Gỡ vướng các dự án đường dây truyền tải điện đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Quy hoạch chung của tỉnh Thanh Hóa có một số dự án truyền tải mới đang vướng về hướng tuyến mặc dù đã được tỉnh thông qua tại các quy hoạch trước.

Ông Nguyễn Tuấn Tùng, Chủ tịch Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Tuấn Tùng, Chủ tịch Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 16/6 ở Hà Nội, ông Nguyễn Tuấn Tùng, Chủ tịch Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo Tổng Công ty tập trung triển khai sớm các đường dây theo quy hoạch phát triển điện lực được duyệt để truyền tải cung cấp điện cho miền Bắc từ cuối năm nay.

Đó là các đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa, Thanh Hóa -Nam Định 1 và đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống đi qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Với tính chất quan trọng của các dự án, tại cuộc họp này, hai bên đã nêu các giải pháp nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng và thi công các dự án để triển khai và sớm đưa vào vận hành các dự án này.

Ông Trương Hữu Thành, Phó Tổng giám đốc EVNNPT cũng cho biết hiện Quy hoạch chung của tỉnh có một số dự án truyền tải mới đang vướng về hướng tuyến mặc dù đã được tỉnh thông qua tại các quy hoạch trước. Vì vậy ông Thành đề nghị tỉnh Thanh Hóa cố định hướng tuyến các dự án này để tránh phải phê duyệt lại.

Tại buổi làm việc, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng trong giai đoạn hiện nay việc cung cấp điện ở các tỉnh thành miền Bắc nói chung và Thanh Hóa nói riêng rất quan trọng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 dự án trên đang được triển khai. Liên quan đến các dự án này, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực và tạo điều kiện phối hợp với chủ đầu tư trong giải quyết các thủ tục liên quan đến giải phóng mặt bằng.

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cam kết cùng gỡ khó khăn cho các dự án của EVNNPT. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cam kết cùng gỡ khó khăn cho các dự án của EVNNPT. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh trong tuần sau như Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh sẽ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư văn bản về sự phù hợp quy hoạch sử dụng đất; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt quyết định trồng rừng thay thế và khẩn trương giải phóng đường hành lang tuyến và diện tích làm cột trên địa bàn huyện Nghi Sơn; Sở Công Thương trình UBND tỉnh phê duyệt hướng tuyến dự án 500kV Thanh Hóa - Nam Định 1.

Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) cho biết hiện đơn vị đang triển khai xây dựng trạm 220kV Nghi Sơn và đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa. Trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng và thi công các dự án này đang vướng về chuyển đổi đất rừng khi chưa có chủ trương đầu tư; thỏa thuận tuyến.

Ông Hoàng Văn Tuyên, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) cho biết đơn vị cũng đang thực hiện 4 dự án đường dây và trạm qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, Dự án đường dây 220kV trạm cắt Nậm Sum - Nông Cống (phần đường dây đi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa) hiện cũng đang vướng về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với rừng tự nhiên và rừng trồng.

Dự án này có điểm đầu Điểm đấu nối G1 nằm sát biên giới Việt Nam - Lào trên lãnh thổ Việt Nam (điểm nối này nối đi trạm cắt Nậm Sum trên lãnh thổ Lào); Điểm cuối là trạm biến áp (TBA) 220kV Nông Cống. Dự án có cấp điện áp 220kV, 2 mạch, chiều dài 129,95 km với 299 vị trí móng cột và 99 khoảng néo. Riêng đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa, gồm 125 vị trí và 47 khoảng néo với chiều dài 51,9 km, đi qua địa bàn 3 huyện: Như Xuân, Như Thanh và Nông Cống. Hiện NPMB đã tạm ứng tiền và bàn giao mặt bằng được 98/125 vị trí.

Theo ông Hoàng Văn Tuyên, đến nay việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tại dự án này chưa được phê duyệt. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục yêu cầu tỉnh có ý kiến giải trình. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã soạn thảo văn bản trả lời Bộ và trình UBND tỉnh ký duyệt.

