Gỡ vướng cơ chế, thúc đẩy nhà ở xã hội phát triển
Trong bối cảnh nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tiếp tục tăng, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trở thành một nhiệm vụ cấp bách. Đây không chỉ là bước đi quan trọng để ổn định cuộc sống cho các đối tượng khó khăn về nhà ở, mà còn góp phần xây dựng môi trường sống văn minh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị.
Thời gian qua, chương trình phát triển nhà ở xã hội tại TP. Đà Nẵng đã đạt nhiều kết quả bước đầu, đặc biệt với quỹ nhà ở xã hội hiện khoảng 12.000 căn, chiếm trên 80% tổng số căn hộ nhà ở xã hội trên toàn quốc (cả nước có khoảng 15.000 căn)…
Thành tựu này góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an sinh xã hội, hiện thực hóa mục tiêu “5 không”, “3 có” của thành phố. Tuy nhiên, tiến độ phát triển và triển khai các dự án vẫn chưa đạt kỳ vọng, đặt ra yêu cầu cần sớm hoàn thiện cơ chế hỗ trợ và chính sách khuyến khích cho lĩnh vực này.
Theo ông Lê Văn Dũng, Phó trưởng ban Đô thị HĐND thành phố, chương trình phát triển nhà ở Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, trong đó có phân khúc nhà ở xã hội, đã được HĐND thành phố thông qua. Mục tiêu đến năm 2025, Đà Nẵng sẽ đầu tư xây dựng hơn 721.000m² sàn nhà ở xã hội, dự kiến hoàn thành 504.000m² và gần 9,8 triệu m² sàn nhà ở thương mại, dự kiến hoàn thành hơn 7,1 triệu m².
Thế nhưng, tính đến tháng 11/2024, thành phố mới chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 dự án nhà ở xã hội, tổng diện tích sàn 437.308m², đã hoàn thành được 96.974m² (19,3% kế hoạch). Trong lĩnh vực nhà ở thương mại, tỷ lệ hoàn thành chỉ đạt 7,1% so với chỉ tiêu đề ra...
Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, trong đó việc thực hiện thủ tục kêu gọi, lựa chọn nhà đầu tư cho một dự án nhà ở xã hội còn kéo dài, có thể mất tới 3 năm. Sau đại dịch Covid-19, nguồn lực tài chính của nhiều lao động suy giảm thu nhập, không đủ khả năng mua nhà ở xã hội, khiến các dự án gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, ảnh hưởng đến quá trình huy động vốn, thu hút đầu tư.
Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã áp dụng một số chính sách ưu đãi nhằm hỗ trợ các chủ đầu tư. Cuối năm 2023, khu chung cư nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh được hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố với lãi suất ưu đãi trong 4 năm. Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng thông báo mở bán dự án nhà ở xã hội sau thời gian cho thuê tối thiểu 5 năm tại KCN Hòa Khánh.
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 21, HĐND TP. Đà Nẵng khóa X (nhiệm kỳ 2021-2026), nhiều đại biểu đề nghị thành phố cần rà soát, quy hoạch quỹ đất phù hợp, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội đồng bộ với hạ tầng KCN, đồng thời tạo ra cơ chế hỗ trợ thủ tục, nguồn lực cho các nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thi công. Thành phố cũng cần xử lý nghiêm các trường hợp mua, thuê nhà ở xã hội không đúng đối tượng, sai mục đích...
Bên cạnh đó, việc tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thêm cơ chế linh hoạt cho loại hình nhà ở xã hội là rất cần thiết; Rút ngắn thời gian xét duyệt, đơn giản hóa thủ tục cấp phép, thiết lập cơ chế tài chính ưu đãi, tăng cường liên kết giữa chính quyền - doanh nghiệp - người dân… sẽ tạo “đòn bẩy” thúc đẩy tiến độ các dự án. Ngoài ra, môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi cũng sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, đa dạng hóa nguồn cung và hình thức phát triển nhà ở xã hội.
Một số chuyên gia đề xuất thành phố cần xây dựng gói ưu đãi toàn diện và dài hạn. Trong đó, tiếp tục áp dụng miễn hoặc giảm tiền thuê đất, giảm thuế, hoặc hỗ trợ lãi suất cho vay dài hạn để khuyến khích doanh nghiệp mặn mà hơn với phân khúc này. Khi nhà đầu tư được giảm bớt gánh nặng tài chính, họ sẽ có thêm nguồn lực để chú trọng nâng cao chất lượng công trình, đa dạng hóa sản phẩm và đẩy nhanh tiến độ.
Người dân cũng cần được hỗ trợ để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện cho người lao động, hộ gia đình thu nhập thấp có thể mua được nhà ở xã hội. Mô hình liên kết giữa ngân hàng và nhà phát triển dự án, với sự bảo lãnh từ phía chính quyền, có thể sẽ giúp giảm rủi ro tín dụng, nâng cao khả năng chi trả và mua nhà của người dân.
Nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp tiếp tục tăng, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trở thành một nhiệm vụ cấp bách. Đây không chỉ là bước đi quan trọng để ổn định cuộc sống cho các đối tượng khó khăn về nhà ở, mà còn góp phần xây dựng môi trường sống văn minh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị.
Với những cải cách mạnh mẽ và chiến lược dài hạn, Đà Nẵng có cơ hội khẳng định vai trò tiên phong trong lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội. Qua đó, thành phố sẽ đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân, giảm áp lực lên phân khúc nhà ở thương mại, hướng đến một đô thị phát triển toàn diện, nơi mọi người đều có cơ hội tiếp cận nhà ở ổn định, phù hợp với khả năng tài chính.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/go-vuong-co-che-thuc-day-nha-o-xa-hoi-phat-trien-158997.html