triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước; nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng; phát triển hệ thống phân phối thông qua triển khai đề án phát triển thị trường trong nước gắn liền với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ngành công thương đang quyết liệt tập trung hỗ trợ phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp chủ lực, trọng điểm, công nghiệp hỗ trợ, phát triển các sản phẩm công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao…; thực hiện chương trình kích cầu đầu tư để hỗ trợ cho DN đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.