Gỡ mác 'Tứ đại bổ túc'
Trớ trêu thay, trong cuộc chiến thoát khỏi cái mác 'Tứ đại bổ túc', nhiều trường đại học lại đang 'tự bắn vào chân' bằng những sai lầm truyền thông, khiến định kiến ngày càng khó gỡ. Vậy lối thoát nào cho vòng luẩn quẩn này? Chia sẻ với Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam - Báo Tiền Phong, chuyên gia truyền thông, TS. Nguyễn Nga Huyền đã phân tích những sai lầm cốt lõi và vạch ra một lộ trình chiến lược để các trường đại học có thể thực sự 'thoát mác', biến định kiến thành động lực.
Nhiều năm nay, cộng đồng học sinh, sinh viên vẫn thường dùng cụm từ “Tứ đại bổ túc” để nói về một số trường đại học tư thục có điểm đầu vào chưa cao dù điều này chưa thật sự phản ánh đúng chất lượng đào tạo và tiềm năng của sinh viên theo học. Thực tế, nhiều trường đại học tư thục trong những năm gần đây đã nỗ lực chuyển mình mạnh mẽ: chất lượng đào tạo được siết chặt, cơ sở vật chất đầu tư hàng trăm tỷ, đội ngũ giảng viên được nâng cao và nhiều hướng đi đột phá đã được thực hiện.
Thế nhưng, có một "di sản" không mong muốn mà họ vẫn chưa thể rũ bỏ hoàn toàn, đó là cái mác "Tứ đại bổ túc" trong cộng đồng. Chiếc mác vô hình này dai dẳng phủ một bóng mờ lên mọi nỗ lực, tạo ra một định kiến xã hội sâu sắc, không chỉ khiến chính sinh viên theo học cảm thấy mặc cảm mà còn trở thành rào cản lớn nhất cho bài toán xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững của nhà trường.
Trớ trêu thay, trong cuộc chiến thoát khỏi cái mác "Tứ đại bổ túc" dai dẳng, chính nhiều trường đại học lại đang có những bước đi truyền thông "tự bắn vào chân", vô tình củng cố hình ảnh một "chiếc phao cứu sinh" thay vì một bệ phóng cho tương lai.

Chia sẻ với Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam - Báo Tiền Phong, chuyên gia truyền thông, TS. Nguyễn Nga Huyền đã phân tích những sai lầm cốt lõi và vạch ra một lộ trình chiến lược để các trường đại học có thể thực sự "thoát mác", biến định kiến thành động lực.
PV: Dưới góc nhìn của một chuyên gia truyền thông, theo cô, đâu là những lý do sâu xa khiến định kiến “Tứ đại bổ túc” lại có sức sống bền bỉ và lan truyền mạnh mẽ trong xã hội?
TS. Nguyễn Nga Huyền:
Định kiến “Tứ đại bổ túc” tồn tại dai dẳng không đơn thuần là vì điểm đầu vào, mà xuất phát từ nhiều tầng nguyên nhân sâu xa về mặt văn hóa, tâm lý xã hội và môi trường truyền thông. Có thể kể đến những yếu tố chính sau:
Một là tâm lý sính bằng cấp, trọng “thương hiệu đại học”. Xã hội lâu nay vẫn có thói quen xếp hạng giá trị của một người dựa trên trường học, nhất là các trường đại học công lập top đầu. Việc mặc định sinh viên trường tư, điểm thấp, học phí cao là “hàng thứ cấp” có lẽ đã ăn sâu vào suy nghĩ số đông.
Hai là hiệu ứng “gán nhãn xã hội” và truyền miệng. Một khi một cụm từ được nhắc đi nhắc lại với tần suất đủ lớn, nó sẽ trở thành “sự thật cảm nhận” chứ không còn là thông tin khách quan. Cụm từ “Tứ đại bổ túc” mang yếu tố miệt thị hài hước nên dễ lan truyền trong cộng đồng học sinh, sinh viên qua mạng xã hội, meme, forum, dẫn tới hiệu ứng cộng hưởng tiêu cực kéo dài.
Ba là truyền thông xã hội dễ “châm ngòi” cho định kiến. Mạng xã hội hiện nay giúp thông tin lan truyền nhanh nhưng cũng dễ thiên lệch. Những câu chuyện, hình ảnh phản cảm về sinh viên các trường này (dù chỉ là cá biệt) thường bị đẩy lên như một ví dụ cho “bản chất” chung, củng cố định kiến tiêu cực.
