Gỡ 'nút thắt' trong công tác quản lý, bảo vệ các công trình đê điều, thủy lợi

Trước tình hình các vụ vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi tồn đọng và tiếp tục phát sinh mới, Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vi phạm. Đồng thời đề nghị tỉnh có giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực quản lý, khai thác, đảm bảo an toàn các công trình đê điều, thủy lợi, phát huy tối ưu hiệu quả phục vụ sản xuất và phòng, chống thiên tai.

Cán bộ Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên kiểm tra vi phạm xây dựng lấn chiếm lòng sông Cà Lồ tại phường Tiền Châu (Phúc Yên). Ảnh: Nguyễn Lượng

Cán bộ Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên kiểm tra vi phạm xây dựng lấn chiếm lòng sông Cà Lồ tại phường Tiền Châu (Phúc Yên). Ảnh: Nguyễn Lượng

Hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện có 452 hồ đập, 447 trạm bơm, hơn 6.000 km kênh tưới các loại; hệ thống đê điều bao gồm 4 tuyến đê sông chính từ cấp I đến cấp III với tổng chiều dài 95,7 km, 4 tuyến đê cấp IV với chiều dài 22,2 km, 2 tuyến đê cấp V với chiều dài 38,4 km.

Thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đê điều, thủy lợi, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với chính quyền địa phương, các Công ty TNHH MTV thủy lợi tăng cường công tác quản lý, kịp thời tham mưu, đề xuất cấp trên đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình đảm bảo khả năng vận hành an toàn, ổn định, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương, số vụ vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi phát sinh mới giai đoạn 2023 - 2024 đã giảm, song số vụ vi phạm tồn đọng còn nhiều, vẫn tiếp tục phát sinh vi phạm mới.

Lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Lô đoạn qua xã Đức Bác, huyện Sông Lô. Ảnh: Nguyễn Lượng

Lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Lô đoạn qua xã Đức Bác, huyện Sông Lô. Ảnh: Nguyễn Lượng

Từ năm 2015 - 2021, toàn tỉnh còn tồn đọng 242 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi. Năm 2024, trên địa bàn tỉnh phát sinh mới 6 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, 17 vụ vi phạm pháp luật về đê điều. Lũy kế hết năm 2024, toàn tỉnh còn tồn đọng hơn 170 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, đảm bảo an toàn các công trình đê điều, thủy lợi. Hiện nay, UBND tỉnh chưa ban hành đơn giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, dẫn đến khó khăn trong việc thanh, quyết toán kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Trong lĩnh vực đê điều, theo quy định của Luật Đê điều, việc xây dựng công trình tại bãi sông phải phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều, tuy nhiên, tỉnh chưa xác định được cụ thể vị trí, diện tích các khu dân cư tập trung được tồn tại, bảo vệ và bố trí mặt bằng tái định cư, gây khó khăn trong việc xây dựng, thẩm định các nội dung liên quan đến phương án thoát lũ, an toàn đê điều đối với các dự án phát triển KT - XH thực hiện ngoài bãi sông.

Đê tả sông Hồng đoạn qua địa phận huyện Yên Lạc thường xuyên được nâng cấp, cải tạo trước mùa mưa bão. Ảnh: Nguyễn Lượng

Đê tả sông Hồng đoạn qua địa phận huyện Yên Lạc thường xuyên được nâng cấp, cải tạo trước mùa mưa bão. Ảnh: Nguyễn Lượng

UBND tỉnh chưa ban hành quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cấp phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều trên địa bàn tỉnh, dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý trong hoạt động cấp phép liên quan đến đê điều, đặc biệt đối với các tuyến đê cấp IV, cấp V.

Việc thực hiện Kế hoạch cắm mốc giới hành lang bảo vệ đê, cột lý trình đê ngoài thực địa giai đoạn 2024 - 2026 chưa được triển khai do tỉnh chưa phân bổ nguồn vốn; một số công trình cải tạo, nâng cấp đê điều chậm hoàn thiện, gây khó khăn trong việc xác định tải trọng cho phép đối với xe cơ giới đi trên đê...

Trong vấn đề xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi, phần lớn các vi phạm tồn đọng kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm do một số địa phương đã giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngoài bãi sông sai quy định, gây khó khăn trong việc xây dựng đường hành lang chân đê, trong khi đó, nhiều vi phạm đã hết thời hạn lập biên bản xử lý vi phạm hành chính.

Một số địa phương vẫn để xảy ra tình trạng xây dựng công trình trái phép trên phạm vi hành lang bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi, tập kết vật liệu tại bãi sông, gây cản trở dòng chảy thoát lũ, nhiều vi phạm chưa được phát hiện kịp thời, để vi phạm phát triển vượt thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương, gây khó khăn trong công tác xử lý.

Để gỡ “nút thắt” trong công tác quản lý, bảo vệ các công trình đê điều, thủy lợi, tỉnh cần xem xét, sớm ban hành đơn giá sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi; bố trí kinh phí thực hiện quy định theo Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn của Trung ương như cắm mốc giới hành lang bảo vệ công trình, xây dựng cơ sở dữ liệu hồ đập, lắp đặt hệ thống giám sát, cảnh báo an toàn tại các công trình đê điều, thủy lợi có vị trí xung yếu, quan trọng…

Đối với việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra, rà soát các hợp đồng giao đất, cho thuê đất ngoài bãi sông, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Hoàng Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/123855//go-%E2%80%9Cnut-that%E2%80%9D-trong-cong-tac-quan-ly-bao-ve-cac-cong-trinh-de-dieu-thuy-loi