Gỡ nút thắt môi trường kinh doanh, tạo sức mạnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội
Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn như: thủ tục cấp phép đầu tư, xây dựng; sự cạnh tranh thị trường trong và ngoài nước ngày một lớn, khó tiếp cận vốn vay…
Tại buổi gặp mặt báo chí công bố “Lễ tôn vinh doanh nhân doanh nghiệp Thăng Long năm 2024” ngày 15/5, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội nhận định, năm 2024 là một năm nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp Thăng Long.
DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA ĐÓNG GÓP TRÊN 40% GDP CHO THÀNH PHỐ
Cơ hội với doanh nghiệp đó là các cơ chế, chính sách của Quốc hội, Chính phủ ban hành được triển khai từ năm 2023 đến nay đã có nhiều doanh nghiệp được thụ hưởng, như chính sách giảm thuế, giảm phí, điều chỉnh lãi suất ngân hàng… Đầu năm 2024 nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận được nguồn vốn mới, với lãi suất ưu đãi.
Với hoạt động xuất khẩu, ngành thuế - hải quan đã tích cực giải quyết các thủ tục hoàn thuế, thông quan thuận lợi theo luồng xanh, ưu tiên hoạt động xuất khẩu nên lợi nhuận của các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã tăng.
Thu nội địa của Hà Nội đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ đầu tư vào Hà Nội những tháng đầu năm 2024 tăng trên 9%, thu hút FDI dẫn đầu cả nước…
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội đánh giá cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Là lực lượng sản xuất chủ yếu của nền kinh tế, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của Thành phố qua các thời kỳ.
Đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội đã và đang ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, tiên phong trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Doanh nhiệp nhỏ và vừa của Hà Nội chiếm từ 80% đến nay lên 98,2 % tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập, tạo việc làm cho 55,1% lao động.
Doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp từ 25% lên đến nay trên 40% GDP cho Thành phố.
Tuy nhiên, ông Mạc Quốc Anh thẳng thắn cho rằng doanh nghiệp vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là rất nhiều giải pháp được ban hành nhưng việc thực thi và triển khai còn những vướng mắc, hạn chế nhất định, như thủ tục cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, cấp phép đầu tư, xây dựng liên quan đến lĩnh vực tài nguyên – môi trường.
Mặt khác, sự cạnh tranh trên thị trường ngày một lớn, không chỉ cạnh tranh trong nước mà còn trên thị trường quốc tế. Đây là giai đoạn khó khăn với doanh nghiệp đòi hỏi cần đổi mới nhiều hơn nữa. Bởi cạnh tranh bây giờ khác hơn nhiều so với 5 năm trước.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng do doanh nghiệp hiện còn rất ít các tài sản đảm bảo để thế chấp, tiếp cận các quỹ hỗ trợ phát triển cũng không hề dễ dàng…
CẦN NHIỀU GIẢI PHÁP THÁO GỠ
Để hỗ trợ doanh nghiệp Thủ đô vượt qua khó khăn, với vai trò là cánh tay nối dài của các cơ quan quản lý nhà nước, ông Mạc Quốc Anh cho biết Hiệp hội luôn phát huy vai trò, chức năng và nhiệm vụ được giao là tập hợp, giúp đỡ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thành phố.
Là cầu nối cho sự hợp tác kinh tế giữa các doanh nghiệp hội viên thuộc mọi thành phần kinh tế nhằm mục đích nâng cao khả năng kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nền kinh tế hội nhập và phát triển.
Giúp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, Hiệp hội luôn tích cực góp ý, kiến nghị các bộ ngành, Chính phủ khi xây dựng các văn bản pháp lý kinh doanh.
Bên cạnh đó, đào tạo và đào tạo lại lao động, huấn luyện, nâng cao khả năng quản trị, tay nghề của người lao động đang làm việc ở các khu và cụm công nghiệp.
Đặc biệt trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ phối hợp với các trường đào tạo trên thành phố nhằm hướng nghiệp, thực hiện các dự án khởi nghiệp của sinh viên, cung ứng nguồn lao động có chất lượng cho các doanh nghiệp.
Vấn đề lương, phúc lợi cũng được Hiệp hội và doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với nhau cùng với các tổ chức công đoàn, cấp ủy giúp người lao động có mức lương đảm bảo, nhiều phúc lợi… như vậy mới giữ chân được người lao động.
Tăng cường sự liên kết nội khối, đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu nhất là các lĩnh vực chủ lực như nông nghiệp, công nghiệp, thực phẩm…
Đồng thời, làm việc chặt chẽ với các hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng để có các giải pháp tài chính giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay thuận lợi hơn, lãi suất phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm điều kiện cho vay, nâng mức cho vay tín chấp khoảng 35% trên tổng số vốn vay.
Ngoài ra, Hiệp hội tập trung vào một số hoạt động do Thành phố và Trung ương giao, như cụ thể hóa các giải pháp, chương trình, đặc biệt là Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực thi từ năm 2018.
Đẩy mạnh đối thoại với cơ quan quản lý để tháo gỡ khó, các thủ tục về thuế, hải quan, cấp phép chứng nhận đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Lễ tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp Thăng Long năm 2024, hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ Đô (10/10/1954 - 10/10/2024) với chủ đề: “Doanh nghiệp - Động lực phát triển kinh tế Thủ Đô” dự kiến diễn ra vào tối 29/9/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Đây là một sự kiện thường niên do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội tổ chức, nhằm tôn vinh những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong quá trình sản xuất kinh doanh, tích cực đóng góp vào hoạt động của Hiệp hội và các chương trình an sinh xã hội, qua đó nhằm lan tỏa giá trị đến cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.