Gỡ nút thắt pháp lý để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp
Thời gian qua, hệ thống pháp luật nước ta đã có nhiều cải cách tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn nhìn nhận hệ thống pháp luật kinh doanh hiện nay vẫn còn phức tạp, thiếu minh bạch, thiếu đồng bộ và còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tiễn.
Nhằm nhận diện những bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành và tìm giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, sáng nay (14/7), Bộ Tư pháp phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh và kiến nghị”. Đây là bước đi cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị, với mục tiêu tháo gỡ rào cản pháp lý, tạo động lực phát triển kinh tế bền vững trong giai đoạn mới.

Các đại biểu tham dự hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, thời gian qua hệ thống pháp luật nước ta đã có nhiều cải cách tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, cần phải thẳng thắn nhìn nhận hệ thống pháp luật kinh doanh hiện nay vẫn còn phức tạp, thiếu minh bạch, thiếu đồng bộ và còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tiễn.
Phó Tổng Thư ký VCCI, ông Đậu Anh Tuấn nêu rõ, dù đã có nhiều nỗ lực cải cách trong hơn 20 năm qua, cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn do các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, hoặc không rõ ràng. Dưới góc nhìn thực tiễn, các bất cập tập trung vào ba nhóm lớn: thủ tục hành chính còn phức tạp, quy định pháp luật không rõ ràng hoặc khó thực hiện, và những yêu cầu tạo gánh nặng chi phí tuân thủ. Đáng chú ý, có những quy định đã tồn tại gần hai thập niên, nay không còn phù hợp, trong khi một số văn bản pháp luật mới ban hành trong năm 2025 lại sớm bộc lộ điểm nghẽn ngay khi triển khai. Một số lĩnh vực trọng điểm như đất đai, đầu tư, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, đổi mới sáng tạo… đang được khuyến khích phát triển song lại gặp nhiều trở ngại do quy định pháp lý chưa đồng bộ, gây chậm trễ trong triển khai và làm giảm hiệu quả đầu tư.

Phó Tổng Thư ký VCCI, ông Đậu Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo
Phó Tổng Thư ký VCCI, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý là nhu cầu cần thiết, song cũng là thách thức lớn. Hiện nay, khối lượng công việc rất lớn và đang kỳ vọng rất cao, đây cũng là một cơ hội để chúng ta cải cách mạnh mẽ môi trường pháp lý về kinh doanh của Việt Nam giai đoạn tới. Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 66 và triển khai quyết liệt các hành động thực hiện Nghị quyết đã tạo ra niềm tin và kỳ vọng mới cho cộng đồng doanh nghiệp. Chúng tôi tin rằng môi trường pháp lý minh bạch ổn định sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
Đại diện của các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp cũng cho biết, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong các quy định và thực thi pháp luật về đầu tư, thuế và quy định chuyên ngành…

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo
Bà Lê Thị Xuân Huế, Phó Giám đốc Bower Group Asia nêu thực tế: Một số dự án đã được Thủ tướng chấp thuận thí điểm trong một số trường hợp đặc biệt, tức là đã qua một vòng hoàn toàn tương tự như thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư rồi- Tuy nhiên sau khi có quyết định thí điểm thì cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, cụ thể là Bộ Tài chính vẫn yêu cầu phải làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư vì Luật Đầu tư quy định như thế rồi, thế là doanh nghiệp lại làm lại một vòng nữa, quy trình y hệt như vậy, vẫn là xin ý kiến các Bộ, ngành và vẫn lại trình lên Thủ tướng một bộ hồ sơ y hệt như thế. Việc này nó làm chậm lại quy trình, làm mất cơ hội của Việt Nam và làm ảnh hưởng đến cả nhiều vấn đề lớn khác.
Các đại biểu cũng đưa ra kiến nghị, để tháo gỡ những điểm nghẽn về pháp luật các bộ, ngành đặc biệt là những đơn vị trực tiếp quản lý lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp cần chủ động tổ chức các hội thảo lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp, rà soát và có quyết tâm tháo gỡ vướng mắc thực chất. Cùng với đó, nên duy trì phương thức sửa đổi pháp luật theo chủ đề ưu tiên góp phần tạo sự phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú nhấn mạnh, Nghị quyết số 66 của Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu rất rõ: trong năm 2025 phải cơ bản tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý, tạo môi trường ổn định, minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp. Từ đó nhằm phát triển kinh tế xã hội để đạt được mục tiêu phát triển hai con số. Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ tập trung phối hợp cùng các cơ quan liên quan đề xuất sửa đổi nhiều luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Khoáng sản, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn… để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2025. Đối với các nội dung mang tính chất cấp bách, có thể xử lý trước thông qua Nghị quyết của Chính phủ theo cơ chế đặc biệt đã được Quốc hội đồng ý. Quá trình xử lý phải bảo đảm công khai, minh bạch, có sự tham gia đầy đủ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, trong đó cộng đồng doanh nghiệp là chủ thể đồng hành trung tâm.