Gỡ vướng nửa chừng cho dự án của Gotec Land, Gamuda Land

UBND TP. HCM đồng ý về chủ trương cho phép dự án nhà ở của những doanh nghiệp này được bán một nửa số sản phẩm.

Dự án Shizen Home của Gotec Land được tháo gỡ vướng mắc một phần

Dự án Shizen Home của Gotec Land được tháo gỡ vướng mắc một phần

Trong báo cáo cập nhật tình hình tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, UBND TP. HCM mới đây cho biết đã đồng ý chủ trương cho phép dự án của các công ty Gotec Land, Gamuda Land và Quốc Lộc Phát được bán 50% sản phẩm căn hộ.

Trong đó, dự án của Gotec Land ở quận 7 là khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp có tên thương mại là Shizen Home, dự kiến cung cấp ra thị trường 550 căn hộ.

Shizen Home đã thi công xong phần móng hầm và đang lên tầng. Chủ đầu tư nhiều lần nộp hồ sơ lên Sở Xây dựng yêu cầu cấp thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua đối với nhà ở thương mại nhưng đều bị từ chối giải quyết.

Nguyên nhân được Sở Xây dựng đưa ra là nguồn gốc khu đất mà Gotec Land xây dựng dự án vẫn đang trong quá trình rà soát và đề nghị công ty liên hệ Sở Tài nguyên và môi trường để nắm tiến độ giải quyết. Sau khi có kết quả rà soát, Sở Xây dựng sẽ xem xét thực hiện thủ tục của dự án theo quy định pháp luật.

Lãnh đạo Gotec Land từng cho biết thời gian thực hiện thủ tục đã kéo dài sáu tháng, nếu tiếp tục kéo dài thì doanh nghiệp không còn khả năng duy trì hoạt động.

Còn dự án của Gamuda Land ở quận Tân Phú là khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng hay còn được biết đến là khu đô thị Celadon City.

Celadon City được khởi công năm 2010, hiện đã hoàn thành các công trình hạ tầng thiết yếu, cư dân vào sinh sống và các công trình tiện ích thương mại đã đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, Celadon City vẫn đang vướng mắc liên quan đến khoản nợ thuế 514 tỷ đồng của chủ đầu tư liên quan đến chi phí đền bù, hỗ trợ đối với diện tích đất được dùng với mục đích công cộng.

Dự án ban đầu có diện tích hơn 90 ha thuộc chủ đầu tư Sacomreal, sau này chuyển pháp nhân cho Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Sài Gòn Thương Tín Tân Thắng do Gamuda Land sở hữu.

Theo Gamuda Land, khi mua lại cổ phần, chủ đầu tư cũ cho biết được miễn thuế và họ chỉ thanh toán phần được công nhận. Tuy nhiên, sau đó, TP. HCM yêu cầu chủ đầu tư mới đóng phần thuế hơn 541 tỷ đồng do doanh nghiệp không trực tiếp chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư mà chỉ mua lại cổ phần nên không được khấu trừ chi phí bồi thường, tái định cư vào tiền sử dụng đất, thuê đất dự án.

Do không đồng ý đóng thuế nên dự án bị đình trệ lâu nay, Gamuda Land bị liệt vào danh sách nợ thuế hơn 541 tỷ đồng gồm cả tiền gốc và lãi.

Nguyên nhân UBND TP HCM cho chủ trương những dự án chỉ được bán 50% sản phẩm được một chuyên gia am hiểu về pháp lý và thị trường bất động sản lý giải là do các dự án này đều đang nằm trong diện bị vướng mắc về pháp lý.

Giai đoạn 2019 trở về trước, TP. HCM cho phép chủ đầu tư huy động vốn từ 70% đến 80% tổng số sản phẩm trong dự án nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng đã tạm nộp tiền sử dụng đất.

Việc giữ lại 20 - 30% tổng số sản phẩm của dự án để đảm bảo chủ đầu tư có nghĩa vụ hoàn thành hoặc hoàn thành nghĩa vụ tài chính phát sinh.

Còn ba dự án của Gotec Land, Gamuda Land, Quốc Lộc Phát đang bị vướng pháp lý, trong đó có dự án cơ quan kiểm tra, thanh tra hoặc kiểm toán đang thực hiện theo quy định.

Chẳng hạn dự án của Gamuda Land, có hai vấn đề là xin bán sản phẩm và việc nợ 541 tỷ đồng tiền thuế. Trong vụ việc này Gamuda Land là nhà đầu tư thứ cấp bởi vì họ mua lại dự án thì nghĩa vụ thuế này đúng ra bên bán phải thực hiện chứ không phải bên mua.

Về nguyên tắc những dự án vướng pháp lý phải dừng các thủ tục đầu tư, xây dựng kể cả kinh doanh nhưng trong bối cảnh doanh nghiệp đang quá khó khăn và trên tinh thần gỡ vướng cho thị trường bất động sản nên TP. HCM đồng ý về chủ trương cho bán 50% sản phẩm. Đây là giải pháp giúp cho doanh nghiệp có dòng tiền trong bối cảnh hiện nay.

“Tuy nhiên, việc này mới chỉ giải quyết được một nửa của vấn đề, phần còn lại TP. HCM và các cơ quan có trách nhiệm phải có kết luận cuối cùng xem có phát sinh nghĩa vụ tài chính hay không để xử lý dứt điểm cho doanh nghiệp”, vị này nhấn mạnh.

Ngoài ra, UBND TP. HCM cũng cho biết đang gỡ vướng dù không đề cập chi tiết tiến độ cho dự án Khu chung cư và thương mại Metro Star của Công ty cổ phần Đầu tư Metro Star (thuộc Tập đoàn CT Group).

Theo UBND TP. HCM, tất cả kiến nghị tháo gỡ vướng mắc do doanh nghiệp trực tiếp gửi hoặc Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc của Chính phủ chuyển đến đa phần nằm trong 189 kiến nghị tại 148 dự án mà Hiệp hội Bất động sản TP. HCM đã tổng hợp.

Đến nay, TP HCM đã chỉ đạo các sở ngành giải quyết được 52 kiến nghị tại 44 dự án.

Đối với 30 kiến nghị tại 30 dự án liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên môi trường đang tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải quyết theo chương trình giám sát của HĐND thành phố.

TP. HCM chia các kiến nghị thành năm nhóm để giải quyết, gồm nhóm vướng mắc thủ tục đầu tư; vướng mắc do thanh tra, điều tra, rà soát pháp lý; nhóm vướng đất công, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa; nhóm được các sở ngành đã có văn bản giải quyết và nhóm cuối cùng các dự án đã xây dựng hoàn thành, vướng mắc về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

TP. HCM đang tập trung giải quyết cho nhóm đầu tiên và nhóm cuối cùng với 36 dự án, còn lại sẽ theo dõi, tiếp tục xử lý khi có kết luận/bản án có hiệu lực pháp luật hay sau khi có ý kiến của bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Đối với 70 kiến nghị của 70 dự án do Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chuyển đến, TP HCM đã tổ chức họp và xem xét 31 kiến nghị.

Với các doanh nghiệp do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ thuộc TP. HCM quản lý có 232 kiến nghị, giải quyết xong 132, còn 100 kiến nghị đang được giải quyết.

Trọng Nghĩa

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/go-vuong-nua-chung-cho-du-an-cua-gotec-land-gamuda-land-1699949614096.htm