Góc nhìn giáo dục: Trò giả dối, lỗi một phần tại giáo viên

Sau một thời gian kiểm tra, xác minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có quyết định hủy kết quả giải nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT năm 2024-2025; thu hồi giải thưởng, giấy chứng nhận đoạt giải của dự án 'Hệ thống phân loại rác thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo và cảm biến âm thanh' đối với nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Siêu (Hưng Yên).Vì sau khi kết quả cuộc thi được công bố, nhiều chuyên gia trong ngành đã chỉ ra sự giống nhau đến mức nghi ngờ của sản phẩm nói trên với sản phẩm của một chuyên gia nước ngoài đã được công bố trên một nền tảng trực tuyến quốc tế dành cho cộng đồng những người đam mê công nghệ, kỹ sư, nhà sáng tạo.Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT là sân chơi khoa học bổ ích của các em học sinh, đã được tổ chức hàng chục năm qua. Tuy nhiên, với trình độ, kiến thức ở bậc phổ thông, các em rất khó, nếu như không muốn nói là không thể cho ra đời những sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, cần tích hợp nhiều kiến thức chuyên sâu thuộc nhiều lĩnh vực... Bởi vậy, mục đích chính của cuộc thi không phải là để học sinh nghiên cứu ra những sản phẩm 'cao siêu' như vậy. Thay vào đó, cuộc thi cần phải được tổ chức hướng đến mục tiêu chủ yếu là khơi dậy, kích thích học sinh đam mê học tập, rèn luyện phương pháp nghiên cứu khoa học; tìm tòi, sáng tạo ra những sản phẩm thiết thực, phù hợp với năng lực, trình độ, kiến thức. Điều không kém phần quan trọng của cuộc thi nhằm góp phần rèn luyện liêm chính khoa học-một đức tính không thể thiếu của những người làm khoa học chân chính.

Ảnh minh họa.Vietnam+

Ảnh minh họa.Vietnam+

Nhưng rất tiếc, những mục đích tốt đẹp nêu trên dường như thể hiện rất mờ nhạt. Thời gian qua, học sinh, các nhà trường, các địa phương hầu như chỉ quan tâm đến giải thưởng và thành tích. Chính vì thế, không ít biểu hiệu tiêu cực đã xảy ra như cha mẹ, giáo viên, chuyên gia “nghiên cứu hộ” học sinh; tình trạng “ăn cắp” kết quả nghiên cứu; mua bán đề tài khoa học kỹ thuật... khiến dư luận bức xúc. Trước thực trạng này, trong quy chế mới nhất của cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT ban hành năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: "Bảo đảm tính trung thực trong nghiên cứu khoa học; không gian lận, sao chép trái phép, giả mạo; không sử dụng hoặc trình bày nội dung, kết quả nghiên cứu của người khác như là kết quả nghiên cứu của mình".

Để xảy ra vi phạm dẫn tới phải hủy kết quả, thu hồi giải thưởng như trường hợp dự án "Hệ thống phân loại rác thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo và cảm biến âm thanh” nói riêng và những tiêu cực khác nói chung, xét đến cùng, lỗi không hoàn toàn thuộc về các em học sinh. Trách các em học sinh một thì phải trách thầy cô, nhà trường nhiều hơn thế. Bởi không ai khác, chính thầy cô, nhà trường là những người trực tiếp dạy dỗ, hướng dẫn, biết rõ quá trình nghiên cứu của các em. Nếu thầy cô, nhà trường gương mẫu, trách nhiệm, không mắc “bệnh” thành tích thì chắc chắn không thể xảy ra những trường hợp giả dối, mạo danh như vậy.

(Theo qdnd.vn)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/su-kien-binh-luan/202505/goc-nhin-giao-duc-tro-gia-doi-loi-mot-phan-tai-giao-vien-1041624/