Gỡ vướng cả thủ tục pháp lý và vốn mới hiệu quả

Ông Lê Trọng Khương - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hưng Thịnh - cho rằng, để dòng vốn này có thể chảy vào thị trường, cần phải tháo gỡ vướng mắc về pháp lý. Thực tế, để được ngân hàng cho vay, dự án phải có giấy phép xây dựng.

Trong khi đó, một dự án để ra được giấy phép xây dựng phải mất mấy năm mới xong. “Đề nghị Chính phủ, các bộ ngành và địa phương cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án để đưa sản phẩm ra ngoài thị trường và đủ điều kiện để doanh nghiệp, người dân dễ dàng tiếp cận được vốn từ ngân hàng”, ông Khương nói.

Chung cư HQC Plaza ở huyện Bình Chánh là một trong nhiều dự án NƠXH ở TPHCM từng được hưởng lợi từ gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng

Chung cư HQC Plaza ở huyện Bình Chánh là một trong nhiều dự án NƠXH ở TPHCM từng được hưởng lợi từ gói ưu đãi 30.000 tỷ đồng

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành chia sẻ, để triển khai được NƠXH cần 3 chủ thể là Nhà nước, doanh nghiệp, người dân. Đầu tiên, doanh nghiệp phải làm NƠXH thì mới có nhà cho người dân mua. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, chính sách hỗ trợ chỉ tập trung trợ giúp người mua, không hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho người làm ra NƠXH. Bằng chứng là ngân hàng chỉ hỗ trợ lãi suất, tiền cho người vay mua NƠXH. Nhưng hỏi có nguồn tiền nào để cho doanh nghiệp làm ra NƠXH vay thì xin thưa là không.

Một vấn đề khác được ông Nghĩa nêu ra và cho rằng đó là nguyên nhân khiến doanh nghiệp ít mặn mà khi làm NƠXH là: Làm không có lời “Nhà nước hãy tạo một cơ chế rõ ràng, đầy đủ mà ngắn gọn, không rườm rà, không phức tạp, đó sẽ là trợ lực lớn nhất cho doanh nghiệp”, ông Nghĩa nói.

Công ty Thiên Phát là chủ đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân tại Khu Chế xuất Linh Trung II với 360 căn hộ, có thể đáp ứng 1.000 chỗ ở cho công nhân nhưng đón nhận thông tin sẽ có gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng, lãnh đạo doanh nghiệp này không kỳ vọng nhiều. “Sẽ còn một chặng đường rất dài, chính sách này mới đi vào cuộc sống. Gói tín dụng 110.000 tỷ đồng sẽ hỗ trợ cho người mua nhà, còn cái doanh nghiệp cần là cán bộ dám quyết, dám làm và dám ký để dự án nhanh chóng triển khai”, lãnh đạo Công ty Thiên Phát nói.

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, câu chuyện về phát triển NƠXH là cần tháo gỡ vướng mắc về luật. “Các quy định trong luật do chính con người làm ra sao chúng ta không sửa? Việc đẩy mạnh phát triển NƠXH cơ quan Nhà nước nói từ nửa năm nay nhưng chưa có văn bản nào được ban hành cụ thể. Doanh nghiệp cần cụ thể”, ông Nghĩa nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, quy trình thủ tục đầu tư dự án NƠXH của doanh nghiệp tư nhân rất rắc rối, nhiêu khê hơn thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại và rất cần được khắc phục.

Để đẩy nhanh việc phát triển NƠXH, Sở Xây dựng TPHCM đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn cách xác định chi phí đầu tư hạ tầng và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khi chủ đầu tư bàn giao lại quỹ đất phát triển NƠXH bằng 20% diện tích dự án nhà ở thương mại. Trong đó, Bộ Xây dựng cần hướng dẫn cách xác định chi phí, cơ quan chủ trì thẩm định, phê duyệt chi phí và cách thanh toán cho chủ đầu tư. Sở Xây dựng TPHCM cũng kiến nghị đơn giản hóa các thủ tục đầu tư xây dựng NƠXH.

Duy Quang

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/go-vuong-ca-thu-tuc-phap-ly-va-von-moi-hieu-qua-post1511633.tpo