Bốn là sự thiếu cân bằng trong cách kể câu chuyện giáo dục. Phần lớn các trường thuộc nhóm “Tứ đại bổ túc” chưa xây dựng được những câu chuyện thương hiệu đủ sức mạnh để thay đổi cảm nhận xã hội. Khi không có câu chuyện tích cực để đối trọng, định kiến tiêu cực càng có chỗ bám rễ.
PV: Theo chuyên gia, cái mác tiêu cực này để lại những thiệt hại nào lên thương hiệu của một trường đại học? Ngoài những khó khăn rõ ràng trong tuyển sinh, nó còn gây ra những thiệt hại ngầm nào khác
TS. Nguyễn Nga Huyền
Một số thiệt hại dễ thấy từ “cái mác” này. Một là khó khăn trong tuyển sinh chất lượng cao: Những học sinh giỏi, gia đình có điều kiện thường tránh xa các trường bị dán nhãn tiêu cực, khiến trường khó thu hút nhân tài, dẫn đến vòng luẩn quẩn: đầu vào thấp chất lượng bị nghi ngờ tiếp tục bị gán mác. Hai là áp lực truyền thông tuyển sinh hàng năm: Thay vì xây dựng thương hiệu dài hạn, các trường phải lao vào “cuộc đua quảng cáo” mỗi mùa tuyển sinh để cứu chỉ tiêu, dẫn đến tốn kém chi phí marketing ngắn hạn mà hiệu quả bền vững lại thấp.
Bên cạnh đó có cả những thiệt hại khác có thể xảy ra. Thứ nhất là khó thu hút giảng viên giỏi. Giảng viên có chuyên môn tốt thường muốn đầu quân cho nơi có môi trường học thuật và thương hiệu uy tín. Khi trường bị gán mác “bổ túc”, việc mời gọi nhân sự chất lượng cao sẽ gặp trở ngại lớn.
Thứ hai là ảnh hưởng cơ hội hợp tác với doanh nghiệp. Doanh nghiệp thường e ngại hợp tác với các trường bị xã hội gán định kiến kém chất lượng, từ đó hạn chế cơ hội thực tập, việc làm cho sinh viên cũng như các dự án hợp tác đào tạo, nghiên cứu chung.
Thứ ba là sinh viên có thể mặc cảm, tự ti khi thương hiệu trường yếu ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần và động lực của sinh viên. Họ dễ bị mặc cảm khi đi thực tập, phỏng vấn, hoặc bị nhà tuyển dụng nghi ngờ năng lực.
Ngoài ra, điều này cũng có thể gây khó khăn cho việc phát triển hệ sinh thái cựu sinh viên (alumni network) khi cựu sinh viên thành đạt thường không muốn nhận mình xuất thân từ một nơi bị gán mác tiêu cực, khiến trường khó tạo dựng cộng đồng alumni hỗ trợ thế hệ sau.
Tuy nhiên cần nói thêm rằng những thiệt hại này tùy mức độ và tùy từng trường, kể cả trong nhóm “tứ đại bổ túc” thì không phải thiệt hại nào cũng có và có với mức độ khác nhau.
PV: Nhìn lại từ phía các nhà trường, theo quan sát của cô, đâu là những sai lầm trong cách họ làm truyền thông. Phải chăng họ đã quá sa đà vào cuộc chiến quảng cáo tuyển sinh ngắn hạn mà bỏ quên mất nhiệm vụ cốt lõi là xây dựng một câu chuyện có chiều sâu?
TS. Nguyễn Nga Huyền:
Có thể đây là một số điểm các trường chưa làm tốt:
Một là truyền thông theo mùa vụ, nặng về quảng cáo tuyển sinh: Nhiều trường chỉ tập trung chạy truyền thông vào mỗi mùa tuyển sinh, thường là quảng cáo “điểm thấp vẫn có thể vào học”. Điều này vô tình củng cố thêm hình ảnh trường “dành cho những ai không đậu đâu hết”.
Hai là thiếu chiến lược kể chuyện dài hạn (long-term storytelling): Không đầu tư xây dựng hình ảnh trường bằng các câu chuyện thực tế về sinh viên thành công, hoạt động đổi mới sáng tạo, hợp tác quốc tế, các thành tựu nghiên cứu hay trách nhiệm cộng đồng.
