Gỡ vướng để mô hình cho thuê tài chính phát triển
Mặc dù được đánh giá rất nhiều tiềm năng, song dư nợ cho thuê tài chính của Việt Nam mới chỉ chiếm 0,33% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Nhiều rào cản pháp lý cần tháo gỡ để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả.
Tại Hội thảo: “Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi phát triển cho thuê tài chính (CTTC) ở Việt Nam” mới đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam (VILEA) khẳng định, tiềm năng phát triển đối với ngành CTTC tại Việt Nam là rất to lớn với nền kinh tế có quy mô GDP trên 400 tỷ USD, hơn 800 ngàn DN, hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp… có nhu cầu về vốn, nhất là vốn trung dài hạn rất cao.
Theo ông Phạm Xuân Hòe, Tổng Thư ký VILEA, mặc dù hiện tại, thị trường Việt Nam mới có khoảng 10 Công ty CTTC đăng ký còn hoạt động nhưng đã đạt kết quả đáng khích lệ: Đã trở thành kênh cung ứng vốn trung dài hạn rất nhiều ưu điểm cho các DN và hộ kinh doanh. Tổng tài sản của các công ty CTTC hội viên đạt trên 40 ngàn tỷ đồng, tổng dư nợ cho thuê đạt gần 33 ngàn tỷ đồng; nếu tính cả các công ty CTTC có mặt trên thị trường thì dư nợ cho thuê đạt khoảng gần 40 ngàn tỷ đồng, bằng 0,33% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh bình quân 5 năm gần nhất đạt khoảng trên 1.000 tỷ đồng/năm; chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, nợ xấu các công ty hầu hết dưới 1%.
Mặc dù vậy, theo nhận định của VILEA, đây là những con số còn rất khiêm tốn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa chia sẻ được gánh nặng vốn trung dài hạn với các ngân hàng thương mại (NHTM). Cùng với đó, số lượng Công ty CTTC còn ít, sản phẩm dịch vụ được phép cung ứng hạn hẹp; DN và người dân biết đến kênh CTTC chưa nhiều… “Hoạt động CTTC còn có những khó khăn, hạn chế mà nguyên nhân quan trọng là từ hành lang pháp lý quy định về hoạt động của CTTC cũng như chính sách về thuế, phí đối loại hình hoạt động cấp tín dụng bằng tài sản đặc thù này...” - Tổng Thư ký VILEA Phạm Xuân Hòe nhận xét.
Từ thực tế, ông Nguyễn Thiều Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CTTC TNHH BIDV - SuMi TRUST cho biết, có rất nhiều rào cản từ tổ chức đến hoạt động của Công ty CTTC hiện đang cần tháo gỡ. Đơn cử như về hoạt động, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) quy định không được bổ nhiệm người quản lý của ngân hàng mẹ giữ vị trí quản lý tại Công ty CTTC; Luật cũng chưa cho phép Công ty CTTC được góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty con, công ty liên kết dưới mọi hình thức.
Trong hoạt động, Công ty CTTC cũng chưa được cung ứng dịch vụ tín dụng khác (như bao thanh toán, chiết khấu giấy tờ có giá), các dịch vụ phi tín dụng không rủi ro (như môi giới, ngoại trừ môi giới bảo hiểm)...; Không được vay từ 1 năm trở lên tại các TCTD (trừ ngân hàng mẹ). Ngoài ra, Công ty CTTC bị giới hạn các nguồn thu; một số chỉ tiêu giới hạn ở mức cao tương đương NHTM (Thông tư 22/2019/TT-NHNN, Thông tư 23/2020/TT-NHNN).
Đặc biệt, một số điều kiện quá chi tiết, cụ thể không còn phù hợp với bối cảnh mới và cũng có thể gây hiểu nhầm, rủi ro cho Công ty CTTC trong hoạt động, như: Quy định Công ty CTTC có nghĩa vụ “Đánh giá năng lực tài chính, uy tín của bên cung ứng hoạt động hợp pháp” (Nghị định 39/2014/NĐ-CP), có nghĩa vụ “Đánh giá tính hiệu quả của dự án, phương án sử dụng tài sản” (Nghị định 39/2014/NĐ-CP).
Hay chưa có hướng dẫn về “tài sản khác” (Nghị định 39/2014/NĐ-CP); Thiết bị bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc phạm vi định nghĩa là “tàu bay” nên không được CTTC đối với thiết bị này (Thông tư 30/2015/TT-NHNN); Thuê tài sản nhưng hoạt động sử dụng tài sản thuê ở nước ngoài…
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, lý do hạn chế quan trọng nhất đối với Công ty CTTC là quan điểm, nhận thức. “Không giống như các NHTM, các Công ty CTTC, các TCTD phi ngân hàng vẫn bị coi là "con nuôi", "có thì tốt không có cũng không sao". Vì lý do đó, chúng ta rất chậm trong việc sửa khung pháp lý. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi về thuế, phí, kế toán không có gì để thúc đẩy phát triển…” - Chuyên gia này nêu ý kiến, đồng thời cho rằng, việc làm luật riêng cho CTTC lúc này khó thì tốt nhất là sửa nội dung trong Luật Các TCTD.