Góc nhìn chuyên gia: Lạm phát trung bình năm 2023 chỉ 2,5%

TS. Nguyễn Đức Độ nhìn nhận, các yếu tố về cung tiền, lãi suất và tổng cầu không chỉ khiến lạm phát giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023 mà sẽ còn tiếp tục có tác động kiềm chế tốc độ tăng CPI trong nửa cuối năm.

Ảnh: Sơn Quách

Ảnh: Sơn Quách

Ngày 4/7, Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính và Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023.

Lạm phát 6 tháng đầu năm giảm nhanh hơn dự báo trước đó

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nhấn mạnh lạm phát so với cùng kỳ đạt đỉnh vào tháng 1/2023, thậm chí còn giảm mạnh hơn dự báo.

Dẫn số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, so với các nước châu Á, Việt Nam không thuộc nhóm nước có mức lạm phát cao khi lạm phát tháng 6/2023 tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước (YoY).

Trong khi đó, lạm phát tháng 5/2023 của Trung Quốc tăng 0,2% YoY; Thái Lan tăng 0,53%; Hàn Quốc tăng 3,3%; Indonesia tăng 4,0%; Philippines tăng 6,1%; Lào tăng 38,86%.

Phân tích về động thái tăng chậm của lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023, TS. Nguyễn Đức Độ nêu rõ ba nguyên nhân chủ yếu.

Nguyên nhân thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức thấp, các cấu thành của tổng cầu đều tăng trưởng chậm như đầu tư, tiêu dùng đi kèm sự sụt giảm của xuất khẩu.

Sản xuất công nghiệp là chủ lực, đóng vai trò chính và từng là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế thì trong 6 tháng đầu năm lại tăng trưởng rất thấp. Bên cạnh đó, tiêu dùng tăng rất chậm, đặc biệt sau giai đoạn Covid-19.

Xuất khẩu cũng là một động lực nhưng tăng trưởng âm trên 10%, một phần do đã tăng trưởng khá cao năm trước đó. Việc suy giảm kim ngạch xuất khẩu, khan hiếm đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt trong một số lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như: dệt may, da giày, điện tử… khiến hàng loạt doanh nghiệp lao đao.

Nguyên nhân thứ hai đến từ việc tăng trưởng cung tiền thấp. Tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 20/6 mới chỉ tăng 2,53% so với cuối năm 2022, thấp hơn cả thời kỳ xảy ra dịch bệnh Covid-19.

Cung tiền tăng chậm, một mặt là do tổng cầu yếu khiến nhu cầu tín dụng thấp, mặt khác, do các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay khi lo ngại nợ xấu gia tăng, TS. Nguyễn Đức Độ phân tích.

Cuối cùng, vị chuyên gia chỉ ra lạm phát giảm mạnh là do lãi suất thực ở mức quá cao. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay bình quân đến giữa tháng 6/2023 là 8,9%.

"Với lạm phát so với cùng kỳ hiện nay đang ở mức 2%, mức lãi suất cho vay thực là 6,9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cũng như mức lãi suất thực trung bình của giai đoạn 2013-2021 là 5,9% và 4,6%. Đây là mức lãi suất cản trở phục hồi kinh tế và tăng trưởng, đồng thời làm tăng nợ xấu", chuyên gia đánh giá.

Mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% năm nay chắc chắn sẽ được hoàn thành

Dự báo lạm phát cả năm 2023, theo TS. Nguyễn Đức Độ, các yếu tố về cung tiền, lãi suất và tổng cầu nêu trên không chỉ khiến lạm phát giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023, mà còn tiếp tục có tác động kiềm chế tốc độ tăng CPI trong 6 tháng cuối năm.

Phân tích thêm về những yếu tố sẽ kìm cương lạm phát nửa cuối năm, TS. Nguyễn Đức Độ nhìn nhận, tất cả các yếu tố tác động đến lạm phát thời gian qua rất thuận lợi như tổng cầu yếu, cung tiền tăng chậm, lãi suất cao, tỷ giá ổn định, giá dầu khó tăng mạnh, sẽ tiếp tục là các nhân tố kiềm chế lạm phát 6 tháng cuối năm.

Chưa kể, nguy cơ xảy ra các cú sốc về cung như giá dầu, tỷ giá giống năm 2022 cũng không cao, thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát.

Minh chứng cụ thể, đối với giá dầu, theo vị chuyên gia với nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng, có thể xảy ra vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024, giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng giảm như đã diễn ra trong vòng một năm qua, hoặc ít nhất sẽ không tăng mạnh.

Về tỷ giá USD/VND, 6 tháng đầu năm 2023 diễn biến tương đối ổn định nhờ kết quả xuất siêu 12,25 tỷ USD. Chưa kể, đồng USD cũng đang trong xu hướng giảm giá, khả năng tỷ giá USD/VND sẽ được Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định trong biên độ 1-2%.

Trong vòng một năm qua, CPI chỉ tăng trung bình 0,17%/tháng. Với giả định tốc độ này tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2023 được dự báo sẽ ở mức 1,7% và lạm phát trung bình cả năm 2023 sẽ ở mức 2,5%.

Trong vòng một năm qua, CPI chỉ tăng trung bình 0,17%/tháng. Với giả định tốc độ này tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2023 được dự báo sẽ ở mức 1,7% và lạm phát trung bình cả năm 2023 sẽ ở mức 2,5%.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính.

Với bối cảnh kinh tế quốc tế hiện nay không mấy khả quan, cùng với sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trong việc hoạch định chính sách tiền tệ thời gian qua, lạm phát trong năm 2023 nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% năm nay chắc chắn sẽ được hoàn thành, TS. Nguyễn Đức Độ nói.

Diễn biến giá cả thị trường 6 tháng đầu năm "êm dịu"

Nhận định tương tự, tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đánh giá, giá cả thị trường 6 tháng đầu năm diễn biến "êm dịu". Theo ông, nguyên nhân đến từ việc sức mua yếu, nguồn cung dồi dào.

"Dự báo mục tiêu CPI cả năm cao nhất sẽ đạt ở mức 3,8 - 4% là có thể đạt được, góp phần vào việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát", ông Phú nói.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, thị trường bán lẻ vẫn tồn tại nhiều bất cập khi giá từ tay người sản xuất rất rẻ thì qua các khâu trung gian phân phối đến tay người tiêu dùng lại cao, làm cho sức mua yếu.

Do đó, theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, cần quản lý một cách chặt chẽ tránh những điều hành đột biến không có lợi cho thị trường và giá cả chung, đặc biệt là các mặt hàng là đầu vào của xã hội như xăng dầu, than, điện.

Để đạt được chỉ tiêu CPI, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ cần thực hiện nhanh, dễ tiếp cận trong những tháng cuối năm. Thêm vào đó, thực hiện kích cầu tiêu dùng tăng sức mua xã hội bằng cách giảm thuế VAT 2%, nếu được có thể giảm thêm 3% nữa cho hết năm 2024.

Để đạt được chỉ tiêu CPI, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ cần thực hiện nhanh, dễ tiếp cận trong những tháng cuối năm. Thêm vào đó, thực hiện kích cầu tiêu dùng tăng sức mua xã hội bằng cách giảm thuế VAT 2%, nếu được có thể giảm thêm 3% nữa cho hết năm 2024.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/goc-nhin-chuyen-gia-lam-phat-trung-binh-nam-2023-chi-25-post23728.html