Góc khuất kho margin cho vay với tỷ lệ 'siêu khủng'
Sau khi khách hàng ký hợp đồng, kho margin sẽ cho vay với tỷ lệ 1 đồng vốn sẽ vay được 5 đồng để mua cổ phiếu. Mọi giao dịch được thực hiện qua tài khoản kho.
Có 1 đồng vay được 5 đồng
Hiện nay, các công ty chứng khoán thường cung cấp dịch vụ đòn bẩy tài chính (margin) cho nhà đầu tư, thường gọi là “cho vay ký quỹ” với tỷ lệ cho vay thông thường là 50%. Tuy nhiên, do nhu cầu nhà đầu tư muốn sử dụng đòn bẩy tài chính cao nên đã tìm đến những kho margin ở ngoài với tỷ lệ cho vay cao ngất ngưởng.
Theo khảo sát của phóng viên, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện hàng loạt quảng cáo chào mời về dịch vụ cho vay kho margin gấp nhiều so với số vốn tự có.
Trong vai khách hàng cần vay kho margin, phóng viên liên hệ với tài khoản Facebook J. Người này cho biết, kho margin ở TP. Hồ Chí Minh. "Kho bên em là kho tiền mặt, không có bán khống", người này nói.
Theo người này, các kho danh mục cho vay sẽ được thống kê theo các nhóm: Cụ thể, nhóm cổ phiếu A có 106 mã, tỷ lệ ký cọc là 20%, tỷ lệ vay 80% (1 - 5); nhóm cổ phiếu B gồm 245 mã, tỷ lệ ký cọc 25%, tỷ lệ cho vay 75% (1 - 4); nhóm cổ phiếu C gồm 287 mã, tỷ lệ ký cọc 40%, tỷ lệ cho vay 60%.
"Các mã mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho vay thì kho sẽ cho vay với tỷ lệ 1 vay 5. Ví dụ 100 triệu đồng vốn sẽ mua được giá trị cổ phiếu 500 triệu đồng. Lãi suất dao động từ 15,5 - 16,8% tùy theo dư nợ", người này nói.
Đối với gói 1, margin tối đa là 1 - 5 (nghĩa là vốn 20% cho vay 80%). Gói này gồm tất cả các mã mà không được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho vay, mã nóng và mã trên sàn UpCom. Theo đó, khách hàng có 100 triệu đồng vốn sẽ mua được 500 triệu đồng, 1 tỷ đồng mua được 5 tỷ đồng. Lãi suất 16,8%/năm, phí giao dịch 0,2%.
Đối với gói 2, margin tối đa 1 - 3 (vốn 30% cho vay 70%). Hình thức này áp dụng với danh mục được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho vay. Theo đó, 100 triệu mua được 300 triệu, 1 tỷ mua được 3 tỷ.
Nhân viên tư vấn này cho rằng, khách hàng có thể xem trước hợp đồng, nếu đồng ý thì phía kho sẽ soạn thảo hợp đồng và gửi đường bưu điện để cho khách ký. "Sau khi soạn hợp đồng ký tá chốt xong, em sẽ nhận cọc rùi vào lệnh mua bán cho anh. Cuối ngày bên em sẽ gửi anh bảng tổng hợp Excel", người này nói.
Sau đó, tư vấn viên này kết nối khách hàng với N.T.D. ở kho margin. Qua trao đổi, D. cũng khẳng định mình là nhân viên của Công ty Chứng khoán K. Để thuyết phục khách hàng, D. còn gửi cả căn cước công dân, card visit để chứng minh đúng mình là người của công ty chứng khoán này.
Sau đó, D. đề nghị khách hàng cung cấp ảnh căn cước công dân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, email, địa chỉ sinh sống... để soạn thảo hợp đồng. Sau đó, D. gửi hợp đồng bằng đường bưu điện đến cho khách hàng, khi khách hàng ký sẽ được mở kho.
Trong hợp đồng ký sẵn, kèm card visit, thậm chí nội dung hợp đồng cũng thể hiện rõ: "Bên B là nhân viên của Công ty Chứng khoán K.". Theo tìm hiểu, Công ty Chứng khoán K. có địa chỉ tại quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
"Núp bóng" hợp đồng ký quỹ
Đối với dịch vụ margin của công ty chứng khoán, nhà đầu tư sẽ sử dụng tài khoản chứng khoán của mình để nạp tiền vào tài khoản và tự vào app/web đặt lệnh mua hoặc bán cổ phiếu. Đồng thời có thể tự kiểm tra danh mục đầu tư của công ty chứng khoán.
Tuy nhiên, đối với việc sử dụng kho ngoài này, nhà đầu tư không thể trực tiếp sử dụng tài khoản chứng khoán của mình mà phải sử dụng tài khoản của kho. Hiểu đơn giản là nhà đầu tư gửi tiền để đại diện của kho margin mua và bán cổ phiếu thay mình.
Theo đó, phía đại diện của kho margin và nhà đầu tư sẽ hợp tác với nhau bằng bản hợp đồng ký quỹ.
Cụ thể, mẫu hợp đồng mà phóng viên có được là dạng "Hợp đồng ký quỹ kho margin" theo hình thức khách hàng ủy quyền cho D. các quyền như: Đặt lệnh giao dịch (lệnh mua, lệnh bán, lệnh hủy, lệnh sửa...) thông qua các phương thức đặt lệnh do tài khoản kho margin 2 - 8 (2 đồng mua được 8 đồng - PV). Phí giao dịch 0,2% và thuế 0,1%.
Giao dịch ký quỹ trên cơ sở hợp đồng giao dịch ký quỹ chứng khoán qua tài khoản kho margin sẽ được tính với lãi suất 16,8%/năm.
Bản hợp đồng ký quỹ này cũng có những quy định rất cụ thể như: Ký quỹ 20% đối với mã chứng khoán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho vay (tỷ lệ ký quỹ nhỏ hơn 20% sẽ call margin (lệnh gọi ký quỹ), tỷ lệ ký quỹ nhỏ hơn 15% thì kho sẽ chủ động thanh lý cân đối về tỷ lệ an toàn); Ký quỹ 32% đối với mã chứng khoán không nằm trong danh sách được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho vay (tỷ lệ ký quỹ nhỏ hơn 32% sẽ call margin, tỷ lệ ký quỹ nhỏ hơn 25% thì kho sẽ thanh lý để cân đối về tỷ lệ an toàn).
Đáng chú ý, hợp đồng này còn thể hiện ông D. được thực hiện vay ứng trước tiền bán chứng khoán trên tài khoản giao dịch tại kho. Phí ứng bằng số tiền cần ứng x số ngày ứng x 0,15%.
Sau khi khách hàng nói đã ký và gửi lại hợp đồng, D. nói có thể giao dịch qua kho luôn. Theo đó, nhà đầu tư đã chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của D. Nhà đầu tư chỉ cần thông báo mã cổ phiếu và giá cần mua thì D. nói sẽ báo tỷ lệ ký quỹ và khối lượng cổ phiếu có thể mua được. Nếu nhà đầu tư đồng ý, đại diện kho sẽ đặt lệnh mua bán trên tài khoản của đại diện kho.
Khi hoạt động mua bán thành công, D. gửi thông báo về số lượng cổ phiếu đã khớp và mức giá khớp lệnh. Trong ngày, D. gửi bảng thống kê các hoạt động giao dịch để nhà đầu tư có thể nắm được.
Liên quan vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI Scurities) cho biết,tình trạng kho margin đã tồn tại nhiều năm nay. Quy định pháp luật hiện tại còn rất là nhiều lỗ hổng, chưa quy định một cách cụ thể, rõ ràng. Trong khi đó, các bên họ hoạt động dựa trên những nhu cầu thỏa thuận với nhau.
Tuy nhiên, hoạt động kho margin sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Việc cho vay tỷ lệ cao, nếu thị trường thuận lợi thì khi giá cổ phiếu tăng, tài sản của khách hàng sẽ tăng nhanh chóng. Ngược lại, khi giá cổ phiếu giảm thì tài sản sẽ giảm nhanh, dẫn đến "call margin" và bị xử lý tài sản của khách hàng để thanh toán các khoản nợ và lãi. Do đó, tài sản của khách hàng "bốc hơi" nhanh chóng nếu thị trường giảm mạnh.