Giá gạo Thái Lan giảm do đồng baht mạnh lên
Tuần qua, giá gạo Thái Lan sụt giảm do áp lực của đồng baht mạnh lên và nhu cầu yếu.

Gạo được bày bán tại một cửa hàng ở Narathiwat, Thái Lan. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Thị trường gạo châu Á
Tuần qua, giá gạo Thái Lan sụt giảm do áp lực của đồng baht mạnh lên và nhu cầu yếu. Còn giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ duy trì ổn định do nhu cầu ảm đạm và nguồn cung dồi dào.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được báo giá ở mức 380 USD/tấn, giảm so với mức 385-390 USD/tấn được niêm yết vào tuần trước. Một nhà giao dịch cho biết giá gạo giảm do đồng baht mạnh lên, trong khi nhu cầu rất ít.
Tình hình nguồn cung không thay đổi khi các nhà giao dịch dự kiến sẽ có thêm nguồn cung đổ vào thị trường vào khoảng tháng 8/2025.
Trong khi đó, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 382-387 USD/tấn, không đổi so với tuần trước. Giá gạo trắng 5% tấm được báo giá trong khoảng 375-381 USD/tấn.
Một nhà giao dịch tại New Delhi cho biết nhu cầu vẫn còn yếu, các khách hàng chỉ đang mua cầm chừng vì họ biết nguồn cung tại các nước xuất khẩu đang rất dồi dào.
Tính đến ngày 1/6, lượng gạo dự trữ của Ấn Độ, bao gồm cả lúa chưa xay xát, đã đạt mức kỷ lục 59,5 triệu tấn, vượt xa mục tiêu 13,5 triệu tấn mà chính phủ đặt ra cho ngày 1/7.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 382 USD/tấn hôm 3/7, giảm nhẹ so với mức 383 USD/tấn của tuần trước.
Trong một diễn biến khác, mặc dù lượng gạo dự trữ dồi dào, song giá gạo nội địa tại Bangladesh vẫn ở mức cao, gây áp lực lên các hộ gia đình vốn đã phải vật lộn với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Các nhà giao dịch và quan sát thị trường cho biết, mặc dù không có tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngay lập tức song những yếu tố như chuỗi cung ứng kém hiệu quả, chi phí sản xuất cao và tình trạng thao túng thị trường đã khiến giá cả duy trì ở mức cao.
Thị trường nông sản Mỹ
Giá ngô và đậu tương của Mỹ đã tăng nhẹ trong phiên ngày 3/7, chủ yếu do hoạt động mua bù thiếu (short covering) trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài của Mỹ. Một yếu tố khác cũng được thị trường quan tâm là bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump tại bang nông nghiệp Iowa vào cuối ngày 3/7.
Mua bù thiếu hay còn gọi là mua trả, mua bù, mua lấp trống. Mua bù thiếu là việc mua lại chứng khoán/tài sản đã vay để đóng các vị thế bán đang mở nhằm thu lại một khoản lãi hoặc lỗ. Mua bù thiếu đòi hỏi nhà giao dịch phải mua lại cùng một loại chứng khoán/tài sản đã được bán khống ban đầu do quá trình này liên quan đến việc vay mượn chứng khoán và bán trên thị trường.
Quá trình này được các nhà giao dịch sử dụng lệnh mua lại để trả (buy to cover). Mua bù thiếu là qui trình cần thiết để đóng một vị thế bán đang mở. Việc sở hữu vị thế bán có thể đem lại lợi nhuận nếu được mua lại ở mức giá thấp hơn so với giao dịch ban đầu và sẽ tạo ra khoản lỗ nếu nó được mua lại ở mức giá cao hơn giá ban đầu.
Trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), giá đậu tương giao tháng 8/2025 chốt phiên tăng 2 xu, lên mức 10,5550 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 11/2025 tăng 1,25 xu lên 10,4925 USD/bushel.
Giá ngô giao tháng 9/2025 tăng 2,25 xu lên 4,2025 USD/bushel. Trong khi đó, giá ngô giao tháng 12/2025 tăng 3,50 xu lên 4,37 USD/bushel. Còn giá lúa mỳ giao tháng 9/2025 giảm 7,25 xu xuống 5,5675 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế bởi nguồn cung dồi dào từ Nam Mỹ và triển vọng thu hoạch khả quan tại Mỹ trong bối cảnh thời tiết nhìn chung thuận lợi trên khắp vùng Trung Tây.
Giá lúa mỳ kỳ hạn giảm sau hai ngày tăng giá liên tiếp, do tiến độ thu hoạch lúa mỳ vụ Đông đang được đẩy nhanh tại Mỹ và vụ mùa bội thu ở khu vực Biển Đen và Tây Âu.
Các nhà giao dịch đã tiến hành chốt lời trước khi thị trường đóng cửa nghỉ lễ vào ngày 4/7 để phòng ngừa rủi ro biến động từ triển vọng thời tiết cuối tuần.
Đến nay, thời tiết đầu vụ tại Mỹ chưa phải là một rủi ro lớn đối với cây trồng. Cây ngô đang bước vào giai đoạn thụ phấn quan trọng, và các dự báo về những cơn mưa rải rác đã giúp giảm bớt lo ngại về các vùng khô hạn cục bộ tại một số khu vực của vùng Trung Tây.
Thị trường cà phê thế giới
Giá cà phê giao tháng 9/2025 ở sàn giao dịch London phiên 5/7/2025 tăng 50 USD (tương đương 1,38%) lên mức 3.677 USD/tấn. Giá cà phê robusta giao tháng 11/2025 tăng thêm 46 USD (tương đương 1,29%) lên 3.615 USD/tấn.
Còn sàn giao dịch New York đóng cửa để nghỉ lễ.
Theo ông German Bahamon, Chủ tịch Liên đoàn Cà phê Quốc gia Colombia (FNC), sản lượng cà phê của Colombia dự kiến giảm từ 1-1,5 triệu bao (loại 60 kg) trong niên vụ 2025/26 do mưa lớn bất thường.
Ông cho biết, lượng mưa quá mức sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 12, khiến sản lượng năm tới chỉ đạt khoảng 15 triệu bao, giảm so với kỳ vọng.
Giá cà phê tại Việt Nam đang giao dịch quanh ngưỡng 95.800 - 96.400 đồng/kg.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2024/25 dự kiến đạt 25,8 triệu bao, giảm 1,5 triệu bao so với dự báo ban đầu nhưng vẫn cao hơn mức 24,4 triệu bao của niên vụ trước.
Trong nửa đầu niên vụ, xuất khẩu đạt 12,15 triệu bao, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, với sự sụt giảm tại các thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, Italy, Tây Ban Nha và Đức.
Nguyên nhân chính là giá cà phê trong nước tăng cao khiến nông dân giữ hàng chờ giá, dẫn đến khan hiếm nguồn cung cho xuất khẩu. Đồng thời, biến động giá khiến các nhà xuất khẩu thận trọng hơn.