Gỡ khó trong xóa nhà tạm, nhà dột nát

Quán triệt chỉ đạo của Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025, các huyện, thị, thành ủy, các ban, sở, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện sâu rộng, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, phấn đấu đến tháng 10/2025 sẽ hoàn thành 16.145 nhà, trong đó xây mới 11.457 hộ, sửa chữa 4.688 nhà.

Các đoàn thể giúp đỡ hộ ông Đỗ Văn Anh ở tổ dân phố Trường Ngọc, thị trấn Phong Sơn (Cẩm Thủy) xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Các đoàn thể giúp đỡ hộ ông Đỗ Văn Anh ở tổ dân phố Trường Ngọc, thị trấn Phong Sơn (Cẩm Thủy) xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn cụ thể, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Theo đó, các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động tham gia ủng hộ Cuộc vận động với tinh thần, trách nhiệm, hiệu quả cao nhất. Qua hai đợt ủng hộ, toàn tỉnh đã tiếp nhận được gần 500 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần phải tập trung tháo gỡ mới có thể hoàn thành được mục tiêu đề ra.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), thực tế các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở khu vực miền núi cao của tỉnh Thanh Hóa sinh sống phân tán nhỏ lẻ tại các bản làng vùng sâu vùng xa, thường xuyên xảy ra thiên tai, trong đó nhiều hộ đã được thụ hưởng hỗ trợ nhà ở từ Chương trình 134, 167, đến nay đã hư hỏng và xuống cấp. Tỉnh Thanh Hóa còn số lượng lớn “nhà tạm, nhà dột nát” cần phải hỗ trợ trong năm 2025 là 9.687 hộ, nhu cầu kinh phí rất lớn lên tới hơn 600 tỷ đồng. Cùng với đó, định mức hỗ trợ làm nhà ở xây mới và sửa chữa theo chương trình còn thấp, trong khi các đối tượng được hỗ trợ đều khó khăn về kinh tế, khả năng huy động kinh phí tự xây dựng còn hạn chế, nhiều hộ hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Việc hướng dẫn thủ tục đất đai và việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí từ chương trình chưa đồng bộ, cụ thể, nên gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện xây dựng nhà ở cho các đối tượng. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo chưa có vị trí đất ở phù hợp, đảm bảo quy định để được xây mới nhà ở. Nhiều hộ đã được phê duyệt danh sách hộ hỗ trợ, tuy nhiên do ảnh hưởng bởi thiên tai dẫn đến mất đất ở hoặc đất ở không an toàn nên chưa thực hiện xây nhà được. Một số hộ thuộc đối tượng thụ hưởng không có khả năng xây nhà, là các hộ tàn tật, neo đơn... Ở các huyện miền núi cao địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đến tận hộ gia đình khó khăn, nên ảnh hưởng đến công tác vận chuyển vật liệu làm nhà ở, dẫn đến chi phí xây dựng nhà ở tăng cao.

Là một trong những địa phương có nhiều hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở, thời gian qua cấp ủy, chính quyền huyện Cẩm Thủy đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và cử các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện thường xuyên bám sát cơ sở nắm bắt tình hình thực tiễn để tham mưu cho Ban Chỉ đạo giải pháp tốt nhất hoàn thành mục tiêu đề ra. Đồng thời huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Huyện cũng tranh thủ nguồn lực của Trung ương, các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nhà ở cho người nghèo, gia đình chính sách.

Bí thư Huyện ủy Cẩm Thủy Lê Văn Trung cho biết: "Nhằm xóa hết nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Cùng với đó, chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát các hộ để nắm rõ hoàn cảnh và tổ chức các lực lượng dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên, an ninh tổ bản giúp các hộ dân khó khăn xây dựng nhà đẩy nhanh tiến độ. Các thành viên trong Ban Chỉ đạo thường xuyên giám sát chặt chẽ quá trình triển khai, lắng nghe ý kiến của Nhân dân để kịp thời giải quyết những vướng mắc, tạo sự đồng thuận cao, phấn đấu huyện Cẩm Thủy không còn nhà tạm, nhà dột nát".

Phát huy tinh thần “tương thân, tương ái”, các cấp ủy, chính quyền, đơn vị trong tỉnh đang tích cực chung tay, góp sức, đồng hành với các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, quyết tâm đến tháng 10/2025 thực hiện xóa hết nhà tạm, nhà dột nát, để người dân được sống trong những ngôi nhà của ý đảng, lòng dân.

Bài và ảnh: Minh Hiếu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/go-kho-trong-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-247030.htm