Gỡ khó về nguồn cung khi giá bất động sản tăng cao

Sáng nay, 13-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Các đại biểu dự họp tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn

Các đại biểu dự họp tại hội trường. Ảnh: quochoi.vn

Thừa ủy quyền Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở bảo đảm sự nhất quán, kế thừa chính sách đã được thực hiện trước đây, quy định tại Luật Nhà ở năm 2005, Luật Đất đai năm 2003 và 2013, tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án nhà ở thương mại (dưới quy mô khu đô thị).

Theo Bộ trưởng, từ ngày 1-7-2015, Luật Nhà ở năm 2014 có quy định khác với Luật Đất đai. Theo đó, trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng phải là đất ở.

Quy định này tiếp tục được kế thừa tại Luật Đất đai năm 2024, làm bó hẹp các trường hợp thực hiện dự án nhà ở thương mại dưới quy mô khu đô thị, nhất là tại các khu vực mới, khu vực chưa có đất ở.

Thực tế, hạn mức giao đất ở qua các thời kỳ đối với hộ gia đình, cá nhân cao nhất là 400m2, còn lại là đất nông nghiệp trong cùng thửa đất nên nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu dân cư cũng không thực hiện được.

Bên cạnh đó, phần lớn các dự án bất động sản đều được triển khai trên quỹ đất ban đầu không phải là đất ở và quy hoạch chi tiết của dự án cũng gồm nhiều loại đất khác nhau, như đất ở, đất giao thông, đất cây xanh,… nên quy định không triển khai được trên thực tế.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy trình bày Dự thảo Nghị quyết. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy trình bày Dự thảo Nghị quyết. Ảnh: quochoi.vn

Dự thảo Nghị quyết được xây dựng để tháo gỡ khó khăn về nguồn cung của các dự án bất động sản trong bối cảnh giá bất động sản tăng cao, do một phần nguyên nhân là việc tiếp cận đất đai của nhà đầu tư còn khó khăn…

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết xây dựng Nghị quyết như Tờ trình của Chính phủ.

Kết quả thẩm tra cho thấy, nhiều địa phương báo cáo không có vướng mắc trong việc thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, một số địa phương không đề xuất các dự án, khu đất thí điểm; các địa phương thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua hình thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất chủ yếu là các địa phương phát triển về kinh tế, tốc độ đô thị hóa cao, nhu cầu về đất ở cao.

Mặt khác, quá trình xem xét, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, Luật Đất đai năm 2024 đều chưa cho phép thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với loại đất chưa có đất ở.

"Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tính toán lộ trình triển khai, chỉ thực hiện thí điểm tại một số địa phương cụ thể, sau đó tổng kết, đánh giá trước khi đề xuất triển khai đồng bộ tại tất cả các địa phương trên phạm vi toàn quốc", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.

Về điều kiện thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, nhiều ý kiến cho rằng quy định về các loại đất được thực hiện thí điểm quá rộng, trong đó gồm cả đất trồng lúa, đất lâm nghiệp, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo…, do đó, đề nghị cân nhắc đối với đất chuyên trồng lúa và đất rừng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đọc báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết. Ảnh: quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đọc báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết. Ảnh: quochoi.vn

Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, nghiên cứu, làm rõ việc áp dụng cơ chế thí điểm thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với các loại đất nêu trên; nghiên cứu, đánh giá việc áp dụng quy định của dự thảo Nghị quyết là đối với tất cả các trường hợp thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất, hay chỉ áp dụng đối với trường hợp thời điểm thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất tính từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành?

Đồng thời, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung nguyên tắc bảo đảm giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%; kiểm soát chặt chẽ, không chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với đất lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất quốc phòng, đất an ninh với diện tích lớn.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/go-kho-ve-nguon-cung-khi-gia-bat-dong-san-tang-cao-684351.html