Gỡ 'nút thắt' mặt bằng

3 dự án lớn do Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư đều đang chậm tiến độ do 'nút thắt' mặt bằng. Chủ đầu tư đang tích cực phối hợp, đề nghị các địa phương tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) trong tháng 5 và tháng 6 năm nay để đẩy mạnh thi công, nỗ lực đảm bảo tiến độ các dự án.

Các nhà thầu Dự án Đường Vành đai V thi công khó đẩy nhanh tiến độ do chậm bàn giao mặt bằng.

Các nhà thầu Dự án Đường Vành đai V thi công khó đẩy nhanh tiến độ do chậm bàn giao mặt bằng.

Trong khi đưa chúng tôi “tua tuyến” Dự án Đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội (đoạn tuyến đi trùng Đại lộ Đông - Tây, Khu tổ hợp Yên Bình và cầu vượt sông Cầu), anh Lê Vĩnh Khang, Phó Trưởng Phòng Quản lý Dự án 1, BQLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh chỉ ra nhiều vị trí đang bị vướng mặt bằng. Tại những nơi còn vướng nhiều, nhà thầu vừa thi công, vừa phải chờ dù lượng lớn nguyên vật liệu và máy móc luôn tập kết sẵn sàng. Theo cập nhật của chủ đầu tư, trong tổng chiều dài 9,16km của tuyến đường thì phần còn vướng mặt bằng là gần 2km, trong đó huyện Phú Bình còn 28/655 hộ, T.X Phổ Yên còn 23/517 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Trong 6 gói thầu của dự án thì gói số 6 có giá trị, khối lượng công việc nhiều nhất, bị vướng mặt bằng nhiều nhất và cũng đang bị chậm tiến độ nhất. Anh Nguyễn Duy Bình, đại diện nhà thầu cho biết: Theo hợp đồng thì gói thầu sẽ phải hoàn thành trong tháng 6 tới nhưng hiện khối lượng đã thi công mới đạt khoảng 50%.

Tình trạng vướng mắc mặt bằng Dự án do nhiều nguyên nhân khác nhau, đối với T.X Phổ Yên, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Chủ tịch UBND thị xã lý giải: Nguyên nhân chính khiến các hộ chưa bàn giao mặt bằng là vì chưa được nhận đất tái định cư để xây nhà. Một số hộ bị thu hồi nhà ở nhưng số đất thổ cư còn lại vẫn đảm bảo diện tích tối thiểu theo quy định nên không được cấp tái định cư, trong khi gia đình họ có nhiều người, nhiều thế hệ cùng sinh sống nên chưa đồng thuận. Mặt khác, chính khu vực tái định cư cho người dân cũng chưa hoàn thiện GPMB và xây dựng hạ tầng. Cùng với đó, việc phải giải quyết các vấn đề đảm bảo vành đai an toàn của Nhà máy Z131 cũng mất nhiều thời gian khiến công tác GPMB Dự án bị chậm.

Được biết, Dự án Đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội là dự án giao thông lớn của tỉnh, có tổng mức đầu tư gần 970 tỷ đồng từ ngân sách. Theo phê duyệt thì Dự án phải hoàn thành trong năm nay nhưng hiện mới đạt khoảng 70% khối lượng công việc và như đã nói, yếu tố chính là do vướng mắc mặt bằng.

2 dự án khác cũng do BQLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư, hiện đang triển khai cũng đều bị chậm tiến độ chủ yếu do vướng mặt bằng, gồm: Dự án Nâng cấp đường Cù Vân - An Khánh - Phúc Hà có tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng, chiều dài tuyến hơn 9km, thời gian thực hiện giai đoạn 2016-2020 nhưng hiện mới đạt gần 65% khối lượng công việc; Dự án Nâng cấp đường Hóa Thượng - Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ, có tổng mức đầu tư 125,37 tỷ đồng, chiều dài tuyến hơn 10km, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2017-2020 nhưng đến nay mới thực hiện được gần 40% khối lượng.

Theo thông tin từ chủ đầu tư thì cả 2 dự án này đều đang vướng mắc mặt bằng nhiều vị trí. Cụ thể: Dự án Nâng cấp đường Cù Vân - An Khánh - Phúc Hà có 4 gói thầu thì 1 gói vẫn chưa thể khởi công vì chưa có mặt bằng, mới chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho 16/129 hộ bị ảnh hưởng (thuộc T.P Thái Nguyên), số còn lại đang được kiểm đếm và lên phương án; huyện Đại Từ còn 6 hộ chưa bàn giao mặt bằng, 1 hộ cản trở thi công. Riêng Dự án Nâng cấp đường Hóa Thượng - Hòa Bình không có kinh phí GPMB (chỉ hỗ trợ thiệt hại về tài sản cho người dân), địa phương có trách nhiệm vận động hiến đất và hiện còn 23 hộ chưa đồng ý hiến, tương đương chiều dài gần 600m.

Một vị trí vướng mặt bằng nên chưa thể thi công thuộc Dự án Nâng cấp đường Cù Vân - An Khánh - Phúc Hà.

Một vị trí vướng mặt bằng nên chưa thể thi công thuộc Dự án Nâng cấp đường Cù Vân - An Khánh - Phúc Hà.

Việc vướng mắc mặt bằng khiến các dự án bị chậm tiến độ dẫn đến một số hệ quả như: Chậm giải ngân vốn đầu tư công; các nhà thầu bị phát sinh thêm chi phí; ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân trong khu vực khi dự án thi công kéo dài; ảnh hưởng đến an toàn giao thông đối với dự án vừa thi công vừa khai thác; tạo ra những tiền lệ không tốt… Ông Ngô Mạnh Cường, Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết: Để hạn chế và sớm giải quyết dứt điểm vấn đề, Ban luôn chủ động bố trí vốn phục vụ GPMB, tích cực phối hợp với các địa phương để xử lý những vướng mắc, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư. Tuy vậy, có những vướng mắc do cơ chế, do số ít người dân thiếu đồng thuận nên việc giải quyết cần sự thống nhất, vận dụng linh hoạt và mất nhiều thời gian. Mới đây, chúng tôi đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung giải quyết những vướng mắc, tồn tại để sớm bàn giao mặt bằng sạch.

GPMB là công việc nhiều khó khăn, phức tạp, những vướng mắc thường “muôn hình vạn trạng” đối với mỗi địa phương khác nhau. Nhưng “nút thắt” nào rồi cũng phải được tháo gỡ và trong quá trình đó, sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các cơ quan, địa phương liên quan, sự đồng thuận của người dân luôn là những yếu tố quan trọng hàng đầu.

Trần Quyền

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-tinh/go-%E2%80%9Cnut-that%E2%80%9D-mat-bang-271244-205.html