Gỡ vướng cho đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống
Ngoài đường dây 500kV mạch 3 đi qua địa bàn, thời gian nay, tỉnh Thanh Hóa còn tập trung thời gian, công sức 'gỡ vướng' giải phóng mặt bằng (GPMB) cho một dự án đường dây điện quan trọng khác đó là đường dây 220kV Nậm Sum (Lào) - Nông Cống (Thanh Hóa). Nếu không hoàn thành GPMB, tiến độ dự án trên có nguy cơ tiếp tục chậm…
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống dài khoảng 130km, gồm 2 mạch, từ điểm đấu nối G1 (tại biên giới Việt Nam - Lào) đến Trạm biến áp 220kV Nông Cống, gồm 299 vị trí móng cột và 99 khoảng néo hành lang tuyến, đi qua 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Trên địa bàn Thanh Hóa, dự án đi qua 3 huyện Như Xuân, Như Thanh và Nông Cống với chiều dài 52,14km, bao gồm 125 vị trí móng cột và 47 khoảng néo hành lang tuyến.
Dự án do Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia làm chủ đầu tư. Đây là dự án quan trọng theo chủ trương của Chính phủ về nhập khẩu nguồn điện từ các nhà máy Thủy điện từ Lào về Việt Nam. Khi hoàn thành, ngoài mục tiêu đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của hệ thống điện khu vực miền Bắc, đây còn là dự án nhằm hiện thực hóa chủ trương hợp tác năng lượng giữa hai nước Việt Nam - Lào.
Dự kiến hoàn thành đóng diện dự án vào ngày 31/5 vừa qua, tuy nhiên do vướng mặt bằng nên kế hoạch đóng điện đang phải lùi lại. Hiện nay, công tác GPMB dự án của huyện Nông Cống đã cơ bản hoàn thành, còn lại 2 huyện Như Thanh và Như Xuân, chính quyền các địa phương đang tiếp tục nỗ lực cố gắng, sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án.
Tại huyện Như Xuân, chiều dài của dự án đường dây 220kV đi qua địa bàn là 28,5km, với diện tích ảnh hưởng là 542.277,2 ha bao gồm cả diện tích rừng tự nhiên và đất an ninh (trong đó: Diện tích thu hồi 25.284,8 ha, diện tích hành lang ảnh hưởng là 516.992,4 ha), gồm 6 xã: Thanh Phong, Thanh Hòa, Thanh Lâm, Hóa Quỳ, Bình Lương và Tân Bình, với 70 vị trí móng cột. 216 tổ chức, hộ gia đình ảnh hưởng của dự án lập phương án bồi thường, hỗ trợ để GPMB (trong đó: số tổ chức là 3 và số hộ gia đình là 213).
Theo báo cáo của UBND huyện Như Xuân, tính đến ngày 15/5/2024, toàn huyện đã hoàn thành việc phê duyệt hỗ trợ đợt 3 và chi trả bồi thường cho 216 hộ gia đình và 2 tổ chức (UBND xã Thanh Phong và UBND xã Bình Lương) bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công thực hiện dự án. Đối với đất rừng tự nhiên, sau khi có chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành việc phê duyệt trồng rừng thay thế và huyện Như Xuân đã hoàn thành phê duyệt tận thu lâm sản, phê duyệt phương án bồi thường và đã bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công thực hiện dự án.
Đối với đất an ninh (Trại giam Thanh Lâm): Gồm 11 vị trí móng cột, diện tích phải thu hồi đất là 0,3169 ha và diện tích hành lang là 7,9118 ha, hiện nay chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và thu hồi đất do UBND tỉnh Thanh Hóa đang xin ý kiến của Bộ Công An (ngày 30/5/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản số 7583/UBND - KTTC về việc xin ý kiến phương án thu hồi đất các vị trí hướng tuyến của 11 trị trí móng cột đi qua Trại giam Thanh Lâm thuộc dự án đường dây 220kV Trạm cắt Nậm Sum - Nông Cống). Sau khi có thống nhất của Bộ Công an, UBND huyện Như Xuân sẽ phê duyệt bồi thường hỗ trợ để bàn giao mặt bằng theo quy định.
Tuy vậy, có nhiều hộ dân đã nhận tiền bồi thường cho diện tích rừng sản xuất bị ảnh hưởng bởi hành lang tuyến, song vẫn chưa thực hiện việc chặt hạ cây, phát quang hành lang tuyến nên chủ đầu tư chưa thể nghiệm thu, phục vụ công tác đóng điện vận hành dự án. Ông Nguyễn Đức Đồng -Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động cho bà con hiểu đã nhận tiền bồi thường thì phải bàn giao mặt bằng. Trường hợp hộ nào tuyên truyền nhiều không được thì huyện có thể phải sử dụng biện pháp mạnh hơn. Huyện Như Xuân quyết tâm khoảng ngày 20/6 sẽ giải phóng xong mặt bằng, ông Đồng cho biết thêm.
Tính đến ngày 8/6 tại huyện Như Thanh vẫn còn 3 khoảng néo chưa bàn giao được mặt bằng. Ông Hàn Văn Huyên - Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Hiện nay chúng tôi còn 3 khoảng néo nữa thì vướng của 1 hộ liên quan đến đòi hỏi về đất đai ảnh hưởng của hành lang tuyến khoảng néo này. Chúng tôi cố gắng làm việc với hộ, vận động giải thích cho gia đình hiểu các nội dung liên quan đến quy định của pháp luật về cái việc là ảnh hưởng hàng lang tuyến đối với đường điện 220kV là không thu hồi đất mà chỉ hạn chế quyền sử dụng đất để kịp thời đảm bảo tiến độ bàn giao khoảng néo cho đơn vị thi công và chủ đầu tư".
Tính đến ngày 8/6, tỉnh Thanh Hóa đã bàn giao mặt bằng 100% vị trí móng cột; 44/47 khoảng néo hành lang tuyến. Hiện các nhà thầu đã hoàn thành dựng cột 116 vị trí, đang thi công 1 vị trí; đã kéo dây 25 khoảng néo và đang tiếp tục rải kéo dây các khoảng néo đã được bàn giao mặt bằng.
Theo chủ đầu tư dự án, một trong những vấn đề “nan giải” hàng đầu hiện nay là việc tổ chức thi công qua 9 vị trí móng cột nằm trong diện tích đất rừng tự nhiên chưa thực hiện được trên địa bàn huyện Như Xuân. Mặc dù các thủ tục liên quan đến công tác chuyển mục đích sử dụng rừng, thu hồi đất, bồi thường, GPMB đã được thực hiện xong, nhưng các vị trí móng này vẫn chưa thể tiến hành tổ chức thi công do thủ tục liên quan đến công tác xử lý tài sản công trên diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng sang thực hiện dự án.
Về vấn đề này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt phương án khai thác tận dụng gỗ loài thực vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên sản xuất để thực hiện dự án tại xã Hóa Quỳ (Như Xuân). UBND huyện Như Xuân đã phê duyệt Phương án khai thác tận dụng gỗ loài thực vật rừng thông thường từ rừng tự nhiên sản xuất để thực hiện dự án tại các xã Thanh Phong, Thanh Lâm, Hóa Quỳ và Bình Lương. Tuy nhiên, dự án vẫn đang phải chờ Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa xem xét, có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục xử lý tài sản công là cây rừng tự nhiên đã được cấp thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/go-vuong-cho-duong-day-220kv-nam-sum-nong-cong-i734554/