Gỡ khó trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018

2022-2023 là năm học thứ 3 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, cũng là năm đầu áp dụng cho các khối lớp 3, 7 và 10. Ngoài thiếu giáo viên, đến nay các trường vẫn chưa có trang thiết bị đi kèm theo danh mục tối thiểu của Bộ GD&ĐT nên buộc phải 'dạy chay', khiến việc triển khai Chương trình GDPT 2018 gặp nhiều khó khăn. Nhà giáo ưu tú Lý Thanh Tâm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT đã có cuộc trao đổi với phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) về vấn đề này.

Vướng thông tư mới

* Thưa ông, hiện nay Chương trình GDPT 2018 đã thực hiện ở lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10, thế nhưng nhiều năm qua các trường học vẫn chưa có trang thiết bị đi kèm theo danh mục tối thiểu của Bộ GD&ĐT nên buộc phải “dạy chay”. Nguyên nhân do đâu? Và để sớm có trang thiết bị dạy học, sở đã có những kiến nghị, giải pháp nào?

Công tác mua sắm thiết bị phục vụ Chương trình GDPT 2018 đã thực hiện cho lớp 1, đạt 100%. Đối với thiết bị các lớp 3, 7, 10 do Bộ GD&ĐT mới ban hành các thông tư mới quy định danh mục thiết bị tối thiểu cho cấp tiểu học, THCS, THPT thay thế các thông tư cũ, vì vậy cần có thời gian để tổng hợp, rà soát nhu cầu thiết bị của từng địa phương và từng cấp học.

Hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh được đầu tư đầy đủ trang thiết bị dạy học đạt chuẩn theo quy định - Trong ảnh: học sinh Trường THCS Tân Đồng, TP. Đồng Xoài học môn Tin học

Sở GD&ĐT đang phối hợp Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân bổ nguồn vốn đầu tư về cho các huyện, thị xã, thành phố và các chủ đầu tư triển khai thực hiện mua sắm. Ngoài ra, Sở GD&ĐT đã báo cáo Bộ GD&ĐT về những khó khăn trong quá trình thực hiện, đồng thời đề nghị bộ hỗ trợ thiết bị cho tỉnh Bình Phước từ các chương trình, dự án do bộ quản lý. Sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường sử dụng thiết bị dạy học hiện có của trường vào dạy học cả Chương trình GDPT 2018 và 2006, vì chương trình giáo dục có tính kế thừa nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Tài liệu giáo dục địa phương chậm

* Đến nay, tài liệu giáo dục địa phương lớp 3, 7, 10 vẫn chưa đưa về cho các trường để triển khai giảng dạy, nguyên nhân chậm do đâu, thưa ông?

Công tác biên soạn tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Bình Phước đối với lớp 1, 2 và 6 được Bộ GD&ĐT phê duyệt và đưa vào dạy học. Riêng tài liệu các lớp 3, 7, 10 hiện đang chờ Bộ GD&ĐT phê duyệt. Sở GD&ĐT đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh thuận chủ trương in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Bình Phước để cấp phát cho giáo viên giảng dạy, làm tài liệu cho thư viện các trường, phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT và Thư viện tỉnh bằng nguồn ngân sách nhà nước. Đối với tài liệu cung cấp cho học sinh và tài liệu các đơn vị cần mua thêm được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa giáo dục. Trong thời gian chờ in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Bình Phước, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường học sử dụng tài liệu số để dạy và học.

Ưu tiên tuyển dụng giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học

* Hiện rất nhiều trường thiếu giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhất là giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học ở bậc tiểu học và giáo viên nghệ thuật ở bậc trung học, sở có tham mưu, đề xuất gì cho trước mắt cũng như lâu dài?

