Góc nhìn khác về chuyện vị vua nhà Trần gả vợ cũ cho cận thần
Nhìn nhận từ góc độ hiện đại, việc vua Trần Thái Tông gả công chúa Lý Chiêu Hoàng cho thủ lĩnh Lê Phụ Trần có thể xem là cách để bà tìm được hạnh phúc thực sự.
Theo nhận định của nhà văn Trần Thanh Cảnh tại sự kiện ra mắt sách Truyện sử Trần chiều 11/1, trong dòng chảy lịch sử phong kiến Việt Nam, hiếm có sự kiện nào độc đáo như việc vua Trần Thái Tông (vị vua đầu tiên của nhà Trần) quyết định gả vợ của mình, Lý Chiêu Hoàng, cho một cận thần. Sự kiện diễn ra vào năm 1258 đã gây nhiều tranh cãi và được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau.
Theo sử liệu, Lý Chiêu Hoàng là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Bà nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh năm 1225, chính thức khép lại triều đại nhà Lý và mở ra một chương mới cho nhà Trần.
Dẫu vậy, cuộc hôn nhân giữa bà và Trần Thái Tông không trọn vẹn. Mười năm sau ngày nhường ngôi, bà bị giáng làm công chúa, nhường vị trí hoàng hậu cho chị ruột là Thuận Thiên công chúa.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, nguyên nhân chính là bà không sinh được con nối dõi. Tuy nhiên, nhà văn Trần Thanh Cảnh nhận định: "Nếu chỉ nhìn đơn giản, đây quả thực là hành động tuyệt tình của Trần Thái Tông".
Về sau, vào năm 1258, công chúa Lý Chiêu Hoàng được vua Trần Thái Tông gả cho Đại phu Lê Phụ Trần - một người có công cứu giá. Hành động này khiến Trần Thái Tông bị chỉ trích nặng nề bởi các sử gia phong kiến, xem đó là sự bất nhân với người từng sát cánh trong thời khắc quan trọng. Nhiều người đời sau cũng gọi đây là sự “rao bán vợ cũ”.
Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào hoàn cảnh lịch sử, câu chuyện không hẳn mang một màu sắc tiêu cực như thế.
Năm ấy, vua Trần Thái Tông chỉ mới 19 tuổi. Ông cùng Lý Chiêu Hoàng và Thuận Thiên công chúa đều chịu sự sắp đặt của Trần Thủ Độ - người nắm giữ quyền lực tối cao thực sự. Quyết định giáng Lý Chiêu Hoàng làm công chúa, gả bà cho thủ lĩnh Lê Phụ Trần, có thể xuất phát từ nỗ lực duy trì dòng máu hoàng tộc kết hợp giữa nhà Trần và nhà Lý - một cam kết không chính thức khi chuyển giao quyền lực.
Nhìn nhận từ góc độ hiện đại, việc vua Trần Thái Tông gả công chúa Lý Chiêu Hoàng cho thủ lĩnh Lê Phụ Trần có thể xem là cách để bà tìm được hạnh phúc thực sự.
Theo lời nhà văn Trần Thanh Cảnh: “Trần Thái Tông vẫn còn tình nghĩa với công chúa Lý Chiêu Hoàng. Nhưng ở bên cạnh ông, bà không thể hạnh phúc được. Vì vậy ông đã để bà về với người bạn thân tín nhất là thủ lĩnh Lê Phụ Trần”.
Đặt trong bối cảnh Nho giáo của thời phong kiến, hành động này dĩ nhiên bị xem là bất thường, thậm chí không thể chấp nhận được. Song, từ góc nhìn nhân văn, đây lại là một phương án giải thoát.
“Lý Chiêu Hoàng - người từng chịu đựng biết bao đau khổ và áp lực - có lẽ đã tìm được sự an yên bên Lê Phụ Trần”, nhà văn Trần Thanh Cảnh nói thêm.
Sự kiện này cũng đã trở thành một nguồn cảm hứng để ông viết nên tập truyện ngắn mới mang tên Truyện sử Trần. Hơn hết, điều thôi thúc nhà văn Trần Thanh Cảnh viết nên tác phẩm này là nhận thức về trách nhiệm với lớp trẻ. Ông cho rằng một bộ phận người viết đang khiến thông tin lịch sử trở nên cồng kềnh, khó tiếp cận. Vì vậy, thông qua ngôn ngữ văn học và thể loại truyện ngắn, ông mong muốn độc giả ở thế hệ Z, Alpha có thể hiểu hơn về lịch sử nước nhà nói chung và thời đại Lý - Trần nói riêng.
Kết thúc buổi ra mắt, nhà văn Trần Thanh Cảnh phát động cuộc thi “Đọc sách và viết về các nhân vật sử Trần”. Theo ông, đây là cơ hội tốt để các cây bút trẻ khẳng định mình và đào sâu vào chất liệu lịch sử.