Góc khuất chiến lược 'ngoại giao sân vận động' của Trung Quốc

Campuchia vừa được Trung Quốc bàn giao một sân vận động hoàn toàn mới, trị giá 150 triệu USD, trở thành quốc gia mới nhất được Bắc Kinh trao tặng dự án quy mô như thế này.

Sân vận động quốc gia Morodok Techno do Trung Quốc tài trợ và bắt đầu xây dựng vào năm 2013 đã chính thức hoàn thành và bàn giao cho chính quyền sở tại vào khoảng giữa tháng 9 vừa qua, một món quà mà Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định là để thể hiện tình hữu nghị với Campuchia. Campuchia dự kiến sẽ sử dụng sân vận động nằm ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh này để đăng cai Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32) vào năm 2023.

Món quà nhiều ý nghĩa

Sân vận động Morodok Techno được thiết kế trông giống như một chiếc thuyền, với cấu trúc cao ở hai đầu mô phỏng mũi và đuôi thuyền. Bộ trưởng Du lịch Campuchia Thong Khon cho biết, thiết kế này nhằm biểu thị mối quan hệ của Trung Quốc và Campuchia, bởi người Trung Quốc từng đi thuyền đến Campuchia hàng trăm năm trước. Hình dạng mũi thuyền cũng tượng trưng cho "Sampeah", một cách chào truyền thống của Campuchia hoặc thể hiện sự tôn trọng khi một người áp hai lòng bàn tay vào nhau trước ngực và cúi chào.

Giới chức Campuchia và Trung Quốc trong sân vận động Morodok Techno vừa hoàn thiện.

Bao quanh sân vận động 5 tầng là một hào nước rộng với các đài phun nước, bày tỏ sự tôn kính đối với ngôi đền Angkor Wat mang tính biểu tượng của Campuchia. Công trình này có sức chứa 60.000 người, bao gồm một sân bóng đá tiêu chuẩn quốc tế, một bể bơi và một đường chạy đạt tiêu chuẩn Olympic. Theo Ban Tổ chức SEA Games Campuchia, tổ hợp sân vận động cũng có đầy đủ các phòng tập, cả trong nhà và ngoài trời, khu thể thao phức hợp dưới nước, đáp ứng nhu cầu tổ chức các trận đấu thể thao như cricket, bóng rổ và cầu lông. Theo Khmer Times, việc xây dựng sân vận động này có sự tham gia của 340 kỹ sư Trung Quốc và 240 công nhân Campuchia.

Với quan hệ chặt chẽ suốt nhiều năm qua, Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD viện trợ, cho vay và đầu tư vào Campuchia. Một số nguồn tin được truyền thông đăng tải vài tháng trở lại đây cho rằng Trung Quốc có thể đang mở rộng sự hiện quân sự tại quốc gia này sau khi Campuchia phá dỡ 2 hạ tầng do Mỹ tài trợ tại một trong những căn cứ hải quân, nhất là trong bối cảnh cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung tại Đông Nam Á ngày càng khó phủ nhận và các khoản viện trợ trao đi đổi lại giữa hai chính phủ Trung Quốc-Campuchia nhiều khi không được công khai cụ thể.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu Trung Quốc trao những “món quà” là dự án cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển, một hoạt động nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường để gia tăng ảnh hưởng với các quốc gia khác.

Trung Quốc đã giúp nhiều nước xây dựng sân bay, đường sá và các tuyến đường vận chuyển nhưng trong số đó, sân vận động là những công trình đặc biệt đáng chú ý. Cùng với các sân vận động hiện đại, quy mô và tầm cỡ, Trung Quốc còn có một số dự án cơ sở hạ tầng trên khắp các quốc gia đang phát triển. Trung Quốc đã xây dựng gần 1.400 công trình ở các quốc gia đang phát triển trong 60 năm qua, bao gồm cả các sân vận động. Theo số liệu được công bố trên tạp chí Habitat International năm 2019, Trung Quốc đã xây dựng, thiết kế và tài trợ hơn 100 sân vận động ở các quốc gia châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi. Không khó hiểu khi một số nhà nghiên cứu bắt đầu đặt tên cho chiến thuật này là "ngoại giao sân vận động".

Không có gì miễn phí

“Ngoại giao sân vận động” thoạt nghe có vẻ nhỏ bé hơn so với các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược như đường bộ, đường sắt, đập và cảng biển. Tuy nhiên, đây là những công trình “đôi bên cùng có lợi” mang tính chiến lược. Chi phí dễ chấp nhận, kiến trúc không quá phức tạp, lợi ích dễ thấy và dễ được người dân đón nhận hoặc thậm chí là mang tính biểu tượng cao đối với quốc gia sở tại. Mục tiêu cuối cùng của chiến lược này được cho là nhằm tăng cường quan hệ song phương, đảm bảo cho Trung Quốc các hợp đồng lớn, giành quyền tiếp cận đặc quyền các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hay thậm chí là tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia bè bạn này tại các thể chế và diễn đàn quốc tế.

Bề ngoài sân vận động Morodok Techno gợi nhớ biểu tượng Angkor Wat.

Nhiều nhà chỉ trích cho rằng Trung Quốc đã và đang sử dụng quyền lực mềm để ngày càng khẳng định vị thế và chiếm cảm tình của các quốc gia khác. Nói một cách đơn giản, “ngoại giao sân vận động” là một phương thức ngoại giao văn hóa của Trung Quốc, nhằm thiết lập và tài trợ cho các sân vận động cũng như các thiết bị thể thao thông qua viện trợ nước ngoài ở châu Á, Mỹ Latinh, vùng Caribe, châu Phi và Nam Thái Bình Dương. Viện trợ nước ngoài là một hình thức quan hệ quốc tế giữa các quốc gia và các dự án cơ sở hạ tầng là một hình thức viện trợ nước ngoài khá phổ biến. Bằng cách phát triển các dự án cơ sở hạ tầng, một số quốc gia ủng hộ các nước khác để đổi lấy các điều khoản thương mại, ưu đãi hoặc thậm chí là chính trị mà họ mong muốn.

Trung Quốc hiểu rằng người dân ở nhiều quốc gia đang phát triển rất yêu thích thể thao và việc tiếp cận với các sân vận động hiện đại thường là ước mơ của những người đam mê bóng đá trên toàn cầu. Sự tham gia của Trung Quốc đã dẫn đến những bước phát triển quan trọng trong nhận thức của các cổ động viên tại nước sở tại đối với các đội tuyển quốc gia Trung Quốc khi đi ra đấu trường bên ngoài. Một trong những lợi thế mà Trung Quốc có được là sự thức thời về tăng cường sức mạnh mềm của mình trên quy mô quốc tế.

Nhiều trường hợp có thể xem là minh chứng cho thấy Trung Quốc, đưa ra các đề xuất “không ràng buộc” để yêu cầu các quốc gia có thể hưởng lợi ủng hộ nhiều chính sách quan trọng mà nước này xem là cốt lõi, như “một Trung Quốc”, để đổi lấy các dự án xây dựng sân vận động mới. Costa Rica là một ví dụ điển hình, sau khi quay lưng với hòn đảo Đài Loan và chính thức công nhận Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, San José đã cùng Bắc Kinh đàm phán một hiệp định thương mại tự do dẫn đến việc xây dựng sân vận động quốc gia Costa Rica, công trình khánh thành năm 2011 với chi phí khoảng 100 triệu USD.

Ngoại giao sân vận động thực tế không phải là điều gì mới mẻ, mà đã bắt đầu ngay từ năm 1958, khi Chính phủ Trung Quốc đóng vai trò trong dự án xây dựng sân vận động thể thao quốc gia ở Mông Cổ, một nỗ lực đóng góp cho hạ tầng thể thao của nước láng giềng cũng như công tác đào tạo vận động viên. Những nỗ lực này của Trung Quốc cũng dần lan từ khối các quốc gia xã hội chủ nghĩa sang các quốc gia dân tộc chủ nghĩa, như Indonesia và Campuchia, thậm chí vươn xa hơn tới Fiji, Sri Lanka và vùng Caribe.

Cách Trung Quốc tài trợ và tham gia xây dựng các sân vận động ở Mỹ Latinh và châu Phi được vận hành như một phần trong chính sách viện trợ nước ngoài của quốc gia này. Trên khắp châu Phi ngày nay, người ta không khó thấy sự hiện diện ngày càng tăng của các khoản đầu tư của Trung Quốc vào thị trường và cơ sở hạ tầng. Năm 2000, Trung Quốc đã khởi động Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (CACF), xúc tiến viện trợ nước ngoài dưới hình thức tài trợ, cho vay không lãi suất và đầu tư ưu đãi.

Vô số lỗ hổng

Nhược điểm lớn nhất trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc là những hạn chế về trình độ của kiến trúc sư, do đó phần việc này thường được giao cho các kiến trúc sư địa phương hoặc từ Nga có uy tín. Một điểm quan trọng khác là Trung Quốc theo sát và chịu trách nhiệm về toàn bộ quá trình từ lên kế hoạch, phác thảo cho đến khi hoàn thành sân vận động, bao gồm cả lựa chọn vật liệu, thiết kế và lắp đặt, cử nhân viên kỹ thuật và kỹ sư Trung Quốc giám sát và điều phối các dự án.

Một góc sân vận động Morodok Techno.

Vài năm trở lại đây, mô hình tài trợ của Trung Quốc vấp phải nhiều chỉ trích liên quan đến các vấn đề bức xúc như nhân đạo, tham nhũng và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Các nhà phê bình mô tả những “sân vận động hữu nghị” mà Trung Quốc góp phần xây dựng giống như những con ngựa thành Troy được sử dụng để chinh phục các thị trường địa phương

Sự phát triển của tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc là lý do khiến quốc gia này ngày càng cần các nguồn nguyên liệu cơ bản để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Ngoại giao sân vận động nhìn từ góc độ này đã giúp Trung Quốc không chỉ củng cố sức mạnh mềm mà còn tạo ra mối quan hệ tài chính lâu dài với nhiều quốc gia, mở đường cho Trung Quốc dễ dàng tiếp cận các nguồn cung cần thiết.

Mối quan tâm mà Trung Quốc dành cho các nguồn nguyên liệu thô là điều khó phủ nhận. Lấy ví dụ, Trung Quốc đã tích cực đầu tư xây dựng các sân vận động quy mô tại Angola, Gabon và Guinea Xích đạo - những quốc gia có trữ lượng dầu mỏ quan trọng ngoài khơi. Theo truyền thông, Trung Quốc đã xây dựng một sân bóng đá ở quốc gia châu Phi nghèo khó Guinea Bissau để đổi lấy quyền thăm dò vùng biển và rừng của quốc gia này.

Những lo ngại về các dự án của Trung Quốc còn xoay quanh vấn đề đãi ngộ cho công nhân và tiêu chuẩn an toàn thường không được đánh giá cao. Các liên đoàn lao động cũng thường xuyên phải đặt câu hỏi về thị trường lao động địa phương khi các công ty xây dựng Trung Quốc thường đưa một lượng lớn lao động từ Trung Quốc sang các dự án này, không đem lại nhiều lợi ích thực tế về việc làm cho địa phương.

Chi phí và công tác bảo trì cũng là vấn đề thường bị bỏ qua, nơi các sân vận động dần mất đi vẻ hào nhoáng ban đầu, phản ánh một sự phát triển thiếu bền vững. Sân vận động mini Sligoville ở Jamaica đã đổ nát sau nhiều năm xây dựng. Sân vận động quốc tế Mahinda Rajapaksa ở Sri Lanka đã bị ảnh hưởng bởi các tranh cãi về tài chính trong khi dự án tại Costa Rica nhận về nhiều chỉ trích gay gắt do không cải thiện tình trạng thất nghiệp nội địa và không có kinh phí để bảo trì, tạo thêm gánh nặng kinh tế. Nhiều tổ chức phi chính phủ và nhân quyền khác đã chỉ trích chính sách “ngoại giao sân vận động” của Trung Quốc, nhất là khi thực tế cho thấy các dự án đầu tư kiểu này dễ đẩy các quốc gia rơi vào gánh nặng nợ nần.

Chiến lược thân thiện, tìm cách trở thành “bạn đồng hành của hầu hết mọi người” mà Trung Quốc thúc đẩy đã vấp phải cản lực mạnh mẽ từ khi dịch COVID-19 bùng phát, khiến quốc gia này hứng chịu nhiều chỉ trích vì công tác xử lý đại dịch thời điểm đầu. Các dự án xây dựng hạ tầng, kể cả các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.

Trong bối cảnh đó, các nguồn viện trợ nước ngoài của Trung Quốc ban đầu có vẻ hấp dẫn cho đến khi các quốc gia đang phát triển hoặc kém phát triển nhận ra những góc khuất đằng sau các khoản đầu tư khổng lồ từ “người bạn” Trung Quốc. Về lâu dài, những sân vận động này có thể chỉ còn là biểu tượng hoành tráng cho tình hữu nghị, hơn là một đại diện mạnh mẽ cho quyền lực mềm của Trung Quốc.

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/goc-khuat-chien-luoc-ngoai-giao-san-van-dong-cua-trung-quoc-i629531/