Gỡ nghẽn dòng tiền cho doanh nghiệp, ngân hàng lo rủi ro gia tăng khi cơ cấu nợ
Các ngân hàng khi cơ cấu nợ phải tự chịu trách nhiệm. Rủi ro lớn nhất của cơ cấu nợ là khó khăn của doanh nghiệp sẽ đổ dồn về ngân hàng, ngân hàng sẽ bị bào mòn về tài chính.
Tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp xấu đi nghiêm trọng nên không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, trong khi các ngân hàng thận trọng hơn khi cho vay. Thực tế này khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong quý I khi lần đầu tiên số doanh nghiệp đóng cửa vượt số doanh nghiệp đăng ký mới.
Doanh nghiệp “tắc” dòng tiền
Tại Đại hội đại biểu của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội được tổ chức ngày 14/5, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, khó khăn chung của kinh tế thế giới khiến việc tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu đều sụt giảm. Vì vậy, dòng tiền của nhiều doanh nghiệp bị nghẽn, không ít nợ đọng từ các đơn hàng.
Ông Nguyễn Xuân Thống, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội thông tin: "Có rất nhiều đơn hàng của các nhóm ngành nghề sụt giảm, như dệt may, da giày, xi măng, sắt thép... Các doanh nghiệp nhỏ và vừa phản ánh bối cảnh chung tạo nên khó khăn chưa bao giờ có, nên họ đều gặp khó về vốn và dòng tiền, đặc biệt là vốn lưu động, các khoản đầu tư cho trung, dài hạn".
Các doanh nghiệp đang bị chôn vốn lớn vào lượng hàng tồn kho trong khi đầu ra giảm sút, dòng tiền về chậm mà vẫn phải trả lãi, vốn cho các khoản vay cũ dẫn đến nguy cơ cao là doanh nghiệp sẽ nhảy nhóm nợ và không vay được vốn ngân hàng.
Mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều chính sách hỗ trợ, giảm lãi suất, tuy nhiên, các doanh nghiệp phản ánh, việc triển khai ở các ngân hàng vẫn còn rào cản. Nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận, hoặc những doanh nghiệp có khả năng vay lại e ngại vì khả năng chi trả lãi suất cao.
"Giảm ở đây phải có ý nghĩa, giảm 2 - 4%/năm dựa trên kết quả kinh doanh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngân hàng huy động cao nên phải cho vay cao, nhưng tôi nghĩ các ngân hàng nên tính toán lại để hài hòa lãi suất với người vay, doanh nghiệp", ông Võ Việt Dũng, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại và đầu tư Anh Dũng bày tỏ.
Hiện nay, hơn 97% doanh nghiệp Việt Nam vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế về năng lực vốn, khó về tài sản đảm bảo. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp lại phải "gánh" trên vai gánh nặng hai đầu đó là dòng tiền và nguy cơ nhảy nhóm nợ. Vì thế, doanh nghiệp đều mong muốn sớm được giãn, hoãn các khoản nợ để có cơ hội "làm lại" khi kinh tế khá lên.
Về cấp tín dụng, các doanh nghiệp đề xuất phía ngân hàng thương mại cần cởi mở hơn, thay vì yêu cầu tài sản đảm bảo là bất động sản có thể chấp nhận cho doanh nghiệp vay tín chấp bằng hợp đồng, hóa đơn đầu ra.
Chất lượng tín dụng đi xuống, ngân hàng tăng phòng thủ
Tuy nhiên, các ngân hàng cho biết, không phải doanh nghiệp nào cũng được cơ cấu nợ, cấp tín dụng, bởi chất lượng tín dụng đang đi xuống, nợ xấu tại nhiều ngân hàng đang tăng mạnh trong những tháng đầu năm. Theo báo cáo tài chính đến cuối quý I/2023, số nợ xấu tuyệt đối tại nhiều ngân hàng tăng tới 50-70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tỷ lệ nợ xấu vào cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, tăng khá mạnh so với mức 2% hồi cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021 (1,49%).
Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá, NHNN nhận thấy có một số khoản chưa phải là nợ xấu theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng có nguy cơ chuyển nợ xấu (như các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...). Vì thế, cần ghi nhận những khoản này để có giải pháp quản lý, xử lý nhằm ngăn ngừa nguy cơ chuyển nợ xấu trong tương lai.
Trên nguyên tắc đó, NHNN xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm tỷ lệ 5% tổng dư nợ.
Ông Lê Thanh Tùng, thành viên HĐQT VietinBank cho biết: Doanh nghiệp khó khăn đang tác động trực tiếp đến "sức khỏe" các ngân hàng: “Khi doanh nghiệp khó khăn, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, thoái lãi dự thu. Hiện nay, thu nhập từ lãi cho vay là thu nhập trọng yếu của ngân hàng. Chất lượng nợ suy giảm khiến ngân hàng phải trích lập nhiều hơn, lợi nhuận vì thế bị ảnh hưởng”.
Vì vậy, các ngân hàng cho rằng, việc cơ cấu nợ, giãn nợ không khác nào chuyển rủi ro của doanh nghiệp sang ngân hàng. Do đó, việc cơ cấu nợ, giãn nợ sẽ được các ngân hàng xem xét rất thận trọng, vừa bảo đảm nền tảng tài chính, vừa bảo đảm hỗ trợ khách hàng.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng sẽ chỉ cơ cấu nợ với điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp được cơ cấu nợ có khả năng phục hồi và đánh giá đúng bản chất nợ xấu. “Các ngân hàng khi cơ cấu nợ phải tự chịu trách nhiệm. Rủi ro lớn nhất của cơ cấu nợ là khó khăn của doanh nghiệp sẽ đổ dồn về ngân hàng, ngân hàng sẽ bị bào mòn về tài chính. Nếu ngân hàng gặp khó khăn, doanh nghiệp cũng khó khăn theo”, ông Hùng cảnh báo.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, để “đẩy” tín dụng tăng trưởng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các cơ quan chức năng cần có các chính sách hỗ trợ đồng bộ khác để cải thiện sức mua, ổn định đầu ra cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư, tạo việc làm và bơm vốn cho nền kinh tế thông qua nhiều kênh như: chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, chứ không chỉ trông chờ vào mỗi ngân hàng.