GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: ĐỀ NGHỊ TĂNG TỶ LỆ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH

Tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố… là những điểm mới quan trọng về mô hình tổ chức chính quyền Thủ đô, được thể hiện tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Tán thành với điểm mới này, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần phấn đấu tăng tỷ lệ đại biểu HĐND Thành phố hoạt động chuyên trách; tập trung đổi mới phương thức, cách thức làm việc, bộ máy giúp việc, điều kiện bảo đảm để nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND Thành phố.

Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại Hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại Hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều; trong đó sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều. Đáng chú ý, dự thảo luật quy định về chính quyền Thủ đô, trong đó, về mô hình tổ chức, thực hiện mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân phường ở Hà Nội theo Nghị quyết số 97 và bổ sung thành phố thuộc TP Hà Nội.

Theo tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TP Hà Nội sẽ thực hiện mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân phường, đồng thời tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (từ 2 lên tối đa 3); mở rộng thành phần Thường trực Hội đồng nhân dân so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm nâng cao năng lực và tăng tính chuyên nghiệp của Hội đồng nhân dân.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc củng cố, nâng cao năng lực của HĐND, bảo đảm khả năng đảm đương thêm các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho thành phố Hà Nội theo dự thảo Luật và phù hợp với yêu cầu tổ chức chính quyền đô thị là cần thiết. Tuy nhiên, lập luận cho rằng việc tăng số lượng đại biểu HĐND Thành phố nhằm bảo đảm tỷ lệ đại diện cho cử tri, phù hợp với tốc độ tăng dân số cơ học của Thành phố là chưa thật sự hợp lý. Đặc biệt là trong điều kiện vừa qua, số lượng đại biểu HĐND ở từng đơn vị hành chính đều thực hiện giảm theo yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).

Mặt khác, mặc dù dự thảo Luật đề xuất tăng số lượng đại biểu HĐND Thành phố nhưng lại chưa làm rõ cơ cấu, thành phần của đại biểu để bảo đảm tính đại diện cho các tầng lớp, thành phần xã hội, đặc biệt là việc cụ thể hóa chủ trương “giảm đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước” theo yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW; chưa làm rõ việc tăng số lượng đại biểu HĐND sẽ góp phần làm tăng hiệu quả hoạt động của HĐND như thế nào.

Vì vậy, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, thay vì đề nghị tăng số lượng đại biểu HĐND Thành phố thì cần phấn đấu tăng tỷ lệ đại biểu HĐND Thành phố hoạt động chuyên trách (có thể ít nhất là 30% tương ứng với số lượng nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm của HĐND thành phố Hà Nội hoặc 40% như đối với đại biểu Quốc hội) và tập trung vào việc đổi mới phương thức, cách thức làm việc, bộ máy giúp việc, điều kiện bảo đảm để nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND Thành phố.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Tham gia góp ý vào quy định này tại dự thảo luật, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ thống nhất theo Tờ trình về tăng số lượng đại biểu của Hội đồng nhân dân thành phố từ 95 lên 125 đại biểu.

Theo đại biểu, đây là một vấn đề hết sức quan trọng, vì thành phố Hà Nội dân số rất đông mà tổ chức Hội đồng nhân dân cấp phường không có. Đại biểu đề xuất nên tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách cao lên so với hiện nay, thay vì đề xuất mà không nói rõ hoạt động chuyên trách là tăng số lượng bao nhiêu. Đồng thời, phân bổ số lượng đại biểu hợp lý đối với các ngành, lĩnh vực là cần thiết.

Thống nhất với quan điểm của cơ quan thẩm tra, đại biểu lưu ý, biên chế là do cấp có thẩm quyền quyết định cho nên muốn tăng/ giảm biên chế phải do cấp thẩm quyền quyết định, không thể có một cơ chế riêng cho trường hợp này được, Nếu cần thiết, biên chế của Hà Nội tăng đề xuất cấp thẩm quyền quyết định.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái thống nhất với quy định tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố từ 95 lên 125 đại biểu. “Khi không còn Hội đồng nhân dân quận, phường thì vai trò, trách nhiệm trong việc thẩm tra, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng sẽ do Hội đồng nhân dân thành phố đảm nhiệm. Do vậy, việc tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố là hợp lý”, đại biểu lý giải.

Tuy nhiên, cũng theo đại biểu, trong dự thảo luật đang đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách lên ít nhất 25% chưa tương ứng với số lượng, nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. Do vậy, đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo xem xét nâng tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố hoạt động chuyên trách có thể lên ít nhất là 30% hoặc 40% như đối với đại biểu Quốc hội để đảm bảo hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân thành phố. Đồng thời, ngoài nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố quy định tại khoản 4 Điều 9, đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung thêm thẩm quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố trong việc cho ý kiến thống nhất với Ủy ban nhân dân thành phố trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các kỳ họp của Hội đồng nhân dân để tạo tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện các nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân thành phố.

 Đại biểu Trần Quốc Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Đại biểu Trần Quốc Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Trần Quốc Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An ủng hộ việc củng cố, nâng cao hiệu lực hoạt động của Hội đồng nhân dân, bảo đảm khả năng thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho thành phố. “Tờ trình của Chính phủ nêu việc tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố nhằm bảo đảm tính tỷ lệ đại diện cho cử tri, phù hợp với tốc độ tăng dân số cơ học của thành phố. Việc đề xuất tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, đề nghị cần làm rõ cơ cấu, thành phần của đại biểu để đảm bảo tính đại diện cho các tầng lớp, các ngành, các lĩnh vực trên địa bàn thành phố…”, đại biểu cho biết.

Việc tăng tỷ lệ đại biểu, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu việc đề xuất tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên tương ứng so với trong dự thảo. Trong báo cáo đánh giá tác động của dự thảo luật cũng đã nêu các ban của Hội đồng nhân dân Thành phố có các trưởng ban, phó ban và các thành viên nhưng phần lớn hoạt động là kiêm nghiệm nên chưa dành nhiều thời gian, chưa tâm huyết cho hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân, chưa tham gia đầy đủ các hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri. Do đó, đề nghị việc tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách sẽ có nhiều thuận lợi để đại biểu có toàn thời gian nghiên cứu, tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, đề xuất các chính sách và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ cho Nhân dân một cách kịp thời, hiệu quả.

Thống nhất với quy định tăng tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố hoạt động chuyên trách, đại biểu Trương Thị Ngọc Ánh – Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ đề xuất, để tiếp tục thực hiện mô hình chính quyền đô thị hiệu quả thì cần phải tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trên địa bàn phường khi không tổ chức Hội đồng nhân dân.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị, cần phải quy định rõ trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung dự thảo luật các quy định về đổi mới phương thức hoạt động, cách thức làm việc, bộ máy giúp việc, điều kiện đảm bảo của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, thành phố trong thành phố, nhất là trong bối cảnh tăng cường phân cấp, phân quyền./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=82598