Sở GD&ĐT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên tiếng Anh, Tin học dạy tiểu học theo Chương trình GDPT 2018. Đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện, trong đó tham mưu cấp có thẩm quyền tổ chức tuyển dụng và ưu tiên bổ sung đội ngũ giáo viên tiếng Anh, Tin học dạy tiểu học năm học 2022-2023. Trong thời gian chờ tổ chức tuyển dụng, tạm thời thực hiện hợp đồng giáo viên để kịp thời phục vụ năm học. Thực hiện các phương án tổ chức dạy học linh hoạt, hiệu quả bảo đảm chất lượng dạy học theo yêu cầu cần đạt của chương trình và phù hợp với điều kiện cụ thể tại các cơ sở giáo dục theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, bảo đảm 100% học sinh được học môn Tiếng Anh, Tin học theo quy định của Chương trình GDPT 2018.

Hiện nay, khối 1 đã có tài liệu dạy học theo Chương trình GDPT 2018 - Trong ảnh: Lớp 1, Trường TH&THCS Trương Định, huyện Bù Gia Mập trong giờ học

Đối với các cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong việc bố trí giáo viên tiếng Anh, Tin học thì thực hiện phương án bố trí giáo viên dạy liên trường, dạy tại nhiều điểm trường cùng cấp và liên cấp theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với các trường THPT, THCS&THPT trên địa bàn để thực hiện hợp đồng thỉnh giảng giáo viên theo quy định.

Xây dựng phương án dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến khi đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền và có giáo viên trợ giảng, phụ trách lớp học tại các điểm cầu nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong công tác giảng dạy. Đối với đội ngũ giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật dạy THPT, Sở GD&ĐT đã giao thủ trưởng các đơn vị chủ động hợp đồng thỉnh giảng để giảng dạy tại các đơn vị.

Xây dựng thêm 4.685 phòng học các loại

* Hiện nay, cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng của các trường cơ bản đảm bảo. Tuy nhiên, dự báo từ năm học 2023-2024 và 2024-2025, nhiều huyện, thị xã, thành phố sẽ không bố trí đủ phòng học, phòng chức năng để thực hiện Chương trình GDPT 2018 cũng như xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình (đặc biệt là đối với lớp 4, 5 sẽ triển khai 100% học 2 buổi/ngày), sở đã “dự báo” vấn đề này với các địa phương như thế nào?

Sở GD&ĐT đã chủ động phối hợp các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng dự thảo kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và Chương trình GDPT 2018. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 công nhận 279/388 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ trường học đạt chuẩn lên 71,9%/tổng số trường công lập toàn tỉnh. Từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất và các điều kiện khác theo từng giai đoạn để đáp ứng nhu cầu học tập của con em. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện khoảng 4.707 tỷ đồng.

Trường THCS thị trấn Lộc Ninh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học

Trường THCS thị trấn Lộc Ninh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học

Sở chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng dự thảo kế hoạch đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Bình Phước trình UBND tỉnh ban hành. Theo đó, đầu tư xây dựng 4.685 phòng học, phòng phục vụ học tập, phòng học bộ môn và thư viện được xây dựng bổ sung; trong đó, tiểu học 2.381 phòng, THCS 1.868 phòng, THPT 436 phòng và 956 hạng mục phụ trợ khác, đảm bảo các trường mầm non, tiểu học ở những nơi đủ điều kiện đủ 1 lớp/ phòng học; kiên cố hóa trường, lớp học, xóa toàn bộ phòng học bán kiên cố xuống cấp hết niên hạn sử dụng; bổ sung số phòng học nhờ, mượn; có đủ các phòng bộ môn, phòng chức năng, công trình vệ sinh và các hạng mục khác theo quy định hiện hành. Đảm bảo đủ thiết bị dạy học tối thiểu của các khối lớp theo đúng lộ trình của Chương trình GDPT 2018; thiết bị đồ dùng dạy học, đồ chơi ngoài trời trong các trường mầm non.

Việc mua sắm trang thiết bị trường học thực hiện theo danh mục quy định, trên cơ sở quy mô trường/lớp/số lượng học sinh, khả năng nguồn kinh phí và khai thác sử dụng máy móc, thiết bị, xác định số lượng, chủng loại, đầu tư mua sắm theo đúng lộ trình của Chương trình GDPT 2018. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 5.143 tỷ đồng, trong đó bao gồm kinh phí xây dựng trường chuẩn cho cả giai đoạn.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Vũ Thuyên (thực hiện)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/139716/go-kho-trong-thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018