Gỡ 'nút thắt' nguồn nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ
Trong bối cảnh xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng đang mở ra nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước phát triển, bài toán nguồn nhân lực càng trở nên cấp thiết hơn để các doanh nghiệp (DN) có thể nâng cao năng lực sản xuất, tự tin cạnh tranh nhờ việc đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của chuỗi giá trị.
Ông Cao Văn Bình, Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, hiện nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật, có tay nghề cao hiện nay còn hạn chế cả về số lượng và trình độ, là trở ngại lớn của nhiều DN hoạt động trong ngành như cơ khí, chế biến chế tạo, thiết bị linh phụ kiện điện, điện tử... Việc thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và tay nghề cao đã khiến nhiều DN tốn không ít nguồn lực, chi phí khi sau khi tuyển dụng xong thì phải gần như đào tạo lại để phù hợp với trình độ chuyên môn và mục tiêu sản xuất kinh doanh của DN. Mặc dù gần đây, Cục Công nghiệp giao Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp triển khai các chương trình hỗ trợ DN, trong đó có việc đào tạo nâng cao nguồn nhân lực. Theo đó, hàng trăm chuyên gia, kỹ sư đã được đào tạo để giúp DN nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nhưng con số này là rất nhỏ trong khi số lượng nhân sự mà ngành cần là rất lớn.
Ở góc độ DN, ông Lê Quý Thành, Giám đốc Nhà máy TOMECO An Khang cho rằng, ngành CNHT có tính chuỗi, tính hệ thống và chuyên nghiệp cao, do vậy, nhân lực ngành CNHT phải có nhiều kiến thức, am hiểu để đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu của chuỗi. Đồng thời, phải đảm bảo đủ năng lực vận hành hệ thống số để đồng hành cùng quá trình chuyển đổi số tại DN. "DN luôn luôn có nhu cầu, có mong muốn sử dụng những nguồn nhân lực chất lượng cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình ở mọi cấp độ, từ cấp độ quản lý cao cấp đến cấp độ những người lao động trực tiếp", ông Thành nói.
Tương tự, đối với ngành điện tử, ông Phùng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Manutronic Việt Nam cũng cho rằng, nhiều yêu cầu, tiêu chuẩn đặt ra với DN ngành điện tử. Theo đó, nhân lực chất lượng cao là bài toán sống còn cho DN nếu muốn tham gia vào chuỗi. Bởi, hiện theo xu hướng về chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu và Việt Nam bây giờ đang là một trong những điểm đến vô cùng hấp dẫn của tất cả các DN và các tập đoàn trên thế giới trong xu hướng chuyển dịch này. Sự chuyển dịch này cũng dẫn đến một xu thế là vừa tạo ra cơ hội và vừa có cả thách thức. Trong đó là sự đáp ứng được những yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao từ phía đối tác. Để đáp ứng được điều này thì DN phải có được một nguồn lực nhất định để tiếp nhận khoa học kỹ thuật, có năng lực để có thể tiếp nhận và chuyển giao những công nghệ mà các tập đoàn họ chuyển dịch sang bên Việt Nam. Đây là những yếu tố thách thức DN. Do vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố hay có thể nói khác là một trong những giá trị cốt lõi có thể quyết định sự thành công và hội nhập, nắm bắt được những cơ hội trong xu thế mà chúng ta đang có được cơ hội chuyển dịch từ tất cả các tập đoàn sang Việt Nam. Bên cạnh đó, để thu hút được nguồn nhân lực, DN chủ động tổ chức cho sinh viên các trường đến tìm hiểu công việc thực tế tại DN.
Ở góc độ đào tạo, TS Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, đào tạo bám sát với nhu cầu của DN mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhà trường đang có 12 chương trình đào tạo theo nhu cầu và tuyển dụng trước khi tốt nghiệp với các đối tác DN FDI đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay là Đài Loan (Trung Quốc), cụ thể như: Nissan, LG,… Có trên 1.000 sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội đang tham gia những chương trình này và các em đã được hưởng lương từ DN ngay từ đầu năm thứ ba hoặc đầu năm thứ tư. Kết quả thực tế cho thấy, tại Đại học Công nghiệp Hà Nội tỷ lệ việc làm những năm gần đây rất cao. Tại thời điểm mà các sinh viên nhận bằng thì trung bình toàn trường tỷ lệ này đạt khoảng 84 - 85%, còn sau 6 tháng đến 1 năm thì trung bình toàn trường có 95% sinh viên có việc làm, trong đó nhiều ngành nghề đào tạo thuộc lĩnh vực công nghiệp và CNHT thì 100% sinh viên đều có việc làm sau 6 tháng đến 1 năm.
"Với nhóm giải pháp như vậy, cùng sự vào cuộc tích cực, chủ động từ cả hai phía DN và nhà trường thì chúng tôi cho rằng bài toán nhân lực chất lượng cao cho DN và việc xóa khoảng cách, xóa độ vênh giữa đào tạo với sử dụng chắc chắn sẽ được giải quyết triệt để", TS Kiều Xuân Thực chia sẻ.
Để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao một cách đồng đều và đảm bảo kết quả đầu vào, đầu ra giữa các học viên, sinh viên cũng như các DN, ông Cao Văn Bình cho rằng, cần có sự phối hợp chia sẻ thông tin từ phía các DN với các cơ sở đào tạo về nhu cầu tuyển dụng và mục tiêu, mục đích đặt ra mà trong quá trình phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh để liên kết chặt chẽ hơn, tạo việc làm cho các lao động có tay nghề, trình độ cao. Mặt khác, tại DN, đôi khi mức độ tiền lương hoặc kinh phí chi trả cũng chưa hấp dẫn, dẫn đến hạn chế trong tuyển dụng được lao động chất lượng cao. Do vậy, mong rằng các DN cũng cần có các cơ chế, giải pháp để làm sao thu hút được nhiều hơn nguồn nhân lực chất lượng cao này phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh của mình.