Gỡ vướng cho 4 tuyến xe buýt điện ở TP.HCM
Tuyến buýt điện đầu tiên ở TP.HCM đã thu hút trung bình hơn 90.000 lượt hành khách di chuyển/tháng, tăng 98% so với thời điểm mới đưa vào khai thác.
Nhiều ý kiến đánh giá xe buýt điện ở TP.HCM giống như một làn gió mới đối với hệ thống giao thông công cộng TP. Loại hình giao thông này khá thông minh, hiện đại, tạo sự thú vị, thoải mái cho người sử dụng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, xe buýt điện chưa được triển khai rộng rãi trên địa bàn TP.
Lượng hành khách tăng gấp đôi
Ông Lê Hà Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, cho biết tuyến xe buýt điện D4 được đưa vào hoạt động từ tháng 3-2022. Qua thời gian triển khai vận hành, số lượng hành khách của tuyến có sự vượt trội và tăng cao.
Cụ thể, trong tháng 3-2022, tuyến D4 có trung bình 14 hành khách di chuyển trên một chuyến. Tới tháng 10-2022, tuyến có trung bình hơn 17 hành khách/chuyến. Qua thống kê, số lượng hành khách sử dụng tuyến xe buýt điện này đã tăng từ 45.582 hành khách (tháng 4-2022) lên 90.409 hành khách (tháng 10-2022), tăng 98% so với thời điểm mới đưa vào khai thác.
Ông Ân cũng nhận định có nhiều lý do để xe buýt điện thu hút hành khách. Trong đó, về phương tiện: Đây là tuyến xe buýt điện đầu tiên của TP.HCM. Về khác biệt, xe buýt điện thân thiện với môi trường, không có tiếng ồn, không mùi, khả năng tiếp cận người khuyết tật tốt (nâng hạ gầm, nghiêng thân xe và có thiết bị hỗ trợ xe lăn). Đặc biệt, cửa lên xuống được đóng hoàn toàn xe mới có thể di chuyển, đảm bảo an toàn cho hành khách khi lên xuống xe.
Xe buýt điện còn có các dịch vụ tiện ích như hệ thống WiFi, cổng sạc điện thoại, màn hình LED hiển thị thông tin trạm dừng tiếp theo… Ngoài ra, loại hình này còn được trang bị máy bán vé tự động, hành khách có thể sử dụng thẻ điện tử để thanh toán. Tài xế và nhân viên phục vụ trên xe được đào tạo, tập huấn với kỹ năng nghiệp vụ cao. Vì vậy, chất lượng dịch vụ trong quá trình hoạt động đã làm hài lòng khách hàng.
Trong công tác quản lý, điều hành, trung tâm thường xuyên theo dõi số lượng hành khách trên tuyến xe buýt này để kịp thời điều chỉnh các thông số hoạt động, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách ngày một thuận lợi hơn.
Xe buýt điện còn có các dịch vụ tiện ích như hệ thống WiFi, cổng sạc điện thoại, màn hình LED hiển thị thông tin trạm dừng tiếp theo…
Hàng loạt khó khăn cần tháo gỡ
Tuy loại hình xe buýt điện thu hút hành khách nhưng mới đây chủ đầu tư (VinBus) đã xin lùi thời gian hoạt động bốn tuyến xe buýt điện còn lại đến năm 2023 do gặp một số khó khăn. Cụ thể như chưa xây dựng depot cho các tuyến xe buýt, các thủ tục pháp lý giữa các sở, ban ngành; bộ định mức kỹ thuật của xe CNG áp dụng cho xe điện là không phù hợp.
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, ông Lê Hà Ân cho biết theo kế hoạch VinBus đã đề xuất đưa vào thí điểm vận hành năm tuyến xe buýt điện có trợ giá chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1, trong quý I-2022 sẽ đưa vào vận hành một tuyến; giai đoạn 2, trong quý III-2022 sẽ đưa vào vận hành bốn tuyến còn lại (sau khi xây dựng xong depot). “Như vậy, đến nay VinBus đã chậm tiến độ giai đoạn 2 so với kế hoạch đề xuất ban đầu (tháng 6-2022)” - ông Ân cho biết.
Đối với khó khăn về việc xây dựng depot, theo ông Ân, VinBus đã báo cáo nguyên nhân là do quy trình thực hiện các thủ tục pháp lý của dự án trải qua nhiều bước và chờ thẩm định/phê duyệt từ nhiều sở, ban ngành khác nhau. Trung tâm cũng đã yêu cầu VinBus có báo cáo chi tiết để cùng phối hợp tháo gỡ. Trường hợp vượt thẩm quyền, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng sẽ báo cáo Sở GTVT xem xét hỗ trợ đơn vị.
Ngoài việc xây dựng depot, những vướng mắc còn lại trung tâm sẽ làm việc cụ thể với chủ đầu tư để xác định lại kế hoạch. Từ đó, đưa ra tiến độ đưa vào hoạt động bốn tuyến xe buýt điện còn lại để tham mưu, báo cáo Sở GTVT xem xét, quyết định.
Đối với vấn đề trợ giá cho xe buýt điện, ông Ân cho biết hiện nay trung tâm đang căn cứ Công văn 440/2022 của UBND TP.HCM về chủ trương thí điểm tổ chức vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện trên địa bàn TP. Trong đó có quy định nội dung: Tỉ lệ trợ giá/chi phí trong thời gian thí điểm là 44,1%. Tỉ lệ này sẽ được xem xét, điều chỉnh theo quy định sau khi bộ định mức kỹ thuật, đơn giá xe buýt điện được UBND TP.HCM ban hành.
Hiện nay, mức trợ giá cho loại hình xe buýt điện đang vận dụng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá đã được ban hành đối với loại xe buýt CNG. Loại xe này cũng có sức chứa tương đương đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM để thực hiện đặt hàng cung ứng sản phẩm dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện.•
Năm 2023 xe buýt điện sẽ có bộ định mức kỹ thuật riêng
Ông Lê Hà Ân cho biết liên quan đến tiến độ xây dựng bộ định mức kỹ thuật, đơn giá xe buýt điện trên địa bàn TP, hiện nay trung tâm đang phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ).
Theo kế hoạch, GIZ đang hỗ trợ TP.HCM và Hà Nội xây dựng khung định mức kinh tế kỹ thuật cho loại hình xe buýt điện (dự kiến kết thúc trong năm 2023). Do đó, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng sẽ phối hợp với GIZ để sớm hoàn chỉnh bộ định mức kỹ thuật, đơn giá này.
Nguồn PLO: https://plo.vn/go-vuong-cho-4-tuyen-xe-buyt-dien-o-tphcm-post708074.html