Ba là nội dung truyền thông thiếu chiều sâu và cá tính thương hiệu: Nhiều trường dùng thông điệp na ná nhau: “Học phí hợp lý, cơ sở vật chất hiện đại, đào tạo thực tế…” nhưng thiếu yếu tố khác biệt (Unique Selling Point). Không trả lời được câu hỏi: “Vì sao tôi nên chọn trường này ngoài việc điểm chuẩn thấp?”
Bốn là chưa chú trọng xây dựng “đại sứ thương hiệu sinh viên - giảng viên”. Ít đầu tư vào việc phát hiện, nuôi dưỡng, truyền thông về những sinh viên tiêu biểu, giảng viên giỏi, thành tựu nổi bật để tạo cảm hứng cho cộng đồng.
Tuy nhiên cũng cần ghi nhận những điểm họ đã và đang làm được. Một số trường đã bắt đầu thay đổi cách truyền thông. Chẳng hạn, xây dựng Fanpage sinh viên năng động, đầu tư các chương trình trải nghiệm thực tế, hợp tác quốc tế, hoặc truyền thông về các dự án khởi nghiệp từ sinh viên. Có trường đã khởi động chương trình truyền thông về sinh viên, cựu sinh viên thành đạt hoặc các dự án ý nghĩa xã hội. Nhưng nhìn chung, nỗ lực còn manh mún, thiếu đồng bộ và chưa đủ tạo làn sóng thay đổi nhận thức xã hội.
PV: Theo chuyên gia, những trường đại học này cần làm những gì để có thể tự “gỡ mác” Tứ đại bổ túc?
TS. Nguyễn Nga Huyền:
Thứ nhất, cần thay đổi tư duy từ “quảng cáo tuyển sinh” sang “xây dựng thương hiệu học thuật”. Hành trình xây dựng uy tín cần nhiều năm, nhưng nếu không bắt đầu thì sẽ mãi loay hoay trong việc “chạy KPI tuyển sinh”.
Để xây dựng được câu chuyện học thuật thì phải có “nguyên liệu” thật. Đó chính là kể câu chuyện thành công từ chính sinh viên, giảng viên. Tập trung vào các câu chuyện “người thật việc thật” thành công từ giảng viên và sinh viên để lan tỏa trên truyền thông xã hội. Ví dụ: sinh viên khởi nghiệp thành công, dự án xã hội của sinh viên, giảng viên đạt thành tựu nghiên cứu hoặc chuyển giao công nghệ.
Tiếp nữa, cần định vị lại thương hiệu với USP rõ ràng bằng việc trả lời câu hỏi: “Trường tôi khác gì so với những nơi khác? Tôi cam kết đào tạo ai? Cho mục tiêu gì?”. Không nhất thiết phải so với top đầu, nhưng cần xác định phân khúc riêng.
Ngoài ra, cần hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp và cộng đồng, tạo ra những chương trình đào tạo có gắn với nhu cầu thực tế, mời doanh nghiệp vào giảng dạy, đồng hành, tài trợ học bổng, từ đó nâng cao uy tín.
Tiếp đó, cần đầu tư phát triển cộng đồng alumni, kết nối cựu sinh viên, lan tỏa câu chuyện thành công của họ để tạo động lực cho sinh viên hiện tại và thay đổi nhận thức của xã hội.
Bên cạnh đó, cần làm truyền thông nội bộ trước khi truyền thông ra ngoài. Nếu chính sinh viên, giảng viên còn chưa tự hào về nơi mình học và làm việc, thì sẽ rất khó để xã hội nhìn nhận tích cực. Xây dựng văn hóa trường học là bước đầu tiên.
Như vậy, việc tháo gỡ định kiến “Tứ đại bổ túc” không chỉ là bài toán truyền thông, mà là hành trình tái định vị thương hiệu giáo dục. Các trường cần kiên nhẫn, đầu tư chiều sâu, và hành động nhất quán trong nhiều năm. Khi chất lượng thật sự được cải thiện, câu chuyện tốt được kể đúng cách, xã hội sẽ dần thay đổi cách nhìn.
- Chuyên gia Truyền thông, Tiến sĩ Nguyễn Nga Huyền
Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/go-mac-tu-dai-bo-tuc-post1762701.tpo