Gỡ vướng mắc dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 (Khu công nghiệp Ông Kèo, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) là dự án nằm trong quy hoạch năng lượng quốc gia đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2019, có ý nghĩa quan trọng trong việc cung ứng điện cho cả nước. Hai nhà máy này dự kiến đưa vào vận hành thương mại trong năm 2024 và năm 2025. Tuy nhiên đến nay, dự án đang chậm tiến độ, kéo theo nhiều hệ lụy, do đó, cần nhiều giải pháp cấp bách để tháo gỡ.

Dự án chậm tiến độ, có thể gây thiệt hại khoảng 13 tỷ đồng/ngày

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 do Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) triển khai có quy mô công suất 1.500MW, tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD. Dự án có ý nghĩa lớn trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia khi cung cấp cho lưới điện khoảng 9 tỷ kWh/năm.

Theo kế hoạch, Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 sẽ phát điện thử nghiệm vào tháng 5-2024 và phát điện thương mại vào tháng 11-2024; Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 4 sẽ phát điện thử nghiệm vào tháng 11-2024 và phát điện thương mại vào tháng 5-2025. Tuy nhiên, đến nay dự án đã chậm tiến độ, khối lượng công trình hiện đã làm được 85%, tương đương khoảng 30.000 tỷ đồng được giải ngân với mức lãi suất trung bình khoảng 8%/năm thì mỗi ngày sẽ mất khoảng 6-7 tỷ đồng cho lãi và tỉnh Đồng Nai sẽ mất khoảng 6-6,5 tỷ đồng thu từ nguồn phát điện. Như vậy, thiệt hại tính được mỗi ngày sẽ khoảng 12-13 tỷ đồng; chưa kể những thiệt hại chưa tính được, đó là thiếu nguồn điện cho cả nước nói chung và khu vực nói riêng.

 Toàn cảnh đại công trường thi công Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4.

Toàn cảnh đại công trường thi công Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4.

Vướng nhất là mặt bằng và thủ tục đất đai

Qua rà soát của Bộ Công Thương, dự án này có 3 điểm nghẽn. Thứ nhất, về thủ tục đất đai và mặt bằng. Việc này có liên quan đến trách nhiệm của tỉnh Đồng Nai. Thứ hai, hệ thống lưới điện giải tỏa cho công suất của hai nhà máy, thuộc thẩm quyền trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vì đã được Chính phủ giao. Thứ ba, liên quan đến hợp đồng mua bán điện và hợp đồng mua bán khí, thuộc trách nhiệm của PVN và EVN. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đến nay, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Công Thương, 2 trong 3 khó khăn trên đã được giải quyết. Vấn đề còn lại là mặt bằng và thủ tục đất đai đang vướng mắc tại tỉnh Đồng Nai.

Đề cập đến vấn đề mặt bằng, ông Lê Như Linh, Tổng giám đốc PV Power cho biết, vướng mắc hiện tại là việc thuê đất đối với phần diện tích còn lại khoảng 30,7ha (đợt 2) liên quan đến đất của Khu công nghiệp Ông Kèo do Công ty Cổ phần Tổng công ty Tín Nghĩa (Công ty Tín Nghĩa) quản lý và chi phí thuê đất. Từ tháng 11-2023, PV Power đã có văn bản gửi Công ty Tín Nghĩa đề xuất được cắt đường số 4 (đoạn giao cắt đường dài khoảng 30m, rộng 20m) nằm trong Khu công nghiệp Ông Kèo để triển khai thi công tuyến kênh xả nước làm mát theo thiết kế đã được Bộ Công Thương thẩm định. Tuy nhiên, Công ty không chấp thuận. Đáng chú ý, về phí sử dụng hạ tầng tại Khu công nghiệp Ông Kèo, hai bên đã thống nhất và ký thỏa thuận vào ngày 12-10-2021 đến nay vẫn còn hiệu lực, nhưng Công ty Tín Nghĩa yêu cầu đàm phán lại và đang đề xuất mức phí 100USD/m2... "Việc chậm hoàn thành hạng mục kênh xả nước làm mát sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ hoàn thành đưa dự án Nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4 vào vận hành phát điện", đại diện PV Power nhấn mạnh.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 là dự án trọng điểm. Do đó, tiến độ dự án ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp cũng như Nhà nước. Trước những nguy cơ như vậy, PVN đề nghị các cơ quan của Nhà nước và tỉnh Đồng Nai sớm xem xét, giải quyết vướng mắc để PVN yên tâm triển khai và đưa dự án hoàn thành đúng kế hoạch. Đối với các vấn đề khó khăn, PVN đã nhiều lần mời Công ty Tín Nghĩa, các đơn vị liên quan để trao đổi nhưng chưa tìm được tiếng nói chung. PVN đề nghị Công ty Tín Nghĩa tôn trọng các cam kết trước đây.

Liên quan đến những vấn đề PV Power nêu trên, ông Trần Trung Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Tín Nghĩa cho biết, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã giao 633ha cho doanh nghiệp này, hiện đã bồi thường được 426ha, còn khoảng 200ha chưa bồi thường. Từ năm 2022, tổng diện tích Công ty đã giao cho PV Power là 36ha (diện tích này Công ty tự thỏa thuận với người dân việc đền bù). Do vậy, việc Công ty Tín Nghĩa sẽ cho PV Power thuê là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật.

Mục tiêu chung là đẩy nhanh tiến độ dự án

Trước những vướng mắc của dự án liên quan tới trách nhiệm của tỉnh, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai khẳng định, nút thắt lớn nhất hiện nay là thỏa thuận phí hạ tầng. Việc này cần phải xử lý dứt điểm. Công ty Tín Nghĩa và PV Power cần sớm thỏa thuận với nhau để không làm ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án này. "Công ty Tín Nghĩa vừa có cam kết sẽ để PV Power thi công cắt đường số 4, không cản trở việc thi công. Khi PV Power ký hợp đồng thuê đất (đợt 2), UBND tỉnh sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngay", đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết.

Để tháo gỡ khó khăn cho dự án, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh Đồng Nai cần quyết liệt, giải quyết vấn đề vướng mắc theo thẩm quyền. Trong đó, tạo điều kiện để PV Power triển khai tiếp các hạng mục còn lại. Mục tiêu chung là nhằm đẩy nhanh tiến độ trên thực tế. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai và các bên liên quan tiếp tục hỗ trợ EVN triển khai hai tuyến đường dây truyền tải 500KV để giải tỏa công suất của hai nhà máy này; tiếp tục xem xét để xử lý vấn đề pháp lý liên quan đến giao đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giao đất, góp phần sớm đưa dự án vào hoạt động...

Bài và ảnh: MINH ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/go-vuong-mac-du-an-nha-may-nhiet-dien-nhon-trach-3-va-4-777167