GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN ĐÁNH GIÁ LẠI VIỆC HỌC ONLINE VỚI CÁC BẬC HỌC

Năm học vừa qua, phần lớn thời gian học sinh đã phải tạm dừng việc học trực tiếp trên lớp và chuyển sang hình thức học trực tuyến. Điều này đã phần nào tác động và ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh.

Học và dạy học trực tuyến bậc tiểu học: Hạn chế truyền tải kiến thức

Học sinh Nguyễn Lê Hồng Thủy, Trường Tiểu học Cơ sở Đan Phượng

Học sinh Nguyễn Lê Hồng Thủy, Trường Tiểu học Cơ sở Đan Phượng

Em Nguyễn Lê Hồng Thủy, học sinh lớp 4 trường Tiểu học Cơ sở Đan Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội vừa trải qua kỳ thi học kỳ 2. So với những năm học trước, khi học qua hình thức online này điểm số và học lực của em đã giảm. Vốn là học sinh giỏi của lớp suốt những năm học qua, nhưng cho đến năm học này, sức học của em đã giảm sút đáng kể. Điều này đã khiến cho phụ huynh của em e ngại. Chị Lê Thị Liên, phụ huynh học sinh, cho biết, qua đợt học và kiểm tra giữa kỳ vừa rồi chị có trao đổi với giáo viên chủ nhiệm thì thấy con học sa sút hơn. Trong quá trình đấy gia đình đã nhờ gia sư để kèm thêm cho con, gia sư cũng chia sẻ lại với gia đình là lực học của con cũng giảm nhiều và không được tập trung.

Lý giải cho việc mất tập trung trong việc học tập, em Hồng Thủy cho biết, khi học online tiếng bị rè, thỉnh thoảng bị tắt tiếng, không nghe hết được bài giảng và ảnh hưởng rất nhiều tới việc học. Nhiều khi muốn hỏi bài nhưng không hỏi được, mạng kém sẽ bị out, cộng thêm việc mất tiếng nên ảnh hưởng đến việc nghe giảng.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Chuyên gia tâm lý giáo dục cho biết, khi học online nhiều trẻ sẽ mất tập trung, không chăm chú, lơ là và chính những điều đó sẽ khiến cho các học sinh tập trung học cảm thấy khó chịu vì những ảnh hưởng xung quanh. Từ đó gây ra tâm lý chán nản trong việc học.

Hình thức dạy và học trực tuyến được xem là giải pháp hữu hiệu trong thời điểm này để bảo đảm an toàn cho học sinh. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, việc dạy và học trực tuyến không phải cấp bậc học nào, khu vực nào cũng thực hiện suôn sẻ. Môi trường học tập online không kích thích được sự sáng tạo và chủ động của học viên giống như học tập truyền thống. Cùng với đó, nhiều trẻ đang trong quá trình phát triển tâm lý, trẻ vị thành niên , những học sinh có tổn thương tâm lý, bị rối loạn học tập, có biểu hiện tăng động giảm chú ý, lo âu, trầm cảm.

Chị Lê Thị Liên, Phụ huynh học sinh Nguyễn Lê Hồng Thủy, học sinh lớp 4 trường Tiểu học Cơ sở Đan Phượng, cho biết thêm, trong thời gian ở nhà vì dịch bệnh, các cháu tiếp xúc với tivi cũng như máy tính nhiều hơn, không được ra ngoài với bạn bè nên chị cảm nhận cháu buồn hơn, dễ cáu kỉnh hơn.

 Chị Lê Thị Liên, Phụ huynh học sinh

Chị Lê Thị Liên, Phụ huynh học sinh

Giảng dạy online khiến người học, người dạy vốn cách xa nhau, phải tập trung vào màn hình của giảng viên. Những khó khăn do tương tác gián tiếp dễ khiến buổi dạy học chuyển thành quá trình tương tác một chiều nhàm chán giữa cá nhân giảng viên với những học sinh còn lại.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, Chuyên gia tâm lý giáo dục, cho biết bản thân chị cũng là 1 giáo viên và đã dạy online nhiều. Khi làm việc online,bản thân giáo viên phải làm việc nhiều hơn so với trực tiếp và giáo viên sẽ không thể sử dụng hết được những phương pháp để giảng dạy. Có thể nói như phương pháp làm việc nhóm, hay những bài tập trực tiếp sẽ giảm đi rất nhiều. Do đó giáo viên phải nói rất nhiều, rất mệt, và các con khi nghe giảng cũng sẽ rất mệt. Các con không có những hoạt động để thay đổi không khí lớp học và để ghi nhớ bài tốt hơn. Theo Tiến sĩ Hương, để nhận xét 2 cách học thì việc học online chỉ đảm bảo 30% so với học trực tiếp.

Tuy không chịu tác động nhiều như các em học sinh, nhưng sinh viên tại các trường Đại học, Cao đẳng cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ việc học online. Bạn Hồ Thị Minh Tâm, sinh viên năm 3 trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng học và thi trực tuyến là con dao hai lưỡi có cả mặt lợi và mặt hại. Tuy linh hoạt trong địa điểm, thời gian dạy và học nhưng việc không có cơ hội được học tập và trao đổi với bạn bè hay việc thi trực tuyến cũng rủi ro bởi những vấn đề do mạng internet và cả vấn đề gian lận trong thi cử. Không thể phủ nhận vai trò của việc học trực tuyến nhưng giải pháp tổ chức học trực tuyến đối với học sinh, sinh viên trong thời gian tạm nghỉ, chỉ là biện pháp tạm thời, giúp cho học sinh duy trì kiến thức, không quá chậm so với chương trình.

Cần có sự đánh giá toàn diện việc học online

Kịch bản nào cho năm học mới đang là vấn đề cấp thiết đặt ra cho nhiều địa phương và toàn ngành giáo dục hiện nay? Nếu tiếp tục học online các phương án giảng dạy cần được triển khai như thế nào? Đây là nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm trong kỳ họp thứ 1 Quốc hội quá XV vừa qua.

Kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của nhiều địa phương phải thay đổi do việc tổ chức khảo sát học kỳ II đối với học sinh lớp 5 và tổ chức thi vào lớp 10. Đối với giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập đang gặp khó khăn rất lớn để để có thể duy trì. Cùng với đó, việc chuẩn bị tâm lý, kỹ năng cho trẻ cuối cấp mầm non chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 cũng gặp khó khăn. Do vậy, một số ý kiến đại biểu đã đề nghị cần quan tâm đến giáo dục, nhất là hoạt động dạy học, thi cử trong điều kiện dịch bệnh Covid-19:

Đại biểu Qùang Văn Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La: Liên quan đến giáo dục, nhiệm vụ Chính phủ đề ra là tổng kết năm học 2020-2021 và chuẩn bị cho năm học mới. Tôi đề nghị Bộ giáo dục có đánh giá thêm về vấn đề này. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài và tiếp tục chuyển qua hoc online, các cháu chủ yếu học trên máy và không có hoạt động thể chất sẽ ảnh hưởng như thế nào? Chuẩn bị kịch bản như nào để có cách tổ chức tốt nhất giữa gia đình và nhà trường để giáo dục nhân cách cho các cháu phát triển toàn diện.

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: Đề nghị quan tâm đến giáo dục, nhất là hoạt động dạy học, thi cử trong điều kiện dịch bệnh, hiện nay chúng ta xác định là sẽ sống chung với Covid, chưa biết đến bao giờ mới có thể kết thúc đại dịch. Do đó, đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục, Bộ Y tế cần nghiên cứu để xây dựng mô hình trường học an toàn để đưa trẻ đến trường. Các cháu học sinh không thể ở nhà và học trực tuyến mãi được, việc không thể đến trường cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm, sinh lý của học sinh, nhất là các cháu bậc mẫu giáo và tiểu học.

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH Quốc hội tỉnh Đồng Nai

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH Quốc hội tỉnh Đồng Nai

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Nhiều nước trên thế giới có những khảo sát, nghiên cứu công phu, nghiêm túc về tác động tiêu cực của dịch bệnh lên sức khỏe tinh thần của con người, nhưng ở Việt Nam chúng ta chưa có nghiên cứu cụ thể về vấn đề này. Ngay trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV cũng nêu rất rõ, một trong những kiến nghị của cử tri đó là trong bối cảnh phải cách ly, giãn cách xã hội thì một bộ phận trẻ em không được đến trường lớp và không được vui chơi tương thích với lứa tuổi. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới tâm sinh lý của các em, cho nên cần sớm được các cơ quan chức năng nghiên cứu, giải quyết.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Thời gian quan, nhằm đảm bảo chương trình năm học 2020 - 2021 kết thúc theo đúng kế hoạch, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thực hiện triển khai ôn tập và kiểm tra học kỳ 2 theo hình thức trực tuyến. Dù đã có 2 năm kinh nghiệm học trực tuyến, nhưng với nhiều học sinh, đây là lần đầu tiên các em được làm bài kiểm tra bằng hình thức này. Việc trải qua bài kiểm tra theo hình thức mới - với sự giám sát của máy móc và những quy định nghiêm ngặt rõ ràng khiến cho cả học sinh và phụ huynh lo lắng. Đã đến lúc chúng ta cần có những đánh giá và phương pháp học – thi phù hợp bởi Covid-19 không phải diễn ra trong “ngày một ngày hai./.

Thanh Hải

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=58191