Góc nhìn hôm nay: Đường sắt cao tốc - cơ hội đột phá nội lực

Quốc hội vừa chính thức thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 67 tỷ USD tương đương hơn 1,7 triệu tỷ đồng. Các công trình đầu tư lớn của nước ta từ trước tới nay thường sử dụng tài trợ vốn vay với nhiều điều kiện kèm theo. Do đó doanh nghiệp trong nước không có nhiều 'đất dụng võ', không tận dụng được cơ hội để phát triển đột phá về quản trị, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học công nghệ…Nhưng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hoàn toàn khác. Dự án sẽ được thực hiện bằng vốn đầu tư công. Việc chủ động về vốn sẽ giúp dự án chủ động về quản trị, về lựa chọn nhà thầu và mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, mở ra cơ hội cho nội lực Việt Nam đột phá.

Chiều 30/11/2024, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam với tỷ lệ tán thành 92,48%. Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố.

Về quy mô, đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 05 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Hình thức đầu tư công, áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa; bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 1.713.548 tỷ đồng (một triệu, bảy trăm mười ba nghìn, năm trăm bốn mươi tám tỷ đồng); Nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo Nghị quyết, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc: Tổ chức thực hiện, quản lý đầu tư Dự án theo đúng Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan; bảo đảm Dự án đúng tiến độ, chất lượng; Quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư Dự án; Chỉ đạo tổ chức việc quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Theo Bộ GTVT, việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng hơn 33 tỷ USD, dự báo sẽ đem lại khối lượng công việc khổng lồ cho thị trường xây lắp hạ tầng. Nhưng cơ hội không chỉ là thị trường, là công việc mà còn hơn thế nữa.

Các chuyên cũng đều đồng tình rằng cần tin tưởng giao cho doanh nghiệp Việt thực hiện các hạng mục từ phần dưới ray trở xuống có tính chất tương tự công trình đường bộ như cầu, đường, hầm. Còn đối với phần từ ray trở lên gồm đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu… có thể cân nhắc xem xét giao doanh nghiệp trong nước liên danh với doanh nghiệp nước ngoài triển khai. Tuy nhiên để hiện thực hóa điều này, trước tiên doanh nghiệp Việt phải vượt qua rất nhiều thách thức về pháp lý.

Các hạng mục xây dựng thuộc đường sắt tốc độ cao đòi hỏi yêu cầu rất cao về chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật. Nhưng những yêu cầu này không phải là thách thức đối với doanh nghiệp Việt. Thách thức đối với doanh nghiệp Việt là thể chế.

Dự án đường sắt tốc độ cao sử dụng nguồn vốn đầu tư công vì vậy phải tuân thủ nhiều quy định quản lý chặt chẽ. Nhưng nếu thực hiện đúng theo quy định này, tất cả doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị loại từ vòng “gửi xe”.

Với những quy định hiện tại về đấu thầu doanh nghiệp Việt chỉ có thể tham gia những dự án với tư cách nhà thầu phụ cho tổng thầu nước ngoài có đủ điều kiện theo quy định. Có nghĩa là thực chất các công trình vẫn do doanh nghiệp Việt xây dựng nhưng dưới sự quản lý, điều hành của tổng thầu là doanh nghiệp nước ngoài. Thực tế này cũng đang diễn ra tại Dự án sân bay Long Thành.

Nếu được tạo điều kiện trở thành nhà thầu của Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể thuê nguồn lực nước ngoài để đảm bảo các yếu tố về quản trị, kỹ thuật, công nghệ.

Từ thực tế phát triển của nhiều nước trên thế giới cho thấy thành quả lớn nhất mà quá trình xây dựng hạ tầng mang lại không chỉ là giá trị, hiệu quả sử dụng của các công trình đó mà là sự trưởng thành của các doanh nghiệp nội địa. Điển hình như những tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, Hyundai, LG…cũng đều xuất phát từ các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng nhưng nay đã trở thành các tập đoàn đa ngành, đa quốc gia và là những đầu tàu kinh tế của đất nước Hàn Quốc. Có thể thấy các công trình lớn đang triển khai như sân bay Long Thành, sẽ triển khai như đường sắt cao tốc Bắc Nam và có thể là điện gió ngoài khơi…sẽ là cơ hội, là động lực cho các doanh nghiệp Việt đột phát và cũng là nền móng cho sự phát triển nhanh và bền vững của kinh tế Việt Nam trong tương lai. Các quy định pháp luật hiện hành được thiết kế xây dựng nếu chưa phù hợp thì cần được sửa đổi để phát huy tốt nhất nguồn nội lực đang có.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Xuân Tiến

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/goc-nhin-hom-nay-duong-sat-cao-toc-co-hoi-dot-pha-noi-luc-245366.htm