Gỡ vướng cho các dự án chậm tiến độ

Trong những năm qua, Phú Thọ đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực, dự án quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, cải thiện môi trường đầu tư. Qua đó, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội có bước phát triển đột phá, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao…

Tuy nhiên, một số dự án triển khai ở mức thấp, tiến độ thực hiện còn chậm, đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Trước thực trạng này, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung rà soát tháo gỡ vướng mắc các dự án chậm tiến độ, các dự án tồn đọng kéo dài nhiều năm theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy…

Sau 21 năm Dự án khách sạn Đại Hà mới chỉ dừng lại ở phần xây thô một tầng hầm và hai tầng nổi

Những dự án “ngủ quên”

Thời gian qua, nhiều dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đang chậm tiến độ, gặp khó khăn vướng mắc kéo dài gây lãng phí tài nguyên đất đai, làm làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm. Sử dụng đất sai mục đích, chưa giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; không đủ năng lực tài chính thực hiện; nợ thuế, nợ ngân hàng, tài sản bị thế chấp… là những nguyên nhân khiến cho nhiều dự án đang chậm triển khai. Cá biệt có những dự án có “giấc ngủ” dài từ 10 đến 20 năm.

Dự án khách sạn Đại Hà, nằm vị trí đắc địa khu đất “vàng” thuộc phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ 10/3/2011, với diện tích sử dụng hơn 3.100 m2, quy mô xây dựng tòa nhà 10 tầng, tổng mức đầu tư 162 tỷ đồng. Sau 21 năm “ngủ quên”, dự án mới xây dựng được phần thô gồm một tầng hầm và ba tầng nổi. Khi chúng tôi có mặt tại vị trí này chỉ thấy tường của ngôi nhà đã bạc phếch sau thời gian dãi nắng, dầm mưa, hoàn toàn không có dấu hiệu của việc thi công xây dựng, chỉ có vài ba đống cây cọc, những miếng tôn đã hoen rỉ để ngổn ngang ...

Phía bên trong dự án của khách sạn Đại Hà không có dấu hiệu xây dựng

Ông H.V.L bán hàng nước cạnh khu vực này cho biết: “Chỗ này đã dừng thi công từ rất lâu, thời gian trước cứ có đoàn kiểm tra của tỉnh, của thành phố đến là họ lại gọi vài ba người thợ xây đến đập đập, phá phá như đang hoạt động. Đoàn đi khỏi là ngày hôm sau họ lại rút quân, không thấy làm gì hết…”.

Tương tự như như Dự án khách sạn Đại Hà, Dự án Nhà máy cán thép Sông Hồng thuộc Công ty cổ phần Thép Sông Hồng được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư từ năm 2002. Đến năm 2009, Công ty đã hoàn thành giai đoạn một. Do hoạt động thua lỗ nên đến năm 2012, Công ty tạm dừng hoạt động và đến nay không có khả năng triển khai giai đoạn hai dự án. Nhiều lần cơ quan chức năng đến liên hệ làm việc đều nhận được câu trả lời khó khăn do dịch bệnh COVID-19, chưa thể tiếp tục triển khai Dự án.

Hay như Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy của Công ty TNHH Sông Thao được chấp thuận đầu tư từ năm 2002 với diện tích 87 ha, tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng. Tuy nhiên sau hơn 20 năm, Dự án vẫn chưa thể hoàn thành do không có khả năng tài chính. Hiện Công ty đang lâm vào cảnh nợ thuế, nợ ngân hàng kéo dài, tài sản thế chấp, cả mua nhận nợ. Dự án không thể tháo gỡ và chậm triển khai trong thời gian dài…

Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều dự án lớn khác như Khu nghỉ dưỡng Ao Giời-Suối Tiên của Công ty cổ phần Trường Giang; dự án Khu du lịch Xuân Sơn của doanh nghiệp Xuân Trường; dự án Khu đô thị Tây Nam Việt Trì của Công ty Bất động sản Toàn Cầu; Dự án đô thị Vương Cường; Nhà máy xi măng Hữu nghị thuộc Công ty TNHH Phát triển Hùng Vương; Nhà máy sản xuất phôi thép của Công ty cổ phần Kim khí Hưng Thịnh Phát; Dự án trồng hoa mầu và nuôi thủy sản tại phường Bến Gót, thành phố Việt Trì, của Công ty cổ phần Khoáng sản Tây Bắc; Dự án nông nghiệp công nghệ cao H2 … cũng chậm tiến độ và vướng mắc kéo dài nhiều năm.

