Gỡ 'thẻ vàng' EC: Quản lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là bài toán lớn
Quản lý đội tàu và ngăn chặn tàu vi phạm đánh bắt cá trên vùng biển nước ngoài là điều kiện tiên quyết để gỡ thẻ vàng của EC trong thời gian tới.
Nỗ lực gỡ "thẻ vàng" EC
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định số 81 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động chống IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 4.
Đáng chú ý, theo quyết định trên, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra 12 yêu cầu toàn diện, điển hình như kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn/trạm biên phòng tuyến biển; kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định đảm bảo thiết bị giám sát tàu cá hoạt động liên tục 24/24h từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng; theo dõi, giám sát 24/7 việc 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá…
Các yêu cầu này được đưa ra bám sát với 4 nhóm khuyến nghị của EC bao gồm: Khung pháp lý; quản lý, theo dõi, giám sát tàu cá; truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay đã có 6 vụ tàu cá của Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận đánh bắt cá vi phạm vùng biển nước ngoài, chủ yếu vùng biển của Malaysia, trong đó Bình Định 3 tàu, Khánh Hòa 1 tàu và Bình Thuận 2 tàu.
Trước thực trạng trên, với thời gian 180 ngày chạy nước rút trước lần kiểm tra thứ 4 của EC về chống khai thác IUU tại Việt Nam, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) chia sẻ: “Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp rất chặt chẽ với các bộ ngành thông qua làm việc trực tiếp với địa phương có số tàu cá vi phạm nhiều nhất.
Đồng thời, tổ chức các hội nghị chuyên đề xoay quanh vấn đề giải pháp chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vì đây là điều kiện tiên quyết để Ủy ban châu Âu EC tháo cảnh báo thẻ vàng với thủy sản Việt Nam”.
Ông Hùng bộc bạch, Việt Nam đã bị EC cảnh báo thẻ vàng tính đến nay là hơn 5 năm, đây là thời gian dài, đủ để chúng ta phấn đấu với mục tiêu gỡ cảnh báo trong năm 2023 theo Quyết định của Thủ tướng. Chính vì vậy, việc triển khai dồn dập, liên tục nhiều nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo sẽ tạo ra áp lực giúp xử lý hết các tồn tại hiện có.
Liên quan đến vụ 6 tàu cá của các tỉnh bị bắt do vi phạm vùng biển nước ngoài, vị Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản cho biết, đa số các tàu đều thuộc loại tàu 15 mét. “Thực tế, những tàu dưới 15 mét chỉ được khai thác ở vùng bờ và vùng lợ, nếu những tàu này ra vùng khơi là vi phạm pháp luật về thủy sản”, ông Hùng cho biết.
Đánh mạnh vào đối tượng cố tình vi phạm
Là một trong những địa phương có tàu cá vi phạm, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Quốc Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chia sẻ, kiểm soát tàu cá ra vào cảng là điều rất khó khăn, chưa thể thực hiện được bởi rất nhiều rào cản.
Vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang lấy ví dụ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài báo về sẽ lập tức giao lực lượng biên phòng xử lý và phải thu thập đầy đủ các bằng chứng, giấy tờ phía bạn (nước ngoài). Tuy nhiên, thông thường phía bên bạn không cung cấp. Lực lượng biên phòng phải thông qua kênh Bộ Ngoại giao nhưng cũng rất khó lấy giấy tờ bên bạn, nếu có thì chỉ là bản photo.
Trong khi đó, khi ra tòa, với các giấy tờ và điều kiện không đủ, tòa sẽ hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính của chính quyền cũng như không tịch thu tàu được vi phạm.
Ngoài ra, đối với Kiên Giang với 200km đường biển, 100 cửa sông, các chủ tàu thường sống gần cửa sông nên đậu tàu ở cửa sông, bến cóc mà không vào các cảng cá chỉ định. Do đó, với quy định 100% tàu ra vào đều phải được giám sát gặp rất nhiều trở ngại.
Từ những khó khăn trên, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang kiến nghị cần có những giải pháp kiên quyết, đánh mạnh vào những đối tượng vì lợi ích kinh tế vẫn cố tình vi phạm.
Để giải quyết vấn đề trên, đại diện Tổng cục Thủy sản cho rằng, biên phòng tất cả các cửa sông, cửa biển kết hợp với lực lượng tuần tra, kiểm tra cần phải sát sao với hành trình rời bến của tàu cá tại các cảng được chỉ định. Như vậy chúng ta mới có thể ngăn chặn được hành vi bất hợp pháp xảy ra.
Không chỉ vậy, các biện pháp xử phạt sẽ được Bộ NN&PTNT tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp đề hoàn thiện sớm nhất về Nghị định 42 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, trong đó có nội dung về xử phạt nguội.
“Đây là vấn đề mấu chốt mà chúng ta phải giải quyết trong thời gian tới bởi nếu như không quản lý được đội tàu và tàu còn vi phạm vùng biển nước ngoài thì EC không gỡ thẻ vàng”, ông Hùng nhấn mạnh.
Về việc việc thành lập các chi cục kiểm ngư tại các địa phương, ông Hùng cho biết, trong Quyết định 81 của Thủ tướng đã yêu cầu các tỉnh sớm thành lập kiểm ngư địa phương cũng như trong đề án IUU chỉ rõ tất cả các địa phương phấn đấu cố gắng trong năm 2023 phải kiện toàn và thành lập lực lượng kiểm ngư địa phương.
"Tất nhiên không bắt buộc phải thành lập trong 28 tỉnh. Nhưng tất cả những tỉnh có số lượng tàu cá lớn và hiện nay còn vi phạm khai thác IUU phải thành lập lực lượng kiểm ngư địa phương và hoàn thành dứt điểm trong năm 2023", ông Hùng nói.
Bên cạnh đó, ông Hùng nhấn mạnh, để thực hiện tốt công tác trên, người đứng đầu địa phương phải quan tâm và trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát với quyết tâm chính trị lớn. Các tiêu chí nhiệm vụ trong quyết định cũng đã nêu rất rõ các địa phương trong hàng tháng phải báo cáo với Bộ NN&PTNT kết quả thực hiện.
Theo ông Hùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT nêu rõ tỉnh nào làm được gì, tỉnh nào không và cụ thể trách nhiệm người đứng đầu. Từ đó, Thủ tướng sẽ có giải pháp kiểm điểm, phê bình cụ thể đối với người đứng đầu địa phương.