Về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với rừng trồng, NPMB cũng đã có Công văn số 2480/NPMB-ĐB gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc đề nghị cho phép triển khai thi công các vị trí trên diện tích đất rừng trồng, song song với quá trình thực hiện phương án trồng rừng thay thế. Tuy nhiên đến nay chưa có ý kiến trả lời của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Liên quan đến giải phóng mặt bằng, theo ông Tuyên, huyện Như Thanh chưa phê duyệt phương án bồi thường đối với các vị trí móng cột và hành lang tuyến. Huyện Như Xuân chưa ban hành quyết định phê duyệt giá đất cụ thể do đó chưa lập, công khai và phê duyệt được phương án bồi thường cho các vị trí móng cột và hành lang tuyến.

Trước những vướng mắc trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và giải phóng mặt bằng, tại cuộc họp, NPMB đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa sớm có Văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc giải trình ý kiến tại Văn bản số 678/TCLN ngày 04/5/2023 của Bộ. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép chủ đầu tư triển khai thi công các vị trí nằm trên diện tích đất rừng trồng song song với quá trình thực hiện phương án trồng rừng thay thế. Bên cạnh đó, chỉ đạo UBND huyện Như Xuân sớm ban hành quyết định phê duyệt giá đất cụ thể làm cơ sở lập, công khai và trình phê duyệt phương án bồi thường để sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong tháng 7 tới.

Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Như Thanh sớm phê duyệt phương án bồi thường sau khi kết thúc công khai phương án để tiến hành chi trả bồi thường cho các hộ dân, sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong tháng 6 này.

Đối với Dự án Trạm biến áp 220kV Khu kinh tế Nghi Sơn và đường dây đấu nối có quy mô lắp đặt 2 máy biến áp (MBA) công suất 250 MVA, xây dựng đường dây 4 mạch, gồm 12 vị trí cột từ TBA 220kV KKT Nghi Sơn (xây dựng mới) đến điểm đấu nối trên đường dây 220kV 2 mạch nhà máy điện Nghi Sơn - Nghi Sơn hiện hữu, chiều dài khoảng 4,7 km đi qua địa phận phường Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Ngày 17/5/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Văn bản số 3151/BNN-KL gửi các bộ, ngành về Hồ sơ trình chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án. CPMB đang phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với các bộ, ngành để xem xét giải quyết.

Cụ thể, đối với 11,47 ha rừng trồng, ngày 25/5/2023, HĐND tỉnh Thanh Hóa có Nghị quyết số 390/NQ-HĐND về việc quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Trạm biến áp 220 kV Khu kinh tế Nghi Sơn và đường dây đấu nối. Sau đó, CPMB đã có Văn bản số 3617/CPMB-PĐB-PTĐ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa về việc chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế. CPMB đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và UBND thị xã Nghi Sơn hoàn thiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo quy định (thủ tục trồng rừng thay thế) để hoàn thành trong tháng 6 này.

Khó khăn vướng mắc của dự án này theo CPMB là địa phương chưa bàn giao mặt bằng phần trạm biến áp (do vướng thủ tục chuyển đổi đất rừng đang thực hiện) nên chưa triển khai thi công (phần nhánh rẽ đã thi công), ảnh hưởng tới tiến độ hoàn thành của dự án. Còn 7 hộ dân không thống nhất phương án đền bù. Các hộ đề nghị được bồi thường, hỗ trợ diện tích đất rừng tự nhiên được giao khoanh nuôi bảo vệ tại mặt bằng TBA và đường vào trạm.

Bên cạnh đó, các hộ dân có đất rừng sản xuất ảnh hưởng do hạn chế khả năng sử dụng trong hành lang tuyến không thống nhất phương án hỗ trợ. Các hộ này đề nghị được hỗ trợ đất tương tự như dự án đường dây 500kV đấu nối NMNĐ Nghi Sơn 2 vào hệ thống điện Quốc gia.

Với các khó khăn này, tại cuộc họp, lãnh đạo CPMB đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa sớm phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế đối với diện tích rừng trồng để CPMB hoàn thiện các thủ tục liên quan, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai thi công. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ CPMB và đơn vị tư vấn trong việc giải trình, báo cáo các bộ/ngành để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên thực hiện dự án.

Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo UBND thị xã Nghi Sơn sớm thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tiếp tục tổ chức tuyên truyền các hộ dân nhận tiền, bàn giao mặt bằng thi công trong tháng 6 này.

Đối với Dự án Đường dây 500kV Quỳnh Lưu - Thanh Hóa có quy mô xây dựng mới 2 mạch, dài khoảng 91,6 km đi qua 2 tỉnh Nghệ An (huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai), Thanh Hóa (huyện Nông Cống, Như Thanh, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Đông Sơn và thị xã Nghi Sơn). Theo tiến độ, dự án sẽ khởi công tháng 12/2024 và đóng điện tháng 12/2025.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

CPMB cho biết, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa thông qua để trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án. Do vậy, CPMB kiến nghị tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm xem xét, tổ chức kiểm tra hiện trường, có ý kiến thẩm định hồ sơ xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng Dự án. Đồng thời đẩy nhanh các thủ tục thẩm định để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của Dự án.

Với Dự án Đường dây 500kV Thanh Hóa - Nam Định 1 có quy mô xây dựng mới mạch kép dài khoảng 73,8 km với điểm đầu là thanh cái 500 kV sân phân phối 500kV NMNÐ Nam Ðịnh 1 và điểm cuối là thanh cái 500kV TBA 500kV Thanh Hóa đi qua địa bàn 3 tỉnh gồm: Nam Ðịnh (2 huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng), Ninh Bình (huyện: Kim Sơn) và Thanh Hóa (6 huyện: Nga Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Yên Ðịnh, Thiệu Hóa). Theo tiến độ, dự án sẽ khởi công tháng 6/2024 và đóng điện 12/2025.

Hiện Dự án đã được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) thẩm định thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi hiệu chỉnh và thiết kế kỹ thuật dự toán. EVNNPT đang hoàn thiện các thủ tục để phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi hiệu chỉnh và thiết kế kỹ thuật dự án.

Ngày 22/02/2023, UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản số 2047/UBND-CN đề nghị điều chỉnh hướng tuyến đường dây đoạn qua địa phận huyện Nga Sơn. Qua cập nhật sơ bộ phương án điều chỉnh sẽ làm tổng mức đầu tư dự án tăng lên khoảng 70 tỷ đồng và thành Dự án nhóm A. EVNNPT cho biết việc điều chỉnh hướng tuyến qua địa phận huyện Nga Sơn sẽ dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án phải Bổ sung thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; Thỏa thuận với Cục Tác chiến về chiều cao tĩnh không, Thỏa thuận với Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hiệu chỉnh đánh giá tác động môi trường; Khảo sát, thiết kế lập hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điều chỉnh và thiết kế kỹ thuaah, dự toán Dự án.

Không những thế, tuyến điều chỉnh ảnh hưởng thêm 64 lô đất/công trình đã được phân lô bán nền gây khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng….

Do vậy, EVNNPT đề xuất UBND tỉnh Thanh Hóa sớm có văn bản thống nhất hướng tuyến điều chỉnh và có ý kiến về việc địa phương hoàn trả các chi phí khảo sát, thiết kế đã thực hiện nhưng không sử dụng được cho đoạn tuyến điều chỉnh. Bên cạnh đó, chỉ đạo các sở ban ngành và các huyện/xã hỗ trợ, điều kiện cho EVNNPT/NPMB trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng thi công xây dựng, để đảm bảo Dự án đóng điện đúng tiến độ.

Đồng thời tỉnh có cơ chế đặc thù trong bổ sung Quy hoạch/Kế hoạch sử dụng đất, do việc điều chỉnh sẽ làm thay đổi, tăng diện tích chiếm đất của Dự án. Đặc biệt, chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, trước khi triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, tránh việc chồng lấn với hướng tuyến đường dây đã được UBND tỉnh thỏa thuận, dẫn tới phải tiếp tục điều chỉnh tuyến trong các giai đoạn tiếp theo, làm phát sinh chi phí và ảnh hưởng tới tiến độ của Dự án./

Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/go-vuong-cac-du-an-duong-day-truyen-tai-dien-di-qua-dia-ban-tinh-thanh-hoa/294999.html