Tại vị trí lô 21A thuộc Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh một phần hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ Cụm công nghiệp Sóc Đăng (Đoan Hùng) đang từng bước được tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Quyết liệt xử lý

Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, qua rà soát hiện toàn tỉnh có 18 dự án chậm tiến độ, gặp khó khăn vướng mắc kéo dài thuộc diện Thường trực Tỉnh ủy quản lý. Trong đó có ba dự án được tháo gỡ khó khăn, hiện còn 15 dự án đang được Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tập trung chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc. Trên cơ sở xem xét, kiểm tra các vấn đề tồn tại có liên quan và đối chiếu với các quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo quyền và nghĩa vụ liên quan, UBND tỉnh sẽ đưa ra các biện pháp mạnh để giải quyết dứt điểm những dự án còn tồn tại, vướng mắc kéo dài nhiều năm. Dự kiến trong năm 2022 tỉnh sẽ chỉ đạo giải quyết vướng mắc 11 dự án; trong đó sẽ kiên quyết thu hồi sáu dự án, tập trung giải phóng mặt bằng và các tồn tại khác của năm dự án.

Cụ thể đối với Dự án khách sạn Đại Hà của Công ty TNHH Đại Hà, UBND tỉnh giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan rà soát và kiên quyết thu hồi trong năm 2022, không kéo dài, trì hoãn. Đối với Dự án Ao Giời-Suối Tiên, ngoài việc thu hồi dự án, tỉnh sẽ thực hiện ngay việc công bố mời gọi nhà đầu tư có năng lực tham gia. Đối với Dự án Khách sạn Bãi Bằng, cùng với thu hồi dự án, giao cho Cục Thuế đôn đốc hoàn thiện các thủ tục phá sản. Đối với nhóm dự án của Công ty xi măng Hữu Nghị, Nhà máy cán thép Sông Hồng, tỉnh cũng giao cho các đơn vị liên quan xem xét thống nhất hoàn thiện hồ sơ thưc hiện theo luật phá sản doanh nghiệp; đồng thời chấm dứt dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi dự án, cho xử lý tài sản theo quy định.

Riêng Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy sẽ tiến hành truy thu thuế do không đủ điều kiện được hưởng ưu đãi, giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục chấm dứt hoạt động thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư hoặc tiếp tục cho Công ty triển khai Dự án sau khi thẩm định năng lực của nhà đầu tư đảm bảo đủ điều kiện triền khai dự án và ký quỹ đảm bảo đầu tư. Sau 12 tháng không triển khai như cam kết sẽ thực hiện thủ tục thu hồi Dự án không bồi hoàn.

Cùng với việc tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, Cụm Công nghiệp Sóc đăng tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vào hoạt động.

Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo huyện Tam Nông, Đoan Hùng, thành phố Việt Trì nhanh chóng hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các dự án thuộc khu phức hợp Eco-Lakeside, Dự án trung tâm điều hành xe bus và Dự án đầu tư cụm công nghiệp Sóc Đăng; giao Cục thuế tỉnh thu hồi số tiền nợ ngân sách Nhà nước đối với Dự án khu nông nghiệp công nghệ cao H2. Việc giải quyết vướng mắc, tồn tại của các dự án sẽ thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan. Việc thu hồi dự án sẽ không kéo dài, trì hoãn và không xem xét đến các lý do có liên quan.

Cùng với việc tập trung tháo gỡ vướng mắc khó khăn, tỉnh đang tập trung thực hiện tốt khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, trong đó ưu tiên nhà đầu tư có tiềm lực vào các lĩnh vực, dự án trọng điểm; chọn lọc các dự án lớn, dự án có tác động đột phá, lan tỏa, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; đặc biệt chú trọng là các dự án phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, kết hợp với du lịch tâm linh, đầu tư sân gôn, nâng cao giá trị gia tăng của các tuyến, điểm du lịch, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, di tích lịch sử; quan tâm, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước mở rộng đầu tư kinh doanh, đồng thời vận động thu hút mạnh mẽ các tập đoàn kinh tế lớn có năng lực tài chính và công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý về đầu tư… tích cực góp phần đưa Phú Thọ phát triển toàn diện trong thời gian tới.

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-de-hom-nay/go-vuong-cho-cac-du-an-cham-tien-do/187245.htm