Góc nhìn giáo dục: Cơ hội thay đổi của phụ huynh
Thông tư 29 có thể là cú sốc với nhiều người...Trong hội thảo về giáo dục mới đây do Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, đại diện Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) chia sẻ: Nhiều sinh viên Việt Nam sang Anh học tập theo chương trình giao lưu tín chỉ tiếp thu nhanh nhưng thiếu kiến thức thực tế, bị động. Các em có thể học được rất nhiều kiến thức lý thuyết nhưng lại va vấp khi áp dụng chúng vào thực tiễn. Các em có thể rất sáng dạ khi có người hướng dẫn nhưng lại lúng túng không biết nên tìm tòi như thế nào với một vấn đề mới đặt ra nếu không có người 'cầm tay chỉ việc'.

Ảnh minh họa: TTXVN
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới phát triển năng lực, phẩm chất thay vì là “máy học”, chỉ biết nạp kiến thức là rất đúng đắn. Nhưng để chương trình thành công, chúng ta buộc phải thay đổi. Thay đổi không chỉ với ngành giáo dục mà với cả xã hội và phụ huynh.
Tại sao ư? Bởi kỳ vọng sai lệch của xã hội và phụ huynh đôi khi đủ lớn để đẩy giáo dục đi lệch quỹ đạo đáng lẽ nó phải theo. Thông tư 29 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành có hiệu lực từ ngày 14-2 quy định về dạy thêm, học thêm là một ví dụ.
Dạy thêm, học thêm chỉ cần thiết với học sinh giỏi để bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu, học sinh yếu kém để theo kịp bạn bè, cùng lắm là với học sinh cuối các cấp học phải chuẩn bị cho kỳ thi bước ngoặt. Trước thông tư này, dễ dàng bắt gặp những học sinh cấp 1 đã quay cuồng với guồng quay học hành khi ngày nghỉ cũng như ngày thường đều kín lịch học từ sáng tới tối.
Nhưng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết liệt áp dụng quy định của thông tư, nhiều phụ huynh lại kịch liệt phản đối. Họ lo lắng con mình không thể đáp ứng nổi chương trình học, không thể cạnh tranh trong các kỳ thi khốc liệt. Họ cũng lo không quản lý nổi con khi giờ đây học sinh có thêm thời gian rảnh ở nhà. Họ còn lo không đưa đón được con bởi muôn vàn lý do...
Thông tư 29 có thể chính là cú sốc với nhiều người vì thế. Nhiều người buộc phải thu xếp công việc để tìm hiểu chương trình học mới để đồng hành với con, thay vì quẳng hết cho nhà trường và giáo viên bởi yên tâm đã đóng tiền cho con đi học thêm. Những thay đổi đó là cần thiết để tạo ra một nền giáo dục được thay đổi.
Phải sòng phẳng, học gạo, học tủ mới buộc học sinh phải học triền miên từ lớp này sang lớp khác. Học tư duy thì chỉ cần phương pháp. Học sinh cũng cần thời gian nghỉ để tìm hiểu, trải nghiệm thêm các hoạt động văn hóa-nghệ thuật, thể dục-thể thao phù hợp với sở thích và nâng cao thể, mỹ, thay vì nhồi nhét kiến thức. Việc nạp thật nhiều kiến thức trong thời đại công nghệ thông tin phát triển từng ngày, từng giờ như hiện nay có lẽ phù hợp với máy móc hơn. Bộ não và cơ thể con người là hữu hạn.
(Theo qdnd.vn)