GÓC NHÌN: BÀN VỀ TIÊU CHÍ VÀ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG VĂN HÓA TRONG LĨNH VỰC THỂ DỤC THỂ THAO

Xây dựng môi trường văn hóa trong thể dục thể thao là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của thể thao và giúp người tập luyện, các vận động viên và đội tuyển tiến bộ, góp phần tạo ra một không gian tích cực, khuyến khích tinh thần đoàn kết trong cộng đồng thể thao. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu bài viết: 'Bàn về tiêu chí và giải pháp xây dựng môi trường văn hóa trong lĩnh vực thể dục thể thao' của PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH thành phố Hà Nội.

GÓC NHÌN: CÔNG TÁC LẬP HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

GÓC NHÌN: KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC BẢO VỆ, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA - NHÂN CHỨNG VƯỢT THỜI GIAN, LÀM NÊN BẢN SẮC DÂN TỘC

Môi trường văn hóa (MTVH) có vai trò quan trọng trong việc hình thành và giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống con người. Trong lĩnh vực thể dục thể thao, môi trường văn hóa lành mạnh là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của thể dục thể thao. Môi trường văn hóa trong thể dục thể thao là một không gian mà người tập luyện, các vận động viên, huấn luyện viên, quản lý và những người hâm mộ có thể tương tác và giao tiếp với nhau, tạo nên một tinh thần đoàn kết và sự cộng tác.

Để xây dựng một môi trường văn hóa tốt trong lĩnh vực thể dục thể thao, cần có các giá trị như tôn trọng, sự chia sẻ, sự đồng cảm, tinh thần đội nhóm và sự cam kết, cũng như không gian cảnh quan và các sản phẩm, dịch vụ phù hợp. Các giá trị này giúp tạo ra một môi trường tích cực, khuyến khích sự phát triển của người tập luyện, các vận động viên và đội tuyển.

Việc xây dựng môi trường văn hóa trong thể dục thể thao cũng giúp tăng cường khả năng tập trung, động viên và khuyến khích người tập luyện, các vận động viên để hoàn thành mục tiêu của mình. Ngoài ra, một môi trường văn hóa tốt cũng giúp tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và giúp người tập luyện, các vận động viên và đội tuyển tiến bộ.

Nói chung, xây dựng môi trường văn hóa trong thể dục thể thao là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của thể thao và giúp người tập luyện, các vận động viên và đội tuyển tiến bộ. Nó cũng giúp tạo ra một không gian tích cực và khuyến khích sự đồng cảm và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng thể thao.

Bác Hồ và các vận động viên thể thao tiêu biểu năm 1966 (Ảnh tư liệu)

Bác Hồ và các vận động viên thể thao tiêu biểu năm 1966 (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Diễn văn khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (21/11/1946), đã khẳng định rằng để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam, nhiệm vụ đầu tiên và rất quan trọng là phải thường xuyên quan tâm xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa. Người nhấn mạnh: lối sống văn hóa được thể hiện trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt hàng ngày như ăn, mặc, ở, đi lại, làm việc...; còn môi trường văn hóa là những điều kiện xung quanh để tạo nên lối sống văn hóa đó. Trong môi trường văn hóa có môi trường văn hóa xã hội, môi trường văn hóa cộng đồng, môi trường văn hóa gia đình.

Trong bối cảnh hiện nay, đất nước muốn phát triển thì không thể thiếu những con người phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, giàu tinh thần yêu nước, trong sáng, lối sống trong sạch,… những con người như thế chỉ có thể hình thành trong MTVH lành mạnh. Vì vậy, xây dựng MTVH chính là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng ta rất quan tâm và nhấn mạnh trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW). Đây cũng là một nội dung quan trọng đã được xác định trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 và tiếp tục được đặt ra trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Những năm vừa qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, việc xây dựng MTVH trên cả nước đã đạt được những thành tựu nhất định, tạo điều kiện thuận lợi để bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, tạo điều kiện phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ rõ: “MTVH vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực.” Hiện nay, những biểu hiện không mong muốn về sự xuống cấp đạo đức, sự băng hoại về lối sống, sự tha hóa về nhân cách đang có chiều hướng gia tăng trong xã hội. Nhiều vấn đề đáng báo động đang nảy sinh trong văn hóa gia đình, văn hóa học đường, văn hóa nơi công cộng, văn hóa ứng xử trên môi trường mạng… Tất cả những điều đó đòi hỏi chúng ta phải nghiêm túc xem xét, đánh giá lại thực tiễn xây dựng MTVH hiện nay để từ đó có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời về mặt lý luận, cũng như tìm ra các giải pháp, đối sách phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công cuộc xây dựng MTVH ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.

Với vai trò quan trọng của thể dục thể thao đối với xã hội, việc xác định tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong lĩnh vực thể dục thể thao là rất quan trọng để tạo ra một môi trường thể thao lành mạnh, tích cực và đáp ứng các giá trị đạo đức, văn hóa của xã hội. Tiêu chí này bao gồm những giá trị, chuẩn mực và quy tắc ứng xử, sản phẩm và dịch vụ thể dục thể thao, cảnh quan được định nghĩa để hướng dẫn các thành viên trong môi trường thể thao, đặc biệt là người tập luyện, các vận động viên, huấn luyện viên, nhà tài trợ và khán giả, trong việc cư xử và thể hiện mình trong môi trường thể thao. Các tiêu chí này cũng có thể bao gồm những giá trị đạo đức như trung thực, tôn trọng, cống hiến, thể hiện một tinh thần thể thao lành mạnh và đoàn kết; những chuẩn mực ứng xử như không sử dụng doping, không nói xấu đối thủ, không có hành vi bạo lực và phân biệt chủng tộc, tôn giáo; và những quy tắc cụ thể như không quấy rối tình dục, không dùng ma túy, không tham gia các hành vi vi phạm pháp luật... Việc xác định tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong thể thao giúp tạo ra một môi trường thể thao lành mạnh, giúp tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa của xã hội và giúp các thành viên trong môi trường thể thao phát triển một tinh thần thể thao đúng đắn, tích cực.

Theo Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII), MTVH gồm 3 thành tố giá trị văn hóa, quan hệ văn hóa, và các hoạt động sáng tạo, hưởng thụ văn hóa. Đề tài Luận cứ khoa học về xây dựng môi trường văn hóa xác định nội dung xây dựng môi trường văn hóa gồm: 1- Xây dựng đời sống văn hóa ở các cơ sở; 2- Xây dựng gia đình, cộng đồng dân cư văn hóa; 3- Xây dựng nếp sống văn minh; 4- Xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa; 5- Đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ. Đề tài cũng xác định xây dựng MTVH gồm: 1. Bảo tồn và phát huy các giá trị của phong tục, tập quán. 2. Xây dựng đạo đức, lối sống, quy tắc ứng xử; 3. Phát triển các sản phẩm, dịch vụ và hoạt động văn hóa; 4. Xây dựng các thiết chế văn hóa và cảnh quan văn hóa.

Áp dụng với xác định tiêu chí xây dựng MTVH trong thể dục thể thao, chúng ta có thể đưa ra các tiêu chí như sau:

- Tiêu chí về bảo tồn và phát huy giá trị phong tục, tập quán trong hoạt động TDTT (Các hoạt động TDTT liên quan đến phong tục, tập quán; Hoạt động phổ biến TDTT liên quan đến phong tục, tập quán; Đầu tư kinh phí cho hoạt động TDTT liên quan đến phong tục, tập quán).

- Tiêu chí về xây dựng đạo đức, lối sống, quy tắc ứng xử trong hoạt động TDTT (Bộ quy tắc ứng xử và thực hiện tốt bộ quy tắc ứng xử cho người tập luyện TDTT; Tiến hành các hoạt động và đạt kết quả trong xây dựng đạo đức cho người tập luyện TDTT; Tiến hành các hoạt động và đạt kết quả trong xây dựng lối sống cho người tập luyện TDTT).

- Tiêu chí về phát triển sản phẩm, dịch vụ và hoạt động TDTT (Các điều kiện thuận lợi để phát huy tối đa năng lực tập luyện TDTT của người dân; Môi trường thuận lợi để cung cấp dịch vụ TDTT đa dạng, chất lượng cao; Môi trường thuận lợi để tổ chức các hoạt động tập luyện TDTT cho người dân).

- Tiêu chí về xây dựng thiết chế văn hóa và cảnh quan văn hóa cho hoạt động TDTT (Các thiết chế TDTT có cơ sở vật chất phù hợp; Cảnh quan nơi tập luyện TDTT đảm bảo yếu tố văn hóa, hài hòa với thiên nhiên và bảo vệ môi trường).

Bảo tồn và phát huy giá trị phong tục, tập quán trong hoạt động thể dục, thể thao là mộ trong những tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong thể dục thể thao.

Bảo tồn và phát huy giá trị phong tục, tập quán trong hoạt động thể dục, thể thao là mộ trong những tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong thể dục thể thao.

Bên cạnh đó, một số khung tiêu chí MTVH cho một số lĩnh vực thể dục thể thao cụ thể có thể như sau:

- Khung tiêu chí môi trường văn hóa cho người tập luyện và thi đấu TDTT không chuyên

a) Tiêu chí bắt buộc:

Tiêu chí về tuân thủ pháp luật của người tập luyện TDTT

Tiêu chí về thực hiện Luật TD,TT của người tập luyện TDTT

Tiêu chí về lối sống của người tập luyện TDTT

Tiêu chí về đạo đức của người tập luyện TDTT

Tiêu chí về hành vi của người tập luyện TDTT

Tiêu chí về phẩm chất của người tập luyện TDTT

Tiêu chí về tư cách của người tập luyện TDTT

Tiêu chí về cư xử của người tập luyện TDTT

Tiêu chí về cách ăn, ở, sinh hoạt, nếp sống của người tập luyện TDTT

Tiêu chí về cảnh quan các khu vực tập luyện và thi đấu thể thao

Tiêu chí về thực hiện theo Luật của từng môn thể thao quy định (khi tham gia tập luyện và thi đấu) của người tập luyện TDTT

b) Tiêu chí không bắt buộc:

Tiêu chí về trang phục của người tập luyện TDTT

Tiêu chí về chức năng kinh tế của người tập luyện TDTT

Tiêu chí về chức năng xã hội của người tập luyện TDTT

Tiêu chí về chức năng sức khỏe của người tập luyện TDTT

Trong quá trình nghiên cứu sẽ xem xét sâu hơn, hoặc sẽ có những thay đổi trong nhóm tiêu chí bắt buộc và không bắt buộc trong khung tiêu chí về MTVH cho người tập luyện và thi đấu TDTT không chuyên.

- Khung tiêu chí môi trường văn hóa cho người tham gia thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp

a) Khung tiêu chí MTVH cho vận động viên:

Tiêu chí về quy tắc ứng xử văn hóa của VĐV:

Tiêu chí về đạo đức của VĐV:

Tiêu chí về hành vi của VĐV:

b) Khung tiêu chí MTVH cho huấn luyện viên:

c) Khung tiêu chí MTVH cho trọng tài và những người thực thi Luật thể thao

d) Khung tiêu chí MTVH cho các cơ quan chức năng thể thao:

e) Khung tiêu chí MTVH cho phụ huynh (người giám hộ) của VĐV

f) Khung tiêu chí MTVH cho các trung tâm huấn luyện thể thao:

g) Khung tiêu chí MTVH cho các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao:

- Khung tiêu chí môi trường văn hóa cho khán giả, người hâm mộ, tình nguyện viên, người quảng bá truyền thông thể thao

a) Khung tiêu chí MTVH cho khán giả và người hâm mộ thể thao

b) Khung tiêu chí MTVH cho tình nguyện viên

c) Khung tiêu chí MTVH cho người tổ chức hoặc người quảng bá truyền thông các chương trình thể thao.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của MTVH cũng như khung tiêu chí xây dựng MTVH trong lĩnh vực thể dục thể thao trong quá trình phát triển bền vững đất nước. Trong công tác tuyên truyền, cần phát huy tối đa thế mạnh của phương tiện thông tin đại chúng, các phương tiện truyền thông mới và các sự kiện thể dục thể thao cũng như hoạt động văn hóa nghệ thuật v.v… để tổ chức nhiều chương trình giáo dục về tinh thần trách nhiệm, ý thức xây dựng MTVH trong lĩnh vực thể dục thể thao. Những chương trình này được thiết kế cần bảo đảm tính mới lạ, hấp dẫn, có chất lượng và có chiều sâu về nội dung lẫn hình thức, tránh lối làm hình thức đơn giản, nội dung nghèo nàn gây nhàm chán, không tạo được sự quan tâm từ phía công chúng.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện, xây dựng hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách: Để thực hiện khung tiêu chí MTVH trong lĩnh vực thể dục thể thao, nhất thiết phải có các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, điều tiết việc bảo vệ các giá trị, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa tốt đẹp, bảo vệ, tôn trọng quyền làm chủ của người khác, của cộng đồng trong hoạt động thể dục thể thao. Thông qua vai trò quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, dùng luật pháp để điều chỉnh hành vi con người cho phù hợp, nhằm dần trở thành ý thức tự giác của mỗi người, hướng tới thực hiện chuẩn mực về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa.

Quan tâm đầu tư, đào tạo nguồn lực xây dựng MTVH, thực hiện khung tiêu chí xây dựng MTVH trong lĩnh vực thể dục thể thao: Phải có cơ chế, chính sách đầu tư, đào tạo nguồn lực, trước tiên là củng cố bộ máy cơ quan nhà nước đủ mạnh để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Có chính sách phát triển văn hóa trong lĩnh vực thể dục thể thao tương ứng với phát triển kinh tế, đầu tư về nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất phục vụ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Nâng cao chất lượng hoạt động thể dục thể thao trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện chế độ tôn vinh khen thưởng kịp thời: Đặc biệt chú trọng các hoạt động thể dục thể thao trong phong trào hạt nhân, như phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa và phong trào thi đua người tốt, việc tốt và các điển hình tiên tiến. Thường xuyên chú trọng công tác tôn vinh, khen thưởng những điển hình thể dục thể thao tiên tiến về tư tưởng, đạo đức, lối sống, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh việc nêu gương người tốt, việc tốt trong lĩnh vực thể dục thể thao; lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực; đồng thời, phê phán, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, vi phạm những chuẩn mực đạo đức, lối sống trong lĩnh vực thể dục thể thao.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn với hoạt động thể dục thể thao: Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn với hoạt động TDTT, cần thực hiện tốt Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ của sự nghiệp TDTT trong những năm tới. Ở đó, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng quán triệt và thực hiện tốt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra: Về mục tiêu: Gìn giữ, tôn vinh những giá trị TDTT dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, phát triển nền TDTT nước ta mang tính dân tộc, khoa học, nhân dân và văn minh.

Để phát triển các hoạt động thể thao dân tộc Việt Nam, ngoài việc quán triệt đầy đủ 3 nguyên tắc chung của TDTT, còn phải đảm bảo 4 nguyên tắc có tính chuyên biệt của hoạt động này. Đó là: 1) Kết hợp chặt chẽ giữa phổ cập và nâng cao. 2) Kết hợp giữa kế thừa và phát triển. 3) Đảm bảo việc giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng tính đa dạng và tích cực mở rộng việc giao lưu. 4) Chú ý đảm bảo kết hợp chặt chẽ giữa thể thao dân tộc và thể thao hiện đại.

Tăng cường xây dựng đạo đức, lối sống, quy tắc ứng xử trong hoạt động thể dục thể thao: Trong đường lối quan điểm phát triển của TDTT của Đảng và Nhà nước ta, vấn đề đạo đức, lối sống luôn luôn được xác định là quan trọng nhất, thể thao phải góp phần vào việc giáo dục con người, giáo dục chủ nghĩa nhân văn cao đẹp theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Góp phần tích cực nâng cao sức khỏe, thể lực, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân”. Ở đó, tinh thần thể thao chân chính là hướng tới sự hoàn thiện của con người.

Để làm được điều đó, cần thực hiện tốt Chỉ thị số 15/2002/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực trong các hoạt động TDTT và tạo sự chuyển biến mới trong toàn ngành về nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn cho VĐV, HLV, trọng tài, cán bộ ngành TDTT, và Quyết định số 250/2006/QĐ-UBTDTT ngày 10/02/2006 về “Chương trình hành động về công tác giáo dục chính trị tư tưởng và chống tiêu cực trong các hoạt động TDTT”, Quyết định số 02/2007/ UBTDTT ngày 04/5/2007 về "Quy định tiêu chuẩn cơ bản về đạo đức nghề nghiệp của HLV, trọng tài thể thao", hay các quy tắc đạo đức nghề nghiệp của từng môn thể thao như Quyết định 262/QĐ -LĐBĐVN ngày 17/7/2012 của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam về Quy tắc đạo đức nghề nghiệp cầu thủ, huấn luyện viên và trọng tài bóng đá.

Cần đẩy mạnh xây dựng thiết chế và cảnh quan trong hoạt động thể dục thể thao. (ảnh minh họa)

Cần đẩy mạnh xây dựng thiết chế và cảnh quan trong hoạt động thể dục thể thao. (ảnh minh họa)

Phát triển sản phẩm, dịch vụ và hoạt động thể dục thể thao: Đây là những sản phẩm, dịch vụ đặc thù nên đòi hỏi nhà sản xuất và phân phối chúng phải dùng, sử dụng những phương pháp đặc biệt để tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm này có hiệu quả, trong một hệ thống đồng bộ, thống nhất. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phân chia ra thành dịch vụ mất tiền (theo hình thức phân bổ quỹ phúc lợi xã hội); thương mại (theo động cơ sản xuất); quần chúng (theo hình thức tiêu thụ); huấn luyện các đội tuyển (theo hình thức giáo dục) để có hình thức phát triển sản phẩm, dịch vụ và hoạt động thể dục thể thao phù hợp, nhằm không để ai bị bỏ lại phía sau trong hoạt động thể dục thể theo.

Đẩy mạnh xây dựng thiết chế và cảnh quan trong hoạt động thể dục thể thao: Mạng lưới công trình TDTT cần phải được phát triển cho nhiều nội dung và sử dụng tích cực thời gian rảnh rỗi của nhân dân. Mạng lưới các công trình TDTT được trang bị trong sự phụ thuộc vào nét đặc trưng bởi các loại máy móc đa hình, đa dạng, những thiết bị đo, điều chỉnh, kĩ thuật máy tính, các phương tiện giao thông và các dụng cụ tập luyện... lại là một phần đáng kể trong toàn bộ tổng thể của các tài sản vật chất cơ bản của ngành TDTT. Vị trí xây dựng nhà thể thao phải bảo đảm yêu cầu sử dụng hiện tại đồng thời có dự kiến đến khả năng mở rộng trong tương lai.

Môi trường văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người. Môi trường văn hóa tốt chính là điều kiện thuận lợi để hình thành nhân cách tốt cho mỗi cá nhân trong xã hội, từ đó là cơ sở để tạo ra một xã hội tốt đẹp, hạnh phúc và đáng sống. Tuy nhiên, xây dựng MTVH là một công việc hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự kiên nhẫn, thận trọng, đặc biệt là ở lĩnh vực thể dục thể thao.

Tổ chức các hoạt động thể dục thể thao và xây dựng môi trường văn hóa trong lĩnh vực thể dục thể thao là rất quan trọng để đẩy mạnh sự phát triển của ngành thể thao. Bằng cách tạo ra một môi trường thể dục thể thao tích cực, người tập luyện, các cầu thủ và người hâm mộ sẽ được thúc đẩy để có được sức khỏe thể chất và tinh thần, đạt được những thành tựu trong sự nghiệp của mình.

Để xây dựng môi trường văn hóa trong thể dục thể thao, cần có sự hỗ trợ và đóng góp từ các bên liên quan, bao gồm các tổ chức thể thao, chính phủ và các nhà tài trợ. Ngoài ra, cần phải có chính sách và quy định hỗ trợ việc phát triển thể dục thể thao cũng như đảm bảo sự an toàn và bảo vệ sức khỏe cho người tập luyện, vận động viên và cả người hâm mộ. Bằng cách tạo ra một môi trường thể thao tốt, có thể kích thích sự đam mê và nhiệt huyết của người tập luyện, các cầu thủ và người liên quan. Điều này có thể đưa đến sự tăng trưởng của ngành thể thao và đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, bao gồm cải thiện sức khỏe và thể chất của người dân, tạo ra các cơ hội việc làm và đưa tên tuổi của đất nước ra thế giới./.

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=83621