Góc nhìn đa chiều về năng suất lao động
Dư luận xã hội mỗi khi đề cập đến con số thống kê về năng suất lao động của Việt Nam lại có nhiều suy nghĩ khác nhau. Người thì tự ti, người thì băn khoăn, và người thì trăn trở. Tự ti vì nếu chỉ nhìn vào con số thì mình thấp quá so với nhiều nước trong khu vực; băn khoăn vì sao thấp như vậy trong khi nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong hơn 20 năm qua; và trăn trở cải thiện yếu tố nào để hài hòa tăng trưởng và bền vững.
Đo lường năng suất lao động
Năng suất lao động, tùy thuộc vào cách tính sản lượng đầu ra (output) và lao động đầu vào (labor input) mà có những cách tính khác nhau. Hiện nay có hai cách tính năng suất lao động, phổ biến là GDP trên mỗi lao động (per-worker) và GDP trên mỗi giờ làm việc (per-hour). Chính vì vậy mà số lao động tham gia trong nền kinh tế (employment rate) và số giờ lao động bình quân sẽ có hàm ý khác nhau trong việc đo lường và so sánh.
Theo báo cáo của Tổ chức Năng suất châu Á 2023 (APO 2023), năng suất trên mỗi lao động của Singapore cao hơn 19% so với Mỹ nhưng lại thấp hơn 2% nếu tính năng suất trên mỗi giờ làm việc. Tương tự như vậy, lao động EU có thời gian làm việc ít hơn nên khoảng cách năng suất giữa EU15 với Mỹ nếu tính theo giờ làm việc sẽ rút ngắn xuống còn 21% so với 33% khi tính theo mỗi lao động.
Việc đo lường năng suất lao động không chỉ ở thời điểm hiện tại hay một giai đoạn ngắn mà cần nhìn ở các giai đoạn dài hơn, để thấy được điểm xuất phát cũng như quá trình thay đổi. Cũng theo APO 2023, các giai đoạn được quan sát là 1970-1990, 1990-2010, 2010-2021 (20 năm) và 2005-2010, 2010-2015, 2015-2021 (năm năm) cho thấy có sự thay đổi và bức tranh tổng thể hơn về tốc độ tăng trưởng năng suất lao động của các nền kinh tế: có những nền kinh tế hầu như không thể đuổi kịp nhóm dẫn đầu, hay các con hổ châu Á như Singapore, Hồng Kông, Đài Loan đã vượt mặt Nhật Bản.
Những yếu tố cấu thành của tăng trưởng kinh tế
Sản lượng đầu ra trong cách tính năng suất lao động được chấp nhận rộng rãi hiện nay là GDP. Để tăng năng suất lao động, dù đo lường theo phương pháp nào, thì tăng GDP cũng là điều cốt lõi. Và một câu hỏi quan trọng đối với các nhà kinh tế cũng như hoạch định chính sách là làm sao biết những yếu tố nào có đóng góp vào tăng trưởng của GDP?
Theo phương pháp Jorgensonian (được APO sử dụng), những yếu tố cấu thành của tăng trưởng kinh tế là ba thành phần đầu vào: vốn, lao động, và yếu tố năng suất tổng hợp (TFP). Cụ thể, trong vốn bao gồm vốn ICT (gắn với công nghệ thông tin – viễn thông), vốn non-ICT (không gắn với công nghệ thông tin – viễn thông); lao động bao gồm số giờ lao động, chất lượng lao động.
Lấy ví dụ như giai đoạn 2000-2021, nhóm các nước ASIA25 có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân là 5,1%, trong số này khi phân tách thì đóng góp điểm phần trăm của các yếu tố sắp xếp giảm dần như sau: vốn non-ICT (2,8), TFP (1,3), chất lượng lao động (0,5), số giờ lao động (0,4), và vốn ICT (0,1).
Đối với từng nền kinh tế khác nhau thì mức độ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của từng yếu tố cũng khác nhau, có những nước phụ thuộc nhiều vào vốn non-ICT (Brunei, Myanmar, Lào, Việt Nam, Bangladesh), có những nước phụ thuộc nhiều vào chất lượng lao động (Nhật Bản, Thái Lan), có nước/vùng lãnh thổ phụ thuộc nhiều vào TFP (Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Mỹ).
Điều này cho thấy xuất phát điểm và đặc thù của mỗi nền kinh tế khác nhau thì tăng trưởng GDP của từng nước cũng khác nhau về nguyên nhân. Xác định được đâu là động lực chính cũng như rào cản sẽ giúp cho mỗi nước có một chiến lược phát triển riêng phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của mình, cũng như thích ứng với xu hướng phát triển của thế giới.
Một số suy nghĩ về trường hợp Việt Nam
Thoạt nhìn qua con số thống kê năng suất lao động của Việt Nam trên mỗi giờ làm việc thì rất là thấp, tuy nhiên nếu tính theo lao động và đặc biệt là so với một nền kinh tế làm chuẩn là Mỹ thì không chênh lệch nhiều với ASEAN, đặc biệt là năng suất lao động tính theo lao động sẽ cao hơn năng suất lao động tính theo giờ làm việc. Chẳng hạn tính theo giờ làm việc thì Việt Nam kém Mỹ 88% nhưng tính theo lao động thì kém hơn 86%. Trong khi đó, các nước ASEAN6 kém tương ứng là 80% và 78%. Trung Quốc kém 81% và 77%. Còn đối với Ấn Độ là 90% và 88%.
Nhưng điều đáng chú ý là năng suất lao động theo giờ của Việt Nam đã tăng đáng kể trong các giai đoạn quan sát, kể cả dài lẫn ngắn. Việt Nam ở vị trí số 2 trong giai đoạn 2010-2021 với tốc độ tăng trung bình 5,8%, đứng đầu giai đoạn 2015-2021 với tốc độ tăng trung bình 6,8%.
TFP của Việt Nam cũng rất đáng khích lệ khi tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010-2021 là đứng đầu trong các nước được nghiên cứu với 1,9%, còn giai đoạn 2015-2021 thì xếp ở vị trí số 2 với 2,3%. Dĩ nhiên có được tốc độ tăng trưởng cao là do xuất phát điểm hay còn gọi là “nền” thấp.
Các con số thống kê về năng suất lao động chỉ cho thấy một phần nhỏ của bức tranh kinh tế tổng thể của một quốc gia, và việc so sánh cần đặt trong từng bối cảnh cụ thể, như số lao động và số giờ lao động. Quan trọng hơn là việc đảm bảo tăng trưởng và xác định được các yếu tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng.
Nếu ước tính của APO đáng tin cậy thì tăng trưởng của Việt Nam hiện nay đang phụ thuộc quá nhiều vào vốn non-ICT, việc tăng tỷ trọng của chất lượng lao động, TFP và vốn ICT là điều hết sức quan trọng vì mức độ đóng góp cận biên của những yếu tố này sẽ cao hơn vốn non-ICT. Trong số này, TFP có lẽ là thách thức lớn nhất vì nó gắn liền với những cải thiện có tính cấu trúc như thể chế, môi trường kinh doanh, môi trường, sức khỏe, nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo…
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/mot-goc-nhin-da-chieu-ve-nang-suat-lao-dong/