'Góa phụ đen' gây ám ảnh với câu nói: 'Dù mai có chết, tôi cũng sẽ mỉm cười'
Nhiều người đàn ông có điều kiện kinh tế khá giả đều đột ngột qua đời qua một cách khó hiểu sau khoảng thời gian 'mặn nồng' với Chisako Kakehi.
Theo CNN, ngày 30/6 vừa qua, Tòa án Tối cao Nhật Bản tuyên án tử hình đối với Chisako Kakehi vì tội giết 3 người đàn ông (trong đó có chồng bà) và âm mưu giết người thứ 4.
Trước đó Kakehi đã bị kết án tử hình vào năm 2017 vì các vụ giết người xảy ra từ năm 2007 đến 2013 ở Kyoto, Osaka và Hyogo.
Đội ngũ pháp lý của bà Kakehi đã kháng cáo bản án tử hình, cho rằng bà này bị chứng mất trí nhớ và không có khả năng tham gia một phiên tòa hình sự. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao đã bác đơn kháng cáo của bà và đưa ra phán quyết cuối cùng là mức án tử hình vào ngày 30/6.
"Bà ấy đã lợi dụng các dịch vụ mai mối để lần lượt làm quen với các nạn nhân lớn tuổi và đầu độc họ sau khi chiếm được lòng tin của họ", thẩm phán Yuriko Miyazaki cho biết trong phán quyết. "Đó là một tội ác tàn nhẫn dựa trên một quyết tâm giết người cao độ và bài bản”.
Cáo trạng cho biết, khi chồng qua đời năm 1994, gia đình Chisako Kakehi ngừng kinh doanh xưởng in vải. Năm 2006, người chồng thứ hai của Chisako Kakehi chết vì trụy tim khi 69 tuổi. Người chồng thứ ba chết vào năm 2008 do nhồi máu cơ tim, sau ba tháng kết hôn. Những người đàn ông này đều được hỏa thiêu nên nhà chức trách không thể xác minh nguyên nhân tử vong.
Sau đó, Chisako Kakehi có quan hệ tình cảm với nhiều người khác, hầu hết đều trong độ tuổi 70-80, kinh tế khá giả, và không có con. Từ năm 2007 tới 2013, hai vị hôn phu, một người bạn trai và một người chồng của Chisako Kakehi lần lượt tử vong.
Chisako Kakehi bị bắt khi nhà chức trách tìm thấy dấu vết xyanua trong thi thể nạn nhân cuối cùng. Tại nhà riêng của Chisako Kakehi, cảnh sát thấy dấu vết xyanua trong thùng rác, cùng với dụng cụ pha chế thuốc và sách y dược. Và cũng từ đây, truyền thông đã gọi Chisako Kakehi bằng biệt danh “Góa phụ đen”.
Tại tòa, công tố viên khẳng định Chisako Kakehi đã giết hại nhiều nạn nhân sau đó trở thành người thụ hưởng tiền bảo hiểm nhân thọ giá trị lớn. Trong 10 năm, bà ta đã hưởng lợi tổng cộng khoảng một tỷ yên nhưng số tiền này đều tiêu tán vì thua lỗ khi đầu tư chứng khoán.
Giai đoạn xét xử ban đầu, Chisako Kakehi khẳng định mình vô tội. Trong một lần lên bục làm chứng, cáo đột ngột nhận tội, nói nguyên nhân giết người chồng cuối là vì ông ta keo kiệt với mình trong khi đem nhiều tiền cho phụ nữ khác. Một tuần sau, Chisako Kakehi nói không nhớ đã thừa nhận giết người.
Ngày 7/11/2017, tòa án quận Kyoto tuyên án tử hình bằng hình phạt treo cổ với Chisako Kakehi. Khi bác đơn kháng cáo của Chisako Kakehi, tòa phúc thẩm cho hay dù mắc chứng sa sút trí tuệ, bà ta vẫn nhận thức rõ và tính toán trước những vụ giết người, thể hiện qua viên thuốc con nhộng chứa xyanua đã được chuẩn bị sẵn.
Cho đến tận bây giờ, Chisako Kakehi vẫn chưa có một lời xin lỗi đến gia đình các nạn nhân, thể hiện thái độ xem nhẹ tính mạng con người. Thậm chí, người phụ nữ còn thản nhiên tuyên bố: “Dù mai có chết, tôi cũng sẽ mỉm cười”.
Han (tổng hợp)