Gỡ những nút thắt quan trọng trong khai thác bauxite tại Tây Nguyên
Các nhà khoa học của VIASEE đã nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và đưa ra giải pháp khả thi nhất để gỡ những nút thắt quan trọng trong quá trình khai thác bauxite tại Tây Nguyên,
Mới đây, các nhà khoa học của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đã có chuyến công tác, khảo sát thực tế tại tại nhà máy Alumin Nhân Cơ Đắk Nông và Alumin Lâm Đồng. Thông qua chuyến khảo sát, các nhà khoa học của VIASEE đã có những góc nhìn đa chiều liên quan đến vấn đề khai thác bauxite tại Tây Nguyên.
Những nút thắt quan trọng
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nhận định, Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt hồi tháng 7/2023 có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của nước ta.
"Trước đây, năm 2020, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ về những chiến lược và giải pháp khai thác khoáng sản bauxite, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Nhôm tại Tây Nguyên. Đây là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược lớn, góp phần tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trong quá trình xây dựng Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, những chiến lược và giải pháp khai thác khoáng sản bauxite của các nhà khoa học VIASEE đã được hội đồng soạn thảo đánh giá rất cao, rất có ý nghĩa khi áp dụng vào thực tiễn", Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nói.
Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, mặc dù khai thác bauxite tại Tây Nguyên sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn (ước tính mang lại lợi nhuận 10 tỷ USD/năm), song ông cho rằng từ quy hoạch đến triển khai trên thực tế là một chặng đường dài, gian nan. Ông Hải chỉ ra 03 vấn đề lớn cần phải giải quyết:
Thứ nhất, đó là vấn đề về nguồn vốn đầu tư. Để có thể đạt mục tiêu khai thác tối đa 118 triệu tấn nguyên khai/năm có thể phải cần đến 20 tỷ USD nguồn vốn. Hiện tại Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) không đủ nguồn lực để thực hiện. Do đó, cần phải có phương án kêu gọi các tập đoàn lớn đầu tư.
Thứ hai, ước tính để khai thác bauxite tại Tây Nguyên cần phải thu hồi một diện tích đất lớn (khoảng 6000 ha), đây là bài toán khó. Hiện tại, theo cách làm của hai nhà máy Alumin Nhân Cơ và Tân Rai thì sau khi thu hồi đất và khai thác xong sẽ giao phần đất đó cho TKV trồng keo. Tuy nhiên, cách làm này nếu áp dụng trên diện rộng, với quy mô lớn sẽ dẫn lãng phí nguồn lực, thậm chí có thể phát sinh một số vấn đề về xã hội.
Thứ ba, giải quyết vấn đề bùn đỏ và bùn thải đuôi quặng một cách khoa học, bài bản, hiệu quả tránh những hệ lụy liên quan đến môi trường.
Giải pháp
Từ những vấn đề trên, các nhà khoa học của VIASEE đã nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và đưa ra những giải pháp khả thi nhất. PGS.TS Lưu Đức Hải hi vọng rằng các cấp quản lý, các nhà hoạch định chính sách có thể tham khảo để đưa ra phương án tối ưu nhất, giúp khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên bauxite của Việt Nam.
"Để giải bài toán nguồn vốn, tôi cho rằng, cần có cơ chế phù hợp để thu hút các nhà đầu tư, các tập đoàn công nghệ lớn của Việt Nam. Phải cho họ thấy, họ sẽ được gì nếu đầu tư khai thác bauxite. Tôi tin rằng, các tập đoàn lớn của Việt Nam có đầy đủ năng lực, công nghệ để tham gia khai thác bauxite tại Tây Nguyên.
Về vấn đề thu hồi đất, nhà nước cần trực tiếp đứng ra thu hồi đất, đồng thời đưa ra 02 phương án để người dân lựa chọn. Phương án 01, nhà nước sẽ đứng ra mượn đất của người dân trong khoảng 5 - 10 năm, trả cho họ một khoản tiền kèm theo những chính sách giúp họ ổn định cuộc sống trong khoảng thời gian đó. Sau khi khai thác xong sẽ trả lại đất (đã cải tạo) cho người dân. Phương án 02, nhà nước đứng ra thu hồi đất, đồng thời bố trí khu vực tái định cư, người dân sẽ nhận khoản tiền lớn hơn và bắt đầu cuộc sống mới tại nơi ở mới. Nếu làm được điều này, người dân sẽ có quyền lựa chọn, hạn chế tối đa việc phát sinh các vấn đề về xã hội.
Để giải bài toán bùn đỏ và bùn thải đuôi quặng, đảm bảo các vấn đề môi trường, các nhà đầu tư tham gia khai thác buộc phải áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Nghĩa là toàn bộ chất thải trong quá trình khai thác đều được xử lý và tận dụng hiệu quả, sau khi khai thác các moong mỏ phải được phục hồi để phát triển kinh tế.
Thực tế, để sản xuất 1 triệu tấn alumin, phải cần đến một hồ chứa bùn đỏ rộng 50 ha. Vậy để khai thác 1,7 tỷ tấn alumin sẽ phải cần tới bao nhiêu diện tích hồ chứa bùn đỏ? Đó là chưa tính đến những nguy cơ về môi trường có thể xảy ra. Nhưng nếu tận dụng bùn đỏ làm vật liệu xây dựng, chúng ta sẽ lợi đơn lợi kép, vừa không tốn diện tích làm hồ chứa bùn đỏ, vừa mang lại giá trị kinh tế", PGS.TS Lưu Đức Hải phân tích.
Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã nghiên cứu và được cấp bản quyền tác giả cho công trình nghiên cứu sản xuất gạch từ bùn đỏ. Tất cả các nguyên liệu sử dụng để sản xuất gạch từ bùn đỏ đều được tận dụng tại địa phương. Chất lượng gạch đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn về xây dựng.
Trong thời gian tới, VIASEE sẽ phối hợp với tỉnh Đắk Nông triển khai thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn trong khai thác bauxite. Trong đó, dự kiến sẽ chế tạo hàng vạn viên gạch theo quy mô bán công nghiệp với nguyên liệu sẵn có, chất lượng tốt, giá thành rẻ. VIASEE kỳ vọng, mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại hiệu quả cao, qua đó nhân rộng mô hình, đem đến giải pháp ưu việt trong khai thác bauxite tại Tây Nguyên.
Năm 2020, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đã có văn bản kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ về những chiến lược và giải pháp khai thác khoáng sản bauxite, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Nhôm tại Tây Nguyên.
VIASEE kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và chỉ đạo các Bộ ngành chức năng tiến hành nghiên cứu, thảo luận về vấn đề này. VIASEE sẵn sàng tham gia đóng góp những ý kiến chuyên môn và công trình nghiên cứu khoa học của Hội để xây dựng quy trình khai thác, chế biến bauxite, phát triển ngành công nghiệp nhôm tại Tây Nguyên.