Góc khuất đằng sau những biểu cảm hài hước ở môn nhảy cầu Olympic
Nhà báo David Wharton có bài phân tích các VĐV phải đối diện với nguy hiểm khi tham gia môn nhảy cầu ở Thế vận hội.
Những vận động viên môn nhảy cầu ở Olympic nhìn hồ bơi theo cách rất khác so với chúng ta. Họ quan sát và tính toán cẩn thận các góc, lực hấp dẫn và khả năng ổn định kết cấu cơ thể để nhận ra những trường hợp không may có thể khiến việc tiếp nước trở thành “đập mạnh vào sàn nhà”.
VĐV nào cũng nhận thức được yếu tố khoa học trong môn thể thao của họ. Một cơ thể người lao xuống từ độ cao 10 m, đầu hướng xuống, đạt tốc độ khoảng 32 dặm một giờ. Cơ thể anh ta sẽ tiếp xúc đột ngột của với sức căng 72 mN/m (milinewton trên mét) của mặt nước.
“Không nhiều người biết khi cơ thể chạm mặt nước sẽ có cảm giác cứng như bê tông trong tích tắc trước khi chúng ta vượt qua bề mặt”, Kassidy Cook, một cựu VĐV nhảy cầu của đội tuyển quốc gia Mỹ, người từng thi đấu ở Olympic chia sẻ.
Sự thật tàn nhẫn
Khi cuộc thi nhảy cầu diễn ra tại Thế vận hội, các VĐV trông rất duyên dáng trên truyền hình với những cú lộn và xoay vòng ấn tượng. Tuy nhiên, nhiều người trong số đó đã phải trải qua thời gian dài chìm trong đau đớn.
Gãy cổ tay, trật khớp vai, vẹo cổ, xoắn khuỷu tay và thủng màng nhĩ là những chấn thương tương đối phổ biến với VĐV nhảy cầu chuyên nghiệp. Dập phổi do tác động của lực cũng là một dạng chấn động thường thấy.
Mỗi cú nhảy cầu đều khiến cơ, dây chằng và xương chịu những cú sốc nhất định. Nó gần như những áp lực mà một cầu thủ tấn công trong môn bóng bầu dục trải qua.
John Locke, người đứng đầu bộ phận y tế của USA Diving, cho biết: “Đây là môn thể thao va chạm. Cơ thể bạn phải chịu sức ép tiêu cực mà bạn phải vượt qua để trở thành vận động viên Olympic”.
Tham gia thi đấu ở Olympic Tokyo với chiếc đinh vít ở cổ tay đã được phẫu thuật chỉnh hình, gân bánh chè ở cả hai đầu gối bị viêm, và lưng dưới bị đau, Brandon Loschiavo của đội Mỹ chia sẻ: “Chơi nhảy cầu không khác gì tự đánh đập bản thân bạn”.
Khi xem nhảy cầu ở Olympic, hầu hết sự chú ý của chúng ta sẽ tập trung vào những màn phóng mình từ bệ hoặc ván của các VĐV. Vận tốc chuyển động giúp họ xoay cơ thể theo hình vòng cung dần dần về phía mặt nước. Trong suốt hành trình đi xuống, họ phải nhận thức được vị trí cơ thể mình trong không gian đồng thời để mắt đến mặt nước với hy vọng sẽ lao xuống hướng càng vuông góc càng tốt.
“Khóa khớp gối là một trong những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. Tôi đã bị nhiều lần. Một trong những lần đó khiến tôi rách dây chằng đầu gối”, Krysta Palmer, thành viên nhảy cầu tuyển Mỹ, chia sẻ.
Nhảy ở độ cao 10 m tương đương với việc rời khỏi một tòa nhà ba tầng, có thể gây ra chấn thương do căng cơ lặp đi lặp lại. Những VĐV nhảy từ độ cao thấp hơn (3 m) cũng không khác là mấy khi vận tốc tiếp xúc mặt nước không ít hơn bao nhiêu.
Tất cả VĐV nhảy cầu phải đối phó với thực tế chung là càng xuống sâu, thì sự kết dính của nước càng mạnh hơn. Điều này thay đổi đôi chút theo từng bể bơi, nhiệt độ.
Bộ quần áo tắm không có khả năng bảo vệ, ngay cả khi VĐV băng cổ tay và bàn tay. Trong nháy mắt, cơ thể của họ phải trám vị trí của hàng gallon nước khi xâm nhập.
Nathaniel Jones, giáo sư phẫu thuật chỉnh hình và làm việc với các VĐV nhảy cầu tại Trung tâm Y tế Đại học Loyola (Illinois), cho biết: “Trọng lực đưa bạn xuống và nước đột ngột chặn bạn lại. Cơ thể nhanh chóng giảm tốc khi va chạm”.
Mục tiêu của các VĐV nhảy cầu là làm sao giảm thiểu những cú sốc trên “chuỗi” bàn tay, cổ tay, khuỷu tay và vai. Quá trình này yêu cầu các VĐV tiếp xúc mặt nước ở một góc vuông, với hai cánh tay dang rộng, hai bàn tay chồng lên nhau và mũi bàn tay hướng xuống. Các VĐV cố gắng đục một lỗ trên bề mặt và trượt càng êm càng tốt qua một lỗ nhỏ đó.
“Nếu bạn lỡ nắm lấy tay, tất cả áp lực của nước sẽ dồn vào cơ tam đầu”, VĐV nhảy cầu người Anh, Noah Williams, giải thích cách anh từng bị xé rách cơ. "Nghe chẳng dễ chịu chút nào, nhưng đó là một phần của thể thao".
Chiến đấu để sinh tồn
Một pha tiếp xúc mặt nước hoàn hảo được gọi là “rip” vì nó âm thanh nó phát ra giống như tiếng xé giấy. Brandon Loschiavo mô tả việc đó là "cắt miếng phô mai nóng". Đối với ban giám khảo, cú tiếp nước hoàn hảo giúp VĐV nhận được điểm số cao; đối với các VĐV, điều đó giúp họ thoát khỏi những cơn đau đớn.
Tuy nhiên, không phải lúc nào và không phải VĐV nào cũng có thể tránh được đau đớn, nhất là khi họ phải thực hiện một loạt cú xoay người và lộn nhào chóng mặt.
Xoay quá ít hoặc quá nhiều, thậm chí một vài độ, sẽ khiến cơ thể VĐV chạm nước ở một góc khó. Bất kỳ kiểu xoắn hoặc mất cân bằng nào cũng có thể gây đau đớn lên các khớp xương. Nếu cơ thể tồn tại “liên kết yếu” - một nhóm cơ không khỏe bằng những cơ khác - chấn thương sẽ tìm đến đó.
Khi môn thể thao này phát triển, các VĐV được đòi hỏi phải cố gắng nhảy với độ khó cao hơn cũng là khi họ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn.
Cook đã tham gia các cuộc thi thử ở Mỹ trước khi dự Thế vận hội với một vết nứt ở vai và suýt chút nữa cô đã không vào đội tuyển.
"Bạn đã bao giờ thực hiện động tác gập bụng xuống thành hồ bơi chưa? Hãy tưởng tượng bạn nhảy từ độ cao hơn 15 feet và thực hiện nhiều cú nhào lộn xem bạn đau đến mức nào”, Cook nói.
Steele Johnson, người từng đoạt huy chương bạc tại Thế vận hội Rio 2016, đã phải rút lui với một bàn chân bị thương nặng đến nỗi anh ta gần như không thể bước qua sàn hồ bơi.
“Tôi đã trải qua 2 cuộc phẫu thuật thất bại. Tại một số thời điểm, bạn phải đưa ra quyết định sáng suốt để bảo vệ sức khỏe của mình hơn là vinh quang Olympic", Johnson nói với NBC Sports.
VĐV nhảy cầu người Canada Caeli McKay đến Tokyo với một chấn thương mắt cá chân chia sẻ: “Trong quá trình tập luyện, tôi chỉ có thể thực hiện 25 lần nhảy cầu mỗi ngày”.
Các VĐV hàng đầu cố gắng bảo vệ mình bằng cách củng cố nhóm cơ vai, cánh tay và các cơ quan trọng trong phòng tập. Chúng co giãn liên tục để duy trì sự linh hoạt. Thực hành kỹ thuật nhào lộn và hạ cánh trên tấm đệm xốp (được gọi là tập luyện trên cạn) cũng hữu ích. “Đó là môn thể thao lặp đi lặp lại,” Loschiavo nói.
Hầu như tất cả VĐV ít nhiều đều chấn thương. Đó là thực tế của việc cạnh tranh ở cấp độ cao. Vì vậy, mảnh ghép cuối cùng cho những ai muốn tranh tài tại Thế vận hội chính là sự chuẩn bị về mặt tinh thần.
Khoảng 59 bước lên bục 10 m, những khoảnh khắc căng thẳng khi đứng ở rìa ván với cánh tay giang rộng, khiến các VĐV tốn khá nhiều thời gian cho sự nghi ngờ.
Cook nói: “Bạn sẽ tự hỏi: Lần lặn này đã khiến mình bị thương trước đây. Điều gì sẽ xảy ra nếu mình tự làm tổn thương mình một lần nữa?"
Sự tưởng tượng có thể giảm bớt lo lắng. Các VĐV biết cách tạo sự tự tin với các bài tập trên cạn và tập tạ. Họ nghiên cứu khoa học để tìm cách vượt qua chấn thương.
“Bất cứ khi nào mọi người nghe về những vết thương, họ đều hỏi: Có thật không? Họ không hề biết nước có thể tàn nhẫn đến mức nào”, Cook chia sẻ.
Đó là phần chúng ta không thể nhìn thấy ở môn thể thao này.