Gỡ rào cản để phát triển thương mại điện tử

Trong vài năm gần đây, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) ở Đồng Nai ngày càng được mở rộng. Sự đa dạng về mô hình, đối tượng tham gia, quy trình hoạt động và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ với sự hỗ trợ của hạ tầng internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa TMĐT trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số.

Các doanh nghiệp tham quan gian hàng về các giải pháp chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử tại hội thảo chuyển đổi số doanh nghiệp TP.Biên Hòa vào cuối năm 2022. Ảnh: HẢI HÀ

Các doanh nghiệp tham quan gian hàng về các giải pháp chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử tại hội thảo chuyển đổi số doanh nghiệp TP.Biên Hòa vào cuối năm 2022. Ảnh: HẢI HÀ

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, ưu điểm, việc phát triển TMĐT ở các địa phương, trong đó có Đồng Nai, vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập. Hạ tầng, dịch vụ TMĐT cần được chú trọng triển khai nhiều hơn nữa trong thời gian tới để góp phần xây dựng một thị trường trực tuyến lành mạnh, gia tăng tiện ích cho người dân, cũng như quảng bá, phát triển thị trường cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương.

* Gặp nhiều khó khăn

TMĐT là một trong những nơi phải cập nhật nhanh nhất để ứng phó trước thị hiếu, xu thế của thời đại. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều địa phương, doanh nghiệp (DN) đang loay hoay trong lĩnh vực TMĐT, gặp khó khăn trong công tác nhân sự về phát triển TMĐT.

Theo Sở Công thương, việc phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh đang gặp phải những khó khăn nhất định. Trong đó, nhân sự phục vụ công tác phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh còn khá mỏng nên việc tập trung phát triển TMĐT đạt kết quả khá khiêm tốn.

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh năm 2023. Kế hoạch hướng tới xây dựng, phát triển hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ phát triển TMĐT; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức về TMĐT…

Nhiều người tiêu dùng chia sẻ, thị trường TMĐT hiện đã trở nên sôi động hơn và người dân dễ dàng ứng dụng công nghệ số để mua hàng trực tuyến thông qua các phương tiện điện tử. Tuy nhiên, chỉ những sàn TMĐT lớn, TMĐT xuyên biên giới phổ biến toàn cầu, quy mô lớn mới thực sự dễ tiếp cận; còn các sàn TMĐT địa phương như Đồng Nai vẫn chưa xứng với tiềm năng.

Anh Thiên Bảo (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho hay: "Nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam tại thị trường nội địa vô cùng lớn. Do đó, để đáp ứng nhu cầu mới phát sinh của thị trường, tận dụng cơ hội phát triển ngay tại địa phương, sàn TMĐT của Đồng Nai cần hoàn thiện thêm hạ tầng cơ sở và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ đa dạng các hình thức thanh toán điện tử khác nhau, đặc biệt là tối ưu hóa quy trình đặt hàng, vận chuyển hàng hóa để sản phẩm địa phương ngày càng đến gần hơn với mọi nhà".

Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) Lục Văn Thủy cho biết, thực tế trong năm qua, chỉ tiêu số lượng thương nhân trên địa tỉnh tham gia hoạt động giao dịch trên Sàn giao dịch TMĐT Đồng Nai (ecdn.vn) chưa đạt mục tiêu, kế hoạch đặt ra. Do đó, Sở cũng đề nghị các địa phương tăng cường vận động, tuyên truyền, thuyết phục DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tích cực tham gia sàn ecdn.vn…

* Cần thêm các giải pháp dài hơi

Theo báo cáo Chỉ số TMĐT (EBI) Việt Nam năm 2023 được Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) công bố vào tháng 4-2023, TP.HCM tiếp tục dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số EBI với 89,2 điểm, thứ 2 là Hà Nội với 85,7 điểm. Trong khi đó, chỉ số EBI của Đồng Nai xếp thứ 6 cả nước (giảm 1 bậc so với năm trước đó) với 25,9 điểm.

Chủ tịch Vecom Nguyễn Ngọc Dũng nhận định, vị trí của Đồng Nai nằm gần TP.HCM - địa phương dẫn đầu cả nước về TMĐT. Điều này vừa mang lại những cơ hội cũng như thách thức cho Đồng Nai trong lĩnh vực TMĐT. Để nâng cao chỉ số TMĐT, các địa phương, trong đó có Đồng Nai, cần từng bước nâng cao các chỉ số thành phần gồm: chỉ số phát triển nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, chỉ số về giao dịch giữa DN với người tiêu dùng, chỉ số giao dịch giữa DN với DN…

Đồ họa thể hiện một số mục tiêu trong kế hoạch Phát triển thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai năm 2023 của UBND tỉnh (Đồ họa: HẢI HÀ)

Đồ họa thể hiện một số mục tiêu trong kế hoạch Phát triển thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai năm 2023 của UBND tỉnh (Đồ họa: HẢI HÀ)

Việc phát triển TMĐT cần nằm trong sự phát triển “hệ sinh thái” về chuyển đổi số như: phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, hạ tầng logistics, hoạt động khai báo thuế điện tử, khai báo hải quan điện tử, hóa đơn điện tử, chữ ký số điện tử…; cũng như đa dạng các tiện ích, đảm bảo hạ tầng, server (máy chủ) về quản lý, điều hành phát triển sàn TMĐT của địa phương.

Ông Lục Văn Thủy cho biết thêm, nhằm đảm bảo công tác vận hành, quản lý, bảo mật thông tin Sàn giao dịch TMĐT Đồng Nai (ecdn.vn), Sở Công thương đề nghị Sở TT-TT hỗ trợ và tạo điều kiện để chuyển dữ liệu sàn ecdn.vn về đặt tập trung tại server của Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh (Data Center).

Cùng với đó, công tác đảm bảo chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ người tiêu dùng đối với các kênh TMĐT, dịch vụ số cần được quan tâm, chú trọng. Bởi việc mua hàng online ngày nay quá dễ dàng, nhưng đi kèm với đó là vấn nạn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng cũng phổ biến.

Chị Như Phụng (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) chia sẻ: "Các chủ thể, DN kinh doanh của địa phương cần tạo thêm chương trình, chính sách, giải pháp khuyến khích hoạt động đánh giá tín nhiệm website TMĐT. Để các sàn TMĐT nói chung và sàn TMĐT Đồng Nai nói riêng tạo được dấu ấn, niềm tin thì các đơn vị, DN cần hoàn thiện sản phẩm, nâng cao giá trị, chất lượng hàng hóa xuất xứ từ địa phương".

Hoàng Hải

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202306/go-rao-can-de-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-3168730/