Gỡ vướng chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt khó
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, các hiệp hội ngành hàng đang tìm cách 'tự cứu mình', đồng thời đề xuất các ban ngành có những cách thức linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt khó.
Khó thực hiện đúng quy định
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trên địa bàn tỉnh đã có những tín hiệu tốt lên. Hiện tại, nhiều DN thuộc lĩnh vực dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ đã nhận được đơn hàng đến quý I-2025. Thế nhưng, DN vẫn chật vật vì những quy định chung của pháp luật.
Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), trong quý I-2024, các DN thành viên hiệp hội đã nỗ lực rất lớn để có đơn hàng, duy trì và ổn định sản xuất song thách thức phía trước với ngành gỗ vẫn còn rất nhiều. Sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đang tác động mạnh đến sản xuất trong nước, bên cạnh còn có nhiều vấn đề lớn tác động đến DN trong bối cảnh hiện nay là các quy định pháp luật.
Doanh nghiệp ngành gỗ cần sớm có các thông tin về di dời để chuẩn bị thực hiện theo lộ trình
Theo ông Nguyễn Liêm, các quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) hiện còn nhiều bất cập, tiêu chuẩn đặt ra quá cao, DN sản xuất rất khó để đáp ứng được. “Việc cải tạo để bảo đảm các yêu cầu về PCCC và cứu nạn, cứu hộ theo quy định là cần thiết. Tuy nhiên, thực hiện quy định PCCC cần có lộ trình, phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam, không thể áp dụng hoàn toàn các kỹ thuật tiên tiến ở nước ngoài để làm quy chuẩn cho Việt Nam, bởi điều kiện kinh tế hiện nay chưa cho phép. Đối với các DN đã được nghiệm thu, đưa vào sử dụng, nếu kiểm tra chưa đúng, chưa bảo đảm thì nên có biện pháp cho khắc phục trong một thời gian nhất định, sau thời gian đó nếu không chấp hành thì sẽ có chế tài mạnh hơn. Có vậy mới tạo điều kiện cho DN phát triển”, ông Nguyễn Liêm kiến nghị.
Đồng quan điểm này, bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh, cho rằng: “Sau hơn 20 năm đầu tư và xây dựng, khi những quy định của pháp luật thay đổi thì DN cũng đang đối mặt với vấn đề lớn về tính pháp lý của môi trường, PCCC. Đơn cử như lĩnh vực môi trường, cách đây 20 năm chúng tôi chỉ cần có hồ sơ môi trường, bây giờ đòi hỏi phải đấu nối nước thải. Mỗi DN không đủ nguồn lực tự đấu nối nước thải. Bên cạnh đó, chủ trương di dời DN về phía bắc tỉnh đang thực hiện, chúng tôi cần được tạo điều kiện để yên tâm sản xuất trên cơ sở của pháp luật”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 9 hiệp hội ngành hàng: Chế biến gỗ, Da giày- túi xách, dệt may, Cơ - điện, Gốm sứ, Sơn mài - điêu khắc, Năng lượng tái tạo, Công nghiệp khoáng sản, Logictics, Xuất nhập khẩu. Năm 2023, tỉnh Bình Dương thành lập 2 hiệp hội (Công nghiệp khoáng sản và năng lượng tái tạo) nhằm góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa về ứng dụng công nghệ xanh, nhà máy thông minh. Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng năng lượng tái tạo đang gặp khó khăn trong việc đấu nối mạng lưới điện quốc gia vì vẫn còn hạn chế về cơ chế, chính sách.
Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu tỉnh, cho biết tình hình xuất nhập khẩu vẫn còn khó khăn, phí vận chuyển tăng cao gấp đôi do ảnh hưởng bởi chiến sự ở các nước châu Âu, hoạt động lưu thông hàng hóa khó khăn hơn và tăng chi phí. Cần có những biện pháp can thiệp ngoại giao với dịch vụ logistics nước ngoài, phát triển hơn nữa về logistics trong nước để giảm chi phí vận chuyển hàng hóa trong thời gian tới. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần kiểm soát về gian lận thương mại để có sự cạnh tranh công bằng trên thương trường, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế bền vững.
Cần lộ trình phù hợp
Ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Minh Phát, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ tỉnh, cho biết mặc dù trải qua không ít khó khăn nhưng đến nay ngành nghề truyền thống này vẫn tồn tại và phát triển. Theo thời gian, tính chất công nghiệp của nghề ngày càng cao, tính chất thủ công có giảm đi, tuy nhiên tinh hoa cốt lõi của nghề gốm sứ vẫn còn đó. Với tâm huyết và niềm đam mê của người làm gốm, ngành nghề truyền thống này vẫn duy trì, đổi mới và phát triển nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử của nghề gốm sứ Bình Dương. “Việc bố trí cụm công nghiệp tại Phú Giáo để di dời DN gốm sứ như đề xuất của hiệp hội là hoàn toàn thống nhất, song cần có chiếc cầu nối trong quá trình di dời để DN có quá trình thuận lợi nhận đơn hàng, chuẩn bị nhân lực, công nghệ… ổn định sản xuất trong thời gian sớm nhất”, ông Nguyễn Tiến Thành đề xuất.
Ông Nguyễn Tiến Thành cho biết thêm, Hiệp hội Gốm sứ tỉnh đang thực hiện rà soát danh sách các DN nằm ngoài khu, cụm công nghiệp, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, đồng thời đề xuất, kiến nghị Ban Chỉ đạo thực hiện đề án di dời với giải pháp hiệu quả nhất, vừa bảo đảm thực hiện đề án di dời, chuyển đổi công năng, vừa bảo đảm duy trì ngành nghề gốm sứ truyền thống, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử của ngành gốm sứ tỉnh nhà.
Đóng góp ý kiến về kế hoạch triển khai thực hiện chuyển đổi công năng, di dời các DN nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía nam vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn phía bắc, ông Nguyễn Liêm cho rằng: “Cần sớm có địa điểm dự kiến, chính sách hỗ trợ để DN ngành gỗ xây dựng kế hoạch đầu tư sản xuất. Với đặc thù sản xuất quy mô lớn, tính chuyên môn hóa cao, ngành gỗ cần nơi sản xuất tập trung đủ lớn và có lộ trình để DN chuẩn bị nguồn lực đầu tư”.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, khẳng định sẽ chuyển các kiến nghị của DN đến Bộ Công thương, UBND tỉnh để sớm có giải pháp trong thời gian tới, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu.