Gỡ vướng để Công đoàn thực hiện quyền khởi kiện nợ bảo hiểm xã hội
Mặc dù Công đoàn được giao quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) để bảo vệ quyền lợi cho người lao động (NLĐ), tuy nhiên, hiện do những vướng mắc về pháp lý nên dù các cấp Công đoàn rất nỗ lực khởi kiện các vụ việc ra tòa án, nhưng đến nay vẫn gặp bế tắc, tòa án không thụ lý các vụ việc.
Nợ đọng lớn, kéo dài xuất phát từ ý thức tuân thủ pháp luật
Trao đổi về tình hình doanh nghiệp nợ đọng BHXH hiện nay, ông Phan Nghiêm Long (Ban Chính sách pháp luật, Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết: Việc người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải đóng BHXH cho NLĐ là trách nhiệm bắt buộc khi giao kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên trên thực tế, vì nhiều lí do khác nhau, nhiều NSDLĐ đã có hành vi vi phạm pháp luật khi chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Theo ông Long, khi NSDLĐ trốn đóng, chậm đóng BHXH sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với NLĐ, đó là: NLĐ không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được cơ quan BHXH chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất; không thể chốt được sổ BHXH kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác, coi như tất cả các chế độ trước đó mà NLĐ đáng được hưởng đều bằng không.
Phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình hình chậm đóng, trốn đóng BHXH, ông Long cho biết: Một trong những nguyên nhân phải kể đến đó là tính tuân thủ quy định của pháp luật về BHXH của một bộ phận NSDLĐ chưa tốt, nhất là ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hầu hết các doanh nghiệp quá thiên về lợi nhuận, cố tình không đóng, chây ỳ nộp tiền BHXH làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ. Thậm chí, việc nợ đọng BHXH còn diễn ra ngay ở các đơn vị hành chính sự nghiệp có thụ hưởng ngân sách Nhà nước, khiến thực trạng nợ, chậm đóng BHXH trở nên phức tạp hơn.
Một trong những nguyên nhân nữa theo ông Long, đó là hiện vẫn thiếu cơ chế để NLĐ theo dõi, giám sát việc NSDLĐ tham gia BHXH cho mình. Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, hằng tháng NSDLĐ trích từ tiền lương của NLĐ theo quy định của pháp luật để đóng cùng lúc vào Quỹ BHXH, nhưng lại không quy định trách nhiệm để NLĐ theo dõi, giám sát việc NSDLĐ tham gia BHXH cho mình. Do đó, trong thời gian vừa qua xảy ra một số trường hợp NSDLĐ không trích tiền lương của NLĐ để đóng BHXH hoặc đã trích tiền lương, nhưng không đóng BHXH cho NLĐ, dẫn đến quyền lợi của NLĐ không được bảo đảm.
Kiến nghị Quốc hội sửa đổi luật cho phù hợp
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tình hình doanh nghiệp nợ đọng BHXH gia tăng, thậm chí số tiền lớn, thời gian nợ kéo dài, theo ông Phan Nghiêm Long: Quy định của Luật BHXH về Công đoàn khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ chưa thực sự đi vào cuộc sống. Cụ thể, tại điểm d Khoản 1 Điều 14 Luật BHXH năm 2014 quy định tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ theo quy định tại Khoản 8 Điều 10 Luật Công đoàn. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này hiện còn vướng mắc do các quy định về quy trình, thủ tục khởi kiện trong các Luật liên quan còn chưa thống nhất.
Cụ thể, để khởi kiện một vụ án vi phạm pháp luật về BHXH ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, tổ chức Công đoàn phải có giấy ủy quyền của từng NLĐ; phải qua thủ tục hòa giải của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Nhưng trên thực tế, việc tổ chức Công đoàn đi lấy hết ý kiến ủy quyền của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn NLĐ là khó khả thi, và cũng ít có Công đoàn cơ sở nào đứng ra khởi kiện NSDLĐ của chính họ. Về phía NLĐ, một bộ phận NLĐ cũng không dám ủy quyền để kiện chủ doanh nghiệp của mình khi bản thân cần việc làm. Còn đối với NSDLĐ luôn trốn tránh, không hợp tác làm việc với các cơ quan chức năng, không ký nhận biên bản đối chiếu công nợ để làm căn cứ hoàn thiện hồ sơ khởi kiện.
Do đó, để quy định tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ thực sự đi vào thực tế, đòi hỏi các cơ chức năng tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật có liên quan đến nội dung này và kiến nghị Quốc hội sửa đổi cho phù hợp.
Trao đổi thêm về vướng mắc này, luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch Công ty Luật Hừng Đông cho rằng: Đây là vướng mắc lớn nhất, là sự bất cập, chưa thống nhất trong các quy định của pháp luật. Theo luật sư Huế, hiện, việc khởi kiện doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH chịu chi phối của 4 đạo luật, gồm: Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật BHXH và Bộ luật Lao động. Nhưng 4 luật này đang quy định chưa thống nhất, mâu thuẫn, tạo ra những cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho việc thụ lý các hồ sơ khởi kiện. Cụ thể, có luật quy định Công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH; có luật lại quy định Công đoàn cơ sở (CĐCS) có quyền khởi kiện; có luật lại chỉ quy định chung là Công đoàn có quyền khởi kiện.
Cạnh đó, việc giao quyền khởi kiện doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH cho CĐCS (vì xác định đây là tranh chấp lao động tập thể về quyền) là không phù hợp với thực tế, vì hầu hết đội ngũ cán bộ CĐCS đang hưởng lương từ chủ doanh nghiệp nên rất ít người “dám” đứng ra khởi kiện NSDLĐ bởi sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Đồng thời, theo Điều 14 Luật BHXH năm 2014 quy định tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, tập thể NLĐ theo quy định tại Khoản 8, Điều 10 của Luật Công đoàn.
CĐCS hoặc Công đoàn cấp trên trực tiếp (với những đơn vị, doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức CĐCS) có trách nhiệm đại diện cho tập thể NLĐ khởi kiện ra tòa. Thế nhưng, theo các điều khoản liên quan đến giải quyết tranh chấp lao động (quy định trong Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động, Luật BHXH và Bộ luật Tố tụng dân sự) thì để tổ chức Công đoàn khởi kiện được và tòa án chấp nhận thụ lý vụ án phải có giấy ủy quyền của NLĐ.
“Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc khởi kiện của tổ chức Công đoàn chưa phát huy hiệu quả. Bởi kể cả khi đã có đầy đủ giấy ủy quyền thì lúc đó việc tranh chấp sẽ được coi là tranh chấp cá nhân, tòa án sẽ phải xét xử mỗi một NLĐ bị nợ BHXH là một vụ án, quá trình tham gia tố tụng tốn nhiều thời gian; việc tập hợp NLĐ cũng gặp trở ngại khi mà họ đã chuyển đi làm ở những doanh nghiệp hoặc địa phương khác”, luật sư Nguyễn Danh Huế nêu.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng: Không nên đặt vấn đề ủy quyền khi Công đoàn khởi kiện đòi quyền lợi BHXH cho NLĐ. Theo ông Hiểu, đối với Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật BHXH có quy định để Tổng LĐLĐ Việt Nam khởi kiện thì phải do NLĐ ủy quyền, chúng tôi kiến nghị xem xét sửa lại quy định này, bởi theo Điều 10 Hiến pháp, Công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên của NLĐ. Vì vậy, với Công đoàn không nên đặt ra vấn đề ủy quyền. Ngoài ra, có nhiều doanh nghiệp có hàng nghìn, chục nghìn NLĐ, nếu rơi vào những trường hợp này thì thủ tục hành chính, thời gian, để tiến hành khởi kiện sẽ rất lớn.