Gỡ khó tiêu thụ nông sản

ĐBP - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, tỉnh ta đã triển khai những giải pháp gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản địa phương, nhằm đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Cà phê Hồng Kỳ hiện có thị trường tiêu thụ tại: Hà Nội, Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Ninh và đang kết nối tiêu thụ ở Hải Nam (Trung Quốc). Trong ảnh: Đóng gói sản phẩm cà phê Hồng Kỳ tại Xưởng chế biến cà phê, khối Xuân Thủy, thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo).

Sản lượng tiêu thụ giảm

6 tháng đầu năm, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản của tỉnh phát triển ổn định và khá toàn diện. Hầu hết cây trồng chính có năng suất, sản lượng đạt và vượt kế hoạch, tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, sản lượng tiêu thụ giảm mạnh.

Từ đầu năm đến nay, do dịch bệnh Covid-19, các hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm hàng hóa nông sản có thế mạnh của tỉnh tại các hội chợ, tuần lễ nông sản, lễ hội... hầu như không thể triển khai thực hiện. Việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản chủ yếu thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, trang web của các sở, ngành, địa phương); qua mua, bán trực tuyến và các cửa hàng giới thiệu sản phẩm chuỗi cung ứng nông sản an toàn, siêu thị trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, hiện nay việc chế biến nông sản chủ yếu theo hình thức hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ, tiêu thụ nội tỉnh và một phần bán ra các tỉnh lân cận. Nông sản được xuất bán ra ngoài tỉnh chủ yếu các mặt hàng: Lúa gạo, cà phê, chè và thịt sấy khô các loại, một số loại cây ăn quả với số lượng còn ít. Đơn cử là lúa gạo; diện tích lúa Đông Xuân năm 2021 đạt 9.916ha cho thu hoạch ước đạt 57.458 tấn, sản lượng lúa nương đạt khoảng 34.663 tấn. Ngoài đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, hiện nay đã có một phần sản lượng (khoảng 20 - 30%) được xuất bán ra thị trường ngoài tỉnh. Một số cơ sở (Công ty TNHH Thực phẩm Safe Green, HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên, Hợp tác xã Tâm Thiện) có dây chuyền sấy thóc và xay xát, đóng gói đảm bảo chất lượng sản phẩm có thị trường tiêu thụ chủ yếu tại: Hà Nội, Sơn La, Hưng Yên, Hà Nam, với sản lượng tiêu thụ khoảng 600 tấn/năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội nên các đợt lễ hội, nhà hàng ăn uống, dịch vụ đều ngừng hoạt động để đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch khiến việc tiêu thụ gạo gặp khó khăn. Đặc biệt là sản phẩm gạo nếp nương hầu hết không tiêu thụ được (ước sản lượng tiêu thụ giảm 70% so với thời điểm không có dịch).

Đối với cà phê, toàn tỉnh có tổng diện tích 3.320ha, sản lượng thu hoạch khoảng 2.804 tấn/năm; chủ yếu chế biến ướt và tiêu thụ cà phê thóc với quy mô hộ gia đình. Tuy nhiên, giá thành cà phê không cao và tốc độ tiêu thụ tương đối chậm; sản phẩm chưa đa dạng, chưa tạo được thương hiệu nên thị trường tiêu thụ còn bấp bênh và khó khăn. Do dịch bệnh Covid kéo dài nên sản lượng tiêu thụ cà phê giảm rõ rệt, ước giảm khoảng 70% sản lượng so với thời kỳ không diễn ra dịch bệnh. Đối với sản phẩm chè, sản lượng tiêu thụ giảm khoảng 50%; nhu cầu tiêu thụ, đầu ra cho sản phẩm dứa cũng gặp khó khăn, giá giảm xuống còn bình quân 2.500 đồng/kg...

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Sở đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan; chính quyền địa phương tăng cường công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản. Đồng thời làm việc với các nhà đầu tư, gặp gỡ doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản bằng nhiều hình thức như: Duy trì hợp tác với các đầu mối thu mua, xác nhận chuỗi cung ứng... Đến nay, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh song nhiều nông sản của tỉnh được các đơn vị trong và ngoài tỉnh hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu và đến tay người tiêu dùng. Cụ thể, cuối tháng 4 đầu tháng 5, Sở đã hỗ trợ, phối hợp với Dự án Chăn nuôi thâm canh bò thịt trong các hệ thống canh tác đất dốc vùng miền núi Tây Bắc Việt Nam và Siêu thị Hoa Ba tổ chức chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm thịt bò tươi giữa HTX chăn nuôi Điện Biên với siêu thị. Ngoài ra, ngành cũng đã thực hiện xác nhận được 1 chuỗi cung ứng sản phẩm dứa an toàn với diện tích khoảng gần 200ha của HTX Na Sang Mường Chà; 1 sản phẩm quả dứa tươi của HTX Na Sang đạt tiêu chuẩn chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh năm 2020. Từ đầu năm đến nay, sản lượng tiêu thụ khoảng 4.500 tấn dứa tươi (trong đó 3.000 tấn đầu vụ tiêu thụ với giá 4.000 đồng/kg.) Hiện tại, HTX Na Sang đang liên kết với Công ty Á Châu (tỉnh Lào Cai) cam kết bao tiêu sản phẩm dứa còn tồn đọng với giá 2.500 đồng/kg. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục duy trì hợp tác với các đầu mối thu mua cung cấp cho các công ty chế biến, đồng thời tìm thêm các đối tác mới để ký hợp đồng bao tiêu ổn định. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn thực hiện xác nhận 2 chuỗi cung ứng sản phẩm cà phê an toàn cho Công ty TNHH Hải An với diện tích liên kết chuỗi là 17ha và Công ty TNHH cà phê Đại Bách với diện tích khoảng 40ha. Hiện tại, 3 sản phẩm cà phê của Công ty TNHH Hải An và 1 sản phẩm cà phê của cơ sở chế biến cà phê Hà Chung đạt tiêu chuẩn chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh. Còn với cây chè, đã cấp xác nhận được 2 chuỗi cung ứng sản phẩm trà cây cao cổ thụ Tủa Chùa an toàn cho 2 công ty (Công ty TNHH Trà Phan Nhất và Công ty TNHH Hương Linh). Hiện tại, có 1 sản phẩm chè của Công ty TNHH Trà Phan Nhất và 3 sản phẩm chè của Công ty TNHH Hương Linh đạt tiêu chuẩn chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh.

Ngành Nông nghiệp đang chịu tác động trước những thách thức kép: Dịch Covid-19 và thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh trong trồng trọt, chăn nuôi. Ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng chống thiên tai (điều chỉnh lịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp, điều chỉnh hoạt động sản xuất...); đồng thời ưu tiên nguồn lực và kịp thời hỗ trợ người lao động tại các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Chú trọng xây dựng, phát triển chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn, tập trung thúc đẩy tiêu thụ nội địa; đẩy mạnh các hình thức tiêu thụ nông sản thông qua các loại hình phân phối bán lẻ online. Đặc biệt là duy trì có hiệu quả hoạt động của Trung tâm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh để quảng bá, tạo đầu ra bền vững cho nông sản.

Mai Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/189130/go-kho-tieu-thu-nong-san