Gỡ 'nút thắt' khoa học công nghệ cho nông nghiệp và môi trường
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa công bố kế hoạch hành động mang tính đột phá về khoa học công nghệ, hiện thực hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Đây là bước đi chiến lược nhằm 'cởi trói' tiềm năng, giải quyết những 'điểm nghẽn' kéo dài và kiến tạo một nền nông nghiệp, môi trường phát triển bền vững, hiệu quả.

Thứ trường Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến phát biểu tại Họp báo
Chiều 5/5/2025, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức buổi Họp báo về Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong ngành nông nghiệp và môi trường.
Thúc đẩy khoa học công nghệ trong nông nghiệp
Phát biểu tại Họp báo, Thứ trường Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội; Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ; ngày 27/3/2025, Bộ Nông nghiệp và Mội trường đã ban hành Quyết định số 503/QĐ-BNNMT về Kế hoạch đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Theo TS. Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, kế hoạch triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường tích hợp đầy đủ mục tiêu của cả ngành tài nguyên và môi trường lẫn nông nghiệp và phát triển nông thôn, đồng thời đề ra các chỉ tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực.
Kế hoạch triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường bao gồm 58 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, được chia thành 7 nhóm chính.
Ngành nông nghiệp và môi trường đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên toàn diện các lĩnh vực hoạt động. Quyết tâm chính trị cao được thể hiện qua mục tiêu tối thiểu 25% lãnh đạo các cấp có chuyên môn sâu về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Trong nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý, ngành sẽ tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung 17 luật chuyên ngành, đồng thời tối ưu hóa quy trình nội bộ trên nền tảng điện tử, hướng tới mục tiêu thay thế hoàn toàn giấy tờ trong thủ tục hành chính.
Theo ông Long, hạ tầng công nghệ thông tin sẽ được tăng cường đầu tư và hoàn thiện, tạo tiền đề vững chắc cho việc ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản lý nông nghiệp và sản xuất. Đặc biệt, ngành chú trọng xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường, hệ thống thông tin đất đai, số hóa hồ sơ hành chính và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia.
Bài toán nhân lực chất lượng cao được đặt lên hàng đầu thông qua chính sách thu hút, trọng dụng và giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia có năng lực triển khai các nhiệm vụ quốc gia về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển AI. Phương thức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cũng sẽ được đổi mới theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược.
Mục tiêu đến năm 2030, ngành phấn đấu đạt trên 90% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt và hiệu quả. Các ứng dụng AI sẽ được phát triển mạnh mẽ để hỗ trợ phân tích, cảnh báo thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh.
Ngành cũng đặc biệt chú trọng thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này sẽ được rà soát và đề xuất. Bên cạnh đó, hoạt động chuyển giao tri thức và đào tạo nhân lực thông qua các doanh nghiệp FDI cũng được đẩy mạnh.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành chủ động tham gia định hình các khuôn khổ, nguyên tắc quản trị về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các cơ chế hợp tác đa phương. Mục tiêu là hình thành mạng lưới các nhà nghiên cứu khoa học để tìm kiếm cơ hội ứng dụng các tiến bộ này vào quản lý hiệu quả và phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên.
15 rào cản phát triển khoa học công nghệ
Theo tinh thần của Nghị quyết 57, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định việc chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ ưu tiên.

Khoa học công nghệ là "chìa khóa" phát triển nông nghiệp
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ 15 vấn đề lớn đang cản trở sự phát triển của khoa học và công nghệ trong ngành, đòi hỏi các giải pháp đồng bộ và quyết liệt để khơi thông.
Ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh vai trò trung tâm của đội ngũ nhà khoa học trong tiến trình đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, ông chỉ ra thực trạng đáng lo ngại về xu hướng giảm số lượng giáo sư, tiến sĩ, cùng với mức thu nhập chưa tương xứng, gây khó khăn trong việc thu hút và giữ chân nhân tài trước sự cạnh tranh của thị trường lao động.
Một trong những vấn đề được thứ trưởng đặc biệt lưu ý là quy trình phê duyệt các đề tài khoa học. Theo ông Phùng Đức Tiến, cần rà soát lại trình tự này để đảm bảo mục tiêu, nội dung và kết quả đầu ra phải thực sự phù hợp với yêu cầu thực tiễn. "Khoa học phải bắt nguồn từ thực tiễn và quay trở lại phục vụ thực tiễn", Thứ trưởng khẳng định.
Về vấn đề ứng dụng công nghệ, Thứ trưởng cho rằng, dù Bộ Khoa học và Công Nghệ đã có các quỹ hỗ trợ, nhưng cần đẩy mạnh cơ chế để chuyển giao nhanh chóng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, việc cân đối chi ngân sách cho khoa học và công nghệ giữa Trung ương và địa phương cũng cần được xem xét.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng thẳng thắn chỉ ra tư duy "bao cấp" vẫn còn tồn tại, làm triệt tiêu động lực sáng tạo. Ông kêu gọi cần có cơ chế đột phá để giải phóng tư duy này, hướng tới việc làm giàu từ khoa học và công nghệ.
Để nâng cao tính chủ động và linh hoạt cho các đơn vị nghiên cứu, Thứ trưởng đề xuất tháo gỡ khó khăn trong thực hiện "ba tự chủ": tự chủ nhiệm vụ, tự chủ tài chính và tự chủ tổ chức, đồng thời hạn chế tình trạng lãng phí nguồn lực.
Ông Tiến dẫn chứng tình trạng nhiều trang thiết bị đầu tư không đồng bộ, tần suất sử dụng thấp, dẫn đến khấu hao chậm và lãng phí, và đề nghị rà soát, quy hoạch đầu tư theo hướng đồng bộ và hiệu quả.
Thứ trưởng Tiến đề cập bao gồm: cơ chế sử dụng đất đai hiệu quả cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; xây dựng cơ chế tín dụng riêng hỗ trợ các ý tưởng đổi mới sáng tạo; đảm bảo tiến độ phê duyệt kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học; hình thành và đầu tư cho các nhóm nghiên cứu xuất sắc, đa ngành, đa lĩnh vực, tập trung vào các lĩnh vực chủ lực của ngành.
Các chương trình khoa học và công nghệ cần được đầu tư tập trung, đồng bộ, tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí; ưu tiên cơ chế và nguồn lực cho các chương trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao; xây dựng cơ chế đặc biệt phù hợp với đặc thù của từng bộ ngành; và phân bổ kinh phí nghiên cứu theo chuỗi, theo kíp, bảo đảm tính liên tục và hiệu quả.
Dự kiến ngày 10/05/2025, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong ngành Nông nghiệp và Môi trường.
Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai kịp thời, có hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 71/NQ-CP và Nghị định số 88/2025/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 503/QĐ-BNNMT ngày 27/3/2025 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong ngành Nông nghiệp và Môi trường.
Hội nghị có phiên họp toàn thể buổi sáng ngày 10/5/2025 và 4 phiên họp chuyên đề vào buổi chiều cùng ngày, nhằm đánh giá thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Môi trường; tổ chức triển khai các văn bản của Đảng, Nhà nước và Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Môi trường; trao đổi, bàn về một số định hướng, giải pháp thúc đẩy đột phá phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần của của Đảng, Nhà nước trong ngành Nông nghiệp và Môi trường.