Gỡ khó về đất san lấp phục vụ công trình đầu tư công

Hiện nay, nhu cầu đất san lấp cho các công trình, dự án tại huyện Đạ Huoai rất lớn. Trong khi đó, các mỏ được cấp phép hoạt động trên địa bàn huyện không thể khắc phục tồn tại để cơ quan có thẩm quyền cho phép tiếp tục khai thác trong năm 2025. Do đó, huyện Đạ Huoai đang tập trung tháo gỡ khó khăn về thiếu đất san, đắp cho các công trình, dự án trên địa bàn.

Các công trình trên địa bàn huyện Đạ Huoai đang gặp khó khăn vì thiếu đất đắp

Các công trình trên địa bàn huyện Đạ Huoai đang gặp khó khăn vì thiếu đất đắp

Theo ông Nguyễn Cao Trí - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai, trên địa bàn huyện có 3 giấy phép khai thác đất san lấp với tổng trữ lượng khai thác là 720.958 m3. Tuy nhiên, cả 3 doanh nghiệp được cấp phép đều đang tạm dừng khai thác. Cụ thể, giấy phép khai thác khoáng sản số 81/GP-UBND ngày 20/11/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép Công ty TNHH Huy Dũng Đạ Tẻh được khai thác đất san lấp tại xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh (cũ). Thời gian khai thác 25 năm. Diện tích khai thác 1,37 ha; trữ lượng khai thác là 372.012 m3; công suất khai thác 15.000 m3/năm; đến tháng 5/2024 đã khai thác (theo kê khai thuế) là 84.748 m3 (22,78% trữ lượng) và doanh nghiệp đã dừng hoạt động khai thác.

Bên cạnh đó, huyện Đạ Huoai còn có giấy phép khai thác khoáng sản số 22/GP-UBND ngày 11/5/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép Doanh nghiệp tư nhân Ánh Tuyền được khai thác đất san lấp tại xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh. Thời gian khai thác 20 năm. Diện tích khai thác 1,65 ha; trữ lượng khai thác là 135,709 m3; công suất khai thác 7.000 m3/năm; đến tháng 10/2023 đã khai thác (theo kê khai thuế) là cơ bản hết trữ lượng và doanh nghiệp đang dừng hoạt động do vi phạm trong quá trình khai thác.

Ngoài ra, trên địa bàn còn có giấy phép khai thác khoáng sản số 16/GP-UBND ngày 27/3/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép Công ty Cổ phần Phước Phúc Nhân được khai thác đất san lấp tại xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻh. Thời gian khai thác 11 năm. Diện tích khai thác 1,28 ha; trữ lượng khai thác là 213.237 m3; công suất khai thác 20.000 m3/năm. Đến tháng 8/2022, đã khai thác 207.740 m3 (97,42% trữ lượng) và doanh nghiệp đang dừng hoạt động do vi phạm trong quá trình khai thác (theo kết luận thanh tra số 21/KL-TTr ngày 04/11/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường). Như vậy, toàn bộ 3 mỏ nêu trên không thể khắc phục tồn tại để cơ quan có thẩm quyền cho phép tiếp tục khai thác trong năm 2025.

Đối với các mỏ đất trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, trên địa bàn huyện Đạ Huoai hiện có 4 mỏ đất san lấp đang trong quá trình hồ sơ lập thủ tục đề cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Cụ thể, 1 mỏ đất san lấp tại xã Đạ Kho của Công ty TNHH Xây dựng Nam Long (Công ty chưa được cấp giấy phép khai thác khoáng sản và đang thực hiện thủ tục điều chỉnh tiến độ đầu tư theo quy định). Bên cạnh đó, 3 mỏ đất trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo Thông báo số 35/TB-SNNMT ngày 09/4/2025 của Sở Nông nghiệp và Môi trường gồm Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen, tại thị trấn Đạ M’ri với diện tích 9,96 ha; Công ty TNHH Xây dựng Thanh Nam, tại thị trấn Phước Cát và xã Đức Phổ với diện tích 4,43 ha; Công ty TNHH Thanh Nam, tại xã Quảng Ngãi với diện tích 3,54 ha. Như vậy, toàn bộ 4 mỏ đất nêu trên không thể hoàn tất thủ tục để cấp phép khai thác khoáng sản trong quý II/2025.

Theo ông Nguyễn Cao Trí, qua kiểm tra, rà soát các công trình, dự án triển khai trên địa bàn huyện thiếu đất đắp nghiêm trọng. Hiện, trên địa bàn huyện có 5 công trình gặp khó khăn vì thiếu đất đắp với khối lượng 143.350 m3. Trong khi đó, các đơn vị chủ đầu tư khi khi lập báo cáo dự toán kinh tế - kỹ thuật, hồ sơ mời thầu, hồ sơ hợp đồng thi công của các công trình với hạng mục đất đắp chỉ tính giá trị nhân công vận chuyển và giá trị ca máy, không tính giá trị nguyên vật liệu (giá trị đất đắp); đối với khối lượng đất đào dôi dư thì khi lập báo cáo dự toán kinh tế - kỹ thuật, hồ sơ mời thầu, hồ sơ hợp đồng thi công của các công trình chỉ tính cự ly vận chuyển (khoảng từ 1 km đến 5 km) để thực hiện tập kết hoặc đổ thải. Qua rà soát, trên địa bàn huyện có 3 công trình có khối lượng đất đào dôi dư với tổng khối lượng là 119.059 m3.

Nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc xử lý khối lượng đất đào, đất đắp phục vụ công trình dự án, UBND huyện Đạ Huoai đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường thống nhất cho huyện Đạ Huoai điều chuyển khối lượng đất của các công trình đang dôi dư (có 3 công trình với khối lượng 119.059 m3) để đắp cho các công trình đang thiếu đất đắp nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các dự án đầu tư công trên địa bàn huyện. Đồng thời, hướng dẫn UBND huyện Đạ Huoai lập hồ sơ thủ tục trong việc điều chuyển khối lượng đất đắp của các công trình đang dôi dư sang các công trình thiếu đất đắp.

Cùng với đó, UBND huyện Đạ Huoai cũng tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm trong việc khai thác đất dư thừa để làm đất san lấp khi cải tạo mặt bằng, san hạ cốt nền trên địa bàn; các chủ đầu tư dự án có đất dôi dư phải thực hiện cung cấp đất đắp cho các công trình, dự án trên địa bàn theo đúng quy định. Xử lý nghiêm các vi phạm, gây thất thoát tiền của Nhà nước trong việc mua, bán đất san lấp thực hiện các dự án đầu tư công. Đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động vận chuyển đất san lấp trên địa bàn; xử lý nghiêm các chủ đầu tư có hành vi gây thất thoát đất san lấp, các phương tiện vận chuyển đất trái phép ra ngoài địa phương...

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202505/go-kho-ve-dat-san-lap-phuc-vu-cong-trinh-dau-tu-cong-7a140db/