Từ 1/1/2025 sẽ thí điểm vùng phát thải thấp ở Hà Nội?
Nghị quyết quy định thực hiện vùng phát thải thấp vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp; phạm vi vùng phát thải thấp và các biện pháp được áp dụng trong vùng theo lộ trình phù hợp trên địa bàn TP Hà Nội sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Thí điểm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình
Đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu thông trong vùng phát thải thấp. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc lập và thực hiện vùng phát thải thấp (LEZ). Kết quả quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã gia tăng trong khoảng 10 năm gần đây, ô nhiễm không khí ở Hà Nội bắt đầu từ khoảng tháng 10 và kéo dài đến tháng 4 năm sau, tập trung tại một số điểm có mật độ giao thông lớn và nhiều cơ sở sản xuất. Trong ngày có hai khung giờ ô nhiễm nghiêm trọng là 6-8h và 17-19h.
Hà Nội đã chỉ ra 5 nguồn chính gây ô nhiễm không khí gồm: phương tiện giao thông đường bộ (cả bụi đường), công nghiệp, dân sinh, đốt sinh khối và nông nghiệp. Thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP cho thấy hiện có 1,1 triệu ôtô, hơn 6,9 triệu xe máy, 70% trong số này đã sử dụng trên 10 năm, tạo ra nguồn phát thải lớn. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, số lượng xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm 72,58% sẽ làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí nếu các xe cũ không được bảo dưỡng theo đúng khuyến cáo của nhà sản xuất.
Theo Nghị quyết, tiêu chí xác định vùng phát thải thấp gồm: thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải được xác định tại Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông từ mức độ D - F theo TCVN 13592:2022 đường đô thị - yêu cầu thiết kế; chất lượng không khí trung bình năm đánh giá trong tối thiểu một năm gần nhất không đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng không khí (QCVN 05:2023/BTNMT) đối với các thông số chính: SO2, NO2, tổng bụi lơ lửng TSP; bụi PM10, bụi PM2,5.
Điều kiện tổ chức vùng phát thải thấp: khu vực được quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng hoặc khu vực có đủ điều kiện hạ tầng giao thông đường bộ để tổ chức giao thông phù hợp; có phương án giám sát, đánh giá về mức độ phát thải và quá trình giảm phát thải trong khu vực; có điều kiện đáp ứng các giải pháp chuyển đổi phương tiện giao thông phù hợp.
Việc thực hiện vùng phát thải thấp sẽ theo lộ trình: từ năm 2025 đến năm 2030, Hà Nội thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình; khuyến khích các địa phương lập vùng phát thải thấp. Từ năm 2031 trở đi, các khu vực trên địa bàn Hà Nội có đủ tiêu chí theo quy định phải thực hiện vùng phát thải thấp.
Theo Nghị quyết của HĐND TP, các phương tiện giao thông không phát sinh khí thải, xe cơ giới thân thiện môi trường, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường, xe ưu tiên và phương tiện giao thông có giấy phép lưu thông của cơ quan có thẩm quyền được lưu thông trong vùng phát thải thấp. Các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel sẽ bị cấm lưu thông trong vùng phát thải thấp. Bên cạnh đó, hạn chế hoặc cấm xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe mô tô, xe gắn máy không đáp ứng tiêu chuẩn mức 2 lưu thông vào vùng phát thải thấp theo khung giờ/thời điểm hoặc khu vực. Nghị quyết cũng quy định TP đề xuất ban hành các loại phí và lệ phí đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có phát thải lưu thông trong vùng phát thải thấp.
Phương án giảm phương tiện chạy xăng dầu vào vùng phát thải thấp
Hiện Hoàn Kiếm dự kiến chọn khu vực không gian đi bộ Hồ Gươm và vùng phụ cận; khu vực phố cổ để thí điểm vùng LEZ vì các khu vực này đã tổ chức phố đi bộ và cấm phương tiện vào cuối tuần. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, sau khi Nghị quyết được thông qua, TP Hà Nội sẽ triển khai nhiều chương trình cụ thể để khuyến khích người dân nơi thí điểm vùng phát thải thấp chuyển đổi sang sử dụng phương tiện xanh. Hà Nội bên cạnh đó sẽ phối hợp với các DN sản xuất để có phương án giảm thiểu phương tiện chạy bằng xăng dầu vào vùng phát thải thấp; nghiên cứu phương án giảm giá, đổi xe cũ, hỗ trợ đổi xe cũ, vốn vay mua xe mới để người dân vùng LEZ cơ bản chuyển đổi xe máy cũ gây ô nhiễm sang xe điện.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ có các biện pháp đề xuất ban hành các loại phí và lệ phí với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có phát thải lưu thông trong vùng LEZ; đề xuất chính sách hỗ trợ những đối tượng sinh sống và làm việc trong vùng LEZ, các tổ chức, DN thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, phương tiện giao thông không phát thải; đề xuất chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch từ ngân sách TP và các nguồn kinh phí hợp pháp khác; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện vùng LEZ; các biện pháp khác phù hợp với đặc thù của địa phương.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, việc triển khai LEZ là áp dụng các biện pháp cụ thể cho tất cả phương tiện giao thông đường bộ dựa trên tiêu chuẩn/quy chuẩn khí thải tại địa phương với lộ trình phù hợp để bảo đảm tính phù hợp, khả thi và hiệu quả của chính sách. Đồng thời, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thủ đô, Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 trên địa bàn TP đã được phê duyệt.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng LEZ là xu hướng tất yếu, nên TP Hà Nội phải có nhiều giải pháp để thực hiện, trong đó có việc hạn chế phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào nội đô. Tuy nhiên, trước khi hạn chế các phương tiện cá nhân, TP Hà Nội cũng cần đánh giá tác động vào xã hội. Đồng thời, TP phải nâng cao chất lượng hạ tầng công cộng, trong đó các tuyến xe buýt cần xây dựng có tính kết nối cao hơn. Có như vậy mới giúp Thủ đô xanh hơn, khỏe mạnh hơn và đáng sống hơn.