Gỡ vướng pháp lý dự án, giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai với chi phí hợp lý

Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính sách và thực thi hiệu quả tại địa phương được kỳ vọng tạo động lực để lĩnh vực đất đai phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong thời gian tới.

Hiện nay, tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội, việc quản lý, sử dụng loại đất công ích nông nghiệp bộc lộ không ít bất cập, gây lãng phí, thất thu ngân sách. Ảnh minh họa Mạnh Khánh-TTXVN

Hiện nay, tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội, việc quản lý, sử dụng loại đất công ích nông nghiệp bộc lộ không ít bất cập, gây lãng phí, thất thu ngân sách. Ảnh minh họa Mạnh Khánh-TTXVN

Năm 2025, Chính phủ đã đề ra các động lực và giải pháp rõ ràng để phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP ít nhất 8% và hướng tới mục tiêu "hai con số". Việc tiếp tục hoàn thiện thể chế về đất đai được kỳ vọng sẽ tạo nguồn lực quan trọng đối với nền kinh tế, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng chung. Từ đó, tạo động lực mạnh mẽ để nền kinh tế tiếp tục bứt phá. Theo các chuyên gia, cùng với việc phối hợp giữa cải cách thể chế, tháo gỡ vướng mắc pháp lý cần cải thiện cả ở khâu thực thi tại cấp địa phương để lĩnh vực đất đai trở thành động lực chính, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.

Ông Ngô Gia Cường - Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam (VAI) nhận xét, Luật Đất đai 2024 đã phân cấp, tạo thế chủ động cho địa phương nhưng với nhiều quy định có tính chuyên môn quá sâu đã dẫn đến việc các địa phương chỉ có thể làm theo mà khó có thể chủ động điều chỉnh. Do đó đã hình thành các điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Theo ông Cường, hiện nay chưa có đầy đủ các chỉ số thống kê thị trường bất động sản phù hợp (biến động giá đất) nên phải "mượn" chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để tính trong các công thức xác định giá đất cụ thể (phương pháp thu nhập, thặng dư) là chưa đảm bảo mức độ tin cậy, tính khách quan của chỉ số khi áp dụng trong công thức định giá đất.

Liên quan đến yếu tố quan trọng là chất lượng thực thi ở cấp địa phương, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn chứng, một số địa phương như Hải Phòng, Bắc Giang và Trà Vinh đã đạt tốc độ tăng trưởng hai con số nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi, thủ tục hành chính tinh gọn. Cùng đó là tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp rất cao. Nếu cả nước có khoảng 30 - 40 địa phương đạt tăng trưởng hai con số thì tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể.

Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những ưu tiên của năm 2025 là tháo gỡ vướng mắc pháp lý dự án và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai với chi phí hợp lý. Đặc biệt, cần cải thiện sự phối hợp giữa các bộ, ngành để đảm bảo tính đồng bộ và minh bạch trong hệ thống pháp luật, giúp các nhà đầu tư dễ dàng triển khai dự án.

Trên thực tế, cả nước vẫn còn nhiều dự án đầu tư đang bị đình trệ mà nguyên nhân chủ yếu vẫn là do vướng mắc từ hệ thống pháp luật. Mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc sửa đổi, hoàn thiện nhiều luật quan trọng nhưng sự chồng chéo giữa các quy định trong các lĩnh vực như đất đai, quy hoạch, xây dựng, phòng cháy chữa cháy vẫn tồn tại.

Vướng thủ tục pháp lý, nhiều dự án ách tắc, chậm tiến độ. Ảnh minh họa: Hoàng Lâm-TTXVN

Vướng thủ tục pháp lý, nhiều dự án ách tắc, chậm tiến độ. Ảnh minh họa: Hoàng Lâm-TTXVN

Các doanh nghiệp bất động sản phản ánh, thông thường, một dự án đầu tư thường liên quan đến rất nhiều luật. Nếu chỉ cần một trong số đó không thuận lợi thì sẽ dẫn đến ách tắc. Mong muốn sớm được tháo gỡ những vướng mắc pháp lý cũng là một trong những quan tâm của doanh nghiệp trong năm 2025 này. Nhất là việc tinh gọn thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch… đang bị phản ánh là kéo quá dài, thậm chí có dự án phải “đợi” tới vài năm.

Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường Nguyễn Đình Thọ nhận định, việc khai thác, tận dụng tối ưu nguồn lực đất đai là rất quan trọng. Luật Đất đai 2024 đã quy định việc tiếp cận quyền sử dụng đất của nhà đầu tư trong các lĩnh vực theo hướng mở rộng hơn, tạo ra môi trường đầu tư công khai, minh bạch, công bằng và thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai. Qua đó, sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

“Nếu lĩnh vực bất động sản tăng trưởng và phát triển tốt, sẽ góp phần thúc đẩy các ngành liên quan, góp phần tạo cơ sở để nền kinh tế đạt được mức tăng trưởng cao trong thời gian tới. Đặc biệt là các chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư triển khai dự án nhà , sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát giá cả và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững” – ông Thọ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Thọ cũng cho rằng, để những điểm tích cực của Luật Đất đai 2024 thực sự phát huy tác dụng thì việc thúc đẩy thực thi ở cấp địa phương là rất quan trọng. Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã yêu cầu các địa phương khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, tập trung vào kiểm kê đất đai, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.

Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc xác định giá đất liên quan trực tiếp đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và khả năng tiếp cận đất đai của doanh nghiệp cũng như người dân. Một số địa phương đã ban hành bảng giá đất mới, dựa trên nguyên tắc thị trường được quy định trong Luật Đất đai 2024.

Nhiệm vụ đặt ra là “hóa giải” được các thách thức lớn nhất đối với các địa phương là “nút thắt” trong huy động nguồn lực đất đai. Mục tiêu là không chỉ Nhà nước sẽ thu được ngân sách cao nhất từ đất đai mà còn phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận đất đai với chi phí hợp lý. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm giá thành sản phẩm - ông Thọ phân tích.

Luật Đất đai 2024 đã đưa ra quy định yêu cầu bảng giá đất phải tiệm cận với giá thị trường nhưng đồng thời yêu cầu các địa phương áp dụng hệ số điều chỉnh để xác định nghĩa vụ tài chính, đảm bảo mức tăng không vượt quá 15-20% so với kỳ trước. Nếu các địa phương thực hiện tốt việc này sẽ giúp ổn định, hài hòa nghĩa vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp, nâng cao khả năng tiếp cận đất đai của doanh nghiệp.

Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/go-vuong-phap-ly-du-an-giup-doanh-nghiep-tiep-can-dat-dai-voi-chi-phi-hop-ly/362145.html