Gỡ nút thắt, mở đường phát triển cho quỹ tín dụng nhân dân

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến cho Đề án cơ cấu lại hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Hợp tác xã, nhằm hỗ trợ tài chính bền vững cho cộng đồng.

Bước đi cần thiết cho phát triển bền vững

Ngày 4/7/2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Đề án “Cơ cấu lại tổng thể hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2045”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại nhiều điểm cầu, với sự chủ trì của Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn khẳng định, mặc dù hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đã có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, song thực tiễn hoạt động cũng bộc lộ không ít hạn chế. Một trong những vấn đề nổi bật là mối liên kết giữa các quỹ tín dụng nhân dân với Ngân hàng Hợp tác xã ở một số địa phương còn lỏng lẻo, chưa phát huy được hiệu quả hỗ trợ hệ thống.

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến rộng rãi cho Đề án cơ cấu lại hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Hợp tác xã

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến rộng rãi cho Đề án cơ cấu lại hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Hợp tác xã

Từ thực tiễn đó, Phó Thống đốc nhấn mạnh sự cần thiết phải đánh giá toàn diện, nghiêm túc các tồn tại trong giai đoạn vừa qua, từ đó hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân. Việc cơ cấu lại không chỉ là yêu cầu khách quan của quá trình phát triển, mà còn là yếu tố sống còn để hệ thống này tiếp tục đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy hành chính đang được Đảng và Nhà nước thúc đẩy mạnh mẽ.

Thực tế, tính đến ngày 31/12/2024, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân có 1.178 quỹ, được phân bố trên 58 tỉnh, thành phố của cả nước, với tổng tài sản là 194.421 tỷ đồng; tổng dư nợ là 138.723 tỷ đồng, chiếm 0,88% dư nợ toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Giới chuyên gia tài chính đánh giá, tuy chiếm thị phần nhỏ, nhưng hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân đã góp phần bao phủ và tăng khả năng tiếp cận thị trường tài chính cho các đối tượng ở nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, xóa đói, giảm nghèo.

Trên cơ sở tổng kết giai đoạn 2020 - 2025, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành khảo sát thực tế tại nhiều vùng có quỹ tín dụng nhân dân hoạt động, tiếp thu các định hướng từ Bộ Chính trị, Chính phủ và các nghị quyết quan trọng của Đảng. Từ đó, cơ quan này đã xây dựng Dự thảo Đề án “Cơ cấu lại tổng thể hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2045” với mục tiêu xác lập phương hướng phát triển dài hạn, đồng bộ và hiệu quả cho toàn hệ thống, chú trọng các giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng lực nội tại và sức chống chịu trước những biến động kinh tế.

Lấy người dân làm trung tâm của mọi chính sách phát triển

Trao đổi tại hội thảo, bà Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương nêu ý kiến: Trong giai đoạn tới, các quỹ tín dụng nhân dân cần kiên định tôn chỉ “tương trợ lẫn nhau”, tập trung phục vụ thành viên là hộ nông dân, hộ sản xuất nhỏ và các đối tượng yếu thế, phù hợp với mục tiêu phát triển tài chính toàn diện. Tư tưởng này cũng nhất quán với quan điểm của Đảng về việc lấy người dân làm trung tâm của mọi chính sách phát triển.

Dẫn kinh nghiệm từ một số mô hình thành công như Norinchukin Bank (Nhật Bản), NACF (Hàn Quốc) hay Rabobank (Hà Lan), bà Kim Anh nhấn mạnh, chỉ với sự liên kết chặt chẽ và đồng bộ, các quỹ tín dụng nhân dân mới có thể phát huy vai trò, tăng khả năng điều tiết vốn, kiểm soát rủi ro và củng cố niềm tin cộng đồng. Trong đó, Ngân hàng Hợp tác xã giữ vai trò trung tâm hệ thống, không chỉ điều tiết vốn và hỗ trợ thanh khoản, mà còn cung cấp dịch vụ công nghệ, đào tạo nhân lực và phát triển các sản phẩm tín dụng xanh, tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn mới.

Liên kết trong hệ thống, theo bà Kim Anh, không đơn thuần là yêu cầu nghiệp vụ, mà là một chiến lược phát triển dài hạn và là yếu tố nền tảng để xây dựng hệ sinh thái tài chính cộng đồng vững mạnh và hiệu quả.

Liên quan tới chủ trương “mỗi xã một quỹ tín dụng nhân dân”, bà Trần Kim Anh cho rằng đây là giải pháp cần thiết nhằm phù hợp với phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã hiện nay. Tuy nhiên, quá trình triển khai cần được tiến hành thận trọng, minh bạch và có sự tham vấn đầy đủ với thành viên quỹ để bảo đảm quyền lợi người gửi tiền, duy trì ổn định đời sống dân cư. Sau sắp xếp, các quỹ cần được tăng cường vốn điều lệ, hiện đại hóa quản trị, nâng cao năng lực tài chính và đầu tư bài bản cho hạ tầng công nghệ thông tin cũng như đội ngũ nhân lực.

Đồng thời, cần phát triển các sản phẩm tín dụng gắn với xu hướng nông nghiệp hiện đại như: Tín dụng xanh, tín dụng phục vụ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn. Chính sách hỗ trợ cũng cần đi kèm ưu đãi lãi suất cho các dự án xanh, cơ chế khuyến khích sáp nhập tự nguyện, hỗ trợ cơ sở hạ tầng và giáo dục tài chính cộng đồng.

Dự thảo Đề án đặt mục tiêu không chỉ tái cấu trúc hệ thống, mà còn tạo nền tảng để hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Hợp tác xã phát triển bền vững, thích ứng linh hoạt với yêu cầu mới của nền kinh tế và tiếp tục đóng vai trò là “bà đỡ tài chính” vững chắc cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Duy Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/go-nut-that-mo-duong-phat-trien-cho-quy-tin-dung-nhan-dan-409234.html