Gỡ nút thắt cho khoáng sản làm vật liệu xây dựng bằng các cơ chế đặc thù
Luật Địa chất và khoáng sản 2024 tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động địa chất, khoáng sản. Tuy nhiên, sau khi được ban hành, xuất hiện những yêu cầu mới, cần phải tháo gỡ những khó khăn đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Trong cuộc trao đổi với Báo Xây dựng, TS Mai Thế Toản, Phó cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) nhấn mạnh sự cần thiết của các cơ chế đặc thù, phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, cũng như tầm quan trọng của quy hoạch linh hoạt để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng quốc gia.

Luật Địa chất và khoáng sản 2024 có những chính sách đổi mới, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các hoạt động về địa chất, khoáng sản.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương
Thưa ông, việc ban hành Luật Địa chất và khoáng sản 2024 được đánh giá là bước cải cách toàn diện. Vậy điểm đổi mới nào tạo ra chuyển biến rõ nhất trong lĩnh vực khoáng sản nói chung và vật liệu xây dựng nói riêng?
TS Mai Thế Toản: Theo từng giai đoạn phát triển của đất nước, pháp luật về khoáng sản đã điều chỉnh phù hợp và có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, do bối cảnh thay đổi, cần điều chỉnh, bổ sung một số nội dung.
Luật Địa chất và khoáng sản 2024 được ban hành với nhiều chính sách đổi mới, quan trọng, tạo hành lang pháp lý rõ ràng trong quản lý Nhà nước và thực hiện các hoạt động về địa chất, khoáng sản.
Những điểm đột phá tiêu biểu là việc phân nhóm khoáng sản theo công dụng và mục đích quản lý để có cách thức quản lý phù hợp với từng nhóm, từng loại khoáng sản khác nhau; tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương; cải cách thủ tục hành chính.
Với khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD), Luật lần này đã trao quyền rõ ràng cho chính quyền địa phương trong việc cấp phép thăm dò, khai thác, kiểm tra giám sát… Đồng thời, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ. Điều này rất cần thiết khi nhu cầu VLXD tăng mạnh để phục vụ các dự án, công trình trọng điểm, nhất là trong lĩnh vực giao thông, hạ tầng đô thị.
Ngoài ra, Luật Địa chất và khoáng sản cũng điều chỉnh cách tính tiền cấp quyền khai thác theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, tính đúng, tính đủ; kết quả tính dễ giám sát, đảm bảo minh bạch.
Quy định "Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế" không ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước, trong khi đó giảm áp lực cho doanh nghiệp do việc nộp tiền được trải đều theo các năm khai thác.
Đồng thời, việc quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế bảo đảm tính đúng, tính đủ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, khắc phục yếu tố sai số về trữ lượng do biến động địa chất, đảm bảo được công bằng về lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp khai thác khoáng sản.

TS Mai Thế Toản, Phó cục trưởng Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Việc phân cấp và phân quyền mạnh cho địa phương theo Luật Địa chất và khoáng sản được thực hiện như thế nào?
TS Mai Thế Toản: Phân cấp, phân quyền là nội dung có tính đột phá trong Luật Địa chất và khoáng sản. Theo đó, cấp Trung ương chỉ thực hiện thẩm quyền về quy hoạch khoáng sản nhóm I, nhóm II và cấp giấy phép hoạt động khoáng sản đối với khoáng sản nhóm I với quy mô từ trung bình đến lớn.
Ngoài việc tiếp tục duy trì việc phân cấp như Luật Khoáng sản năm 2010, Luật Địa chất và khoáng sản đã phân cấp, phân quyền cho địa phương 6 nhiệm vụ quan trọng.
Tiếp đó, Nghị định 193/2025/NĐ-CP ngày 2/7/2025 và Nghị định 136/2025/NĐ-CP ngày 12/6/2025 của Chính phủ tiếp tục bổ sung phân cấp, phân quyền cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh 12 nội dung (trong đó có 2 nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và 10 nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Theo đó, các nội dung phân cấp, phân quyền liên quan trực tiếp đến việc cấp giấy thăm dò, công nhận kết quả thăm dò, giấy phép khai thác cho đến quyết định đóng cửa mỏ, kiểm tra, thanh tra, tổ chức việc kiểm soát, giám sát mọi hoạt động khoáng sản, thu hồi khoáng sản trên địa bàn kể cả đối với các giấy phép do Trung ương cấp.
Thời gian qua, một loạt thay đổi chính sách và cơ chế đặc thù cũng đã được ban hành. Những điều chỉnh này đã ảnh hưởng như thế nào tới việc thực thi Luật Địa chất và khoáng sản, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực VLXD?
TS Mai Thế Toản: Mặc dù Luật Địa chất và khoáng sản cơ bản giải quyết được những vướng mắc, bất cập của Luật Khoáng sản 2010. Tuy nhiên, sau khi Luật được ban hành, có những thay đổi liên quan đến phân quyền, phân cấp và các yêu cầu cấp thiết để đáp ứng nguồn nguyên liệu cho các dự án, công trình quan trọng.
Trong khi đó, Luật Địa chất và khoáng sản và các luật khác có liên quan chưa có đầy đủ các cơ chế đặc thù để giải quyết triệt để tình trạng khó khăn, khan hiếm về khoáng sản làm VLXD thông thường, vật liệu san lấp phục vụ xây dựng các dự án, công trình quan trọng quốc gia; dự án đầu tư khẩn cấp, cấp bách do cấp có thẩm quyền quyết định; dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Chưa quy định đủ tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản để đáp ứng yêu cầu giải phóng mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực khoáng sản cho phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Đặc biệt, Luật Quy hoạch và các luật có liên quan chưa có đầy đủ cơ chế để xử lý khi có sự chồng lấn giữa quy hoạch khoáng sản với các quy hoạch khác.

Chồng lấn quy hoạch khoáng sản với các quy hoạch khác làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác khoáng sản nói chung và VLXD nói riêng.
Cần chính sách đặc thù cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXD
Thưa ông, nguyên nhân do đâu dẫn đến việc chồng lấn quy hoạch khoáng sản với các quy hoạch tỉnh và quy hoạch ngành khác?
TS Mai Thế Toản: Thời gian vừa qua, xảy ra tình trạng chồng lấn quy hoạch khoáng sản với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch ngành khác. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng khai thác khoáng sản nói chung và VLXD nói riêng, khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ hoặc không thể triển khai.
Nguyên nhân chính là do thiếu cơ sở dữ liệu không gian thống nhất phục vụ cho lập các loại quy hoạch khác nhau; thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc lập, quản lý, tổ chức thực hiện và xử lý chồng lấn các quy hoạch; chất lượng của một số quy hoạch còn hạn chế, thường xuyên phải điều chỉnh, bổ sung, tác động tới việc thực hiện các quy hoạch khác.
Vật liệu xây không nung vì sao chưa phổ biến?
Ngành thép đang đối mặt với dư thừa công suất
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, định hướng phát triển bền vững ngành vật liệu xây dựng
Luật Quy hoạch chưa đưa ra cơ chế xử lý việc chồng lấn giữa các quy hoạch ngành với nhau; chưa có quy định cụ thể về việc đánh giá hiệu quả kinh tế để đưa ra quyết định sẽ tiếp tục thực hiện quy hoạch hay là điều chỉnh quy hoạch để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong phạm vi diện tích bị chồng lấn quy hoạch.
Vậy Bộ Nông nghiệp và Môi trường có những giải pháp, đề xuất nào để tháo gỡ khó khăn còn tồn tại và hướng tới phát triển bền vững hơn trong khai thác khoáng sản làm VLXD?
TS Mai Thế Toản: Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn trong triển khai thi hành Luật Địa chất và khoáng sản. Theo đó, bổ sung các chính sách đặc thù trong cấp phép hoạt động khoáng sản nhóm III, nhóm IV làm VLXD để cung cấp cho các dự án, công trình quan trọng quốc gia; dự án đầu tư khẩn cấp, cấp bách do cấp có thẩm quyền quyết định; dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo hướng thông thoáng, thuận lợi hơn.
Để phát triển ngành khai thác khoáng sản làm VLXD ở Việt Nam theo hướng phát triển bền vững, bên cạnh việc hoàn thiện chính sách pháp luật, cần thiết phải có cách tiếp cận toàn diện để quy hoạch hệ thống mỏ VLXD phù hợp nhu cầu từng vùng, từng khu vực.
Đồng thời, thúc đẩy ứng dụng công nghệ khai thác tiên tiến, giảm tổn thất tài nguyên; tăng cường giám sát, minh bạch hóa quá trình cấp phép và khai thác; khuyến khích sử dụng vật liệu thay thế, VLXD tái chế nhằm giảm phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thô; chú trọng công tác bảo vệ môi trường và tối ưu hóa mục đích sử dụng đất sau khi đóng cửa